Cập nhật: 15/02/2011 16:06:47 Article Rating
Xem cỡ chữ

Sau những ngày Tết sum vầy ấm cúng và những lời chúc tụng nhau điều tốt đẹp, nhiều người đến đền, chùa để gửi gắm ước nguyện cho năm mới, tưởng nhớ những người anh hùng có công với dân với nước. Qua đó nâng lên lòng yêu nước, lòng tự hào dân tộc. Đây là một truyền thống tốt đẹp, nét văn hoá đặc sắc của người Việt Nam ta.

Theo thống kê của ngành du lịch, trong một năm, trên cả nước có trên 500 lễ hội cổ truyền lớn nhỏ, trải dài khắp đất nước và suốt cả 4 mùa trong năm nhưng tập trung chủ yếu trong mùa Xuân, từ sau Tết Nguyên đán đến hết tháng 3 âm lịch. Trong thời gian này, lễ hội diễn ra dày đặc, ở nhiều địa phương. Mỗi lễ hội mang một nét tiêu biểu và giá trị riêng, nhưng bao giờ cũng hướng tới việc tưởng nhớ những người anh hùng của dân tộc, của làng quê trong chống giặc ngoại xâm, dạy dỗ truyền nghề, giàu lòng nhân ái,...

 

Tuy nhiên, điều cần bàn ở đây là việc tổ chức, quản lý của chính quyền các địa phương, sự lãng phí của người dân, việc biến dạng không gian văn hoá lễ hội những năm gần đây và vấn đề tệ nạn xã hội... Những điều này đã làm mai một phần nào ý nghĩa tốt đẹp và tích cực của lễ hội dịp đầu xuân.

 

Có thể thấy chuyện “chặt chém”, bắt chẹt khách hành hương qua các dịch vụ gửi xe, ăn uống, nghỉ ngơi; cảnh các trò tệ nạn như cờ bạc, bói toán,... lấn chiếm các hoạt động của lễ hội; cảnh chen lấn xô đẩy, ý thức giữ vệ sinh nơi công cộng, chen nhau dâng lễ và nhất là xếp hàng rồng rắn hoá vàng mã của du khách; cảnh buôn thần bán thánh, “hối lộ thánh thần” bằng những mâm cỗ phàm tục, những đồng tiền lẻ gài lên phật tượng, thánh tượng,... là những chuyện năm nào báo chí cũng lên tiếng, nhưng mọi chuyện có vẻ “nguyễn như vân – vẫn như nguyên”, thậm chí còn có chiều hướng gia tăng! Những hình ảnh không đẹp này đã làm mất đi vẻ tôn nghiêm và nét văn hoá đặc sắc của lễ hội.

 

Theo thống kê chưa đầy đủ của Bộ Văn hoá - Thể thao và Du lịch, mỗi năm có hơn 40.000 tấn vàng mã được sử dụng; riêng Hà Nội, người dân đã tiêu tốn 400 tỷ đồng cho việc đốt vàng mã (số liệu năm 2009). Không ít cán bộ công chức dùng những giờ làm việc đầu năm, phương tiện của Nhà nước để đi lễ. Việc sắm đồ lễ cũng đã tiêu tốn không ít tiền bạc, nhiều gia chủ không chỉ không tiếc tiền cho việc sắm lễ mà còn đua nhau sắm những mâm lễ lớn. Đó là những lãng phí rất lớn trong khi nền kinh tế của ta còn rất nhỏ bé.

 

Tháng Giêng, mùa Xuân là sự khởi đầu của những mục tiêu, những khát vọng, nhất là khi đất nước đang chuyển mình đi lên công nghiệp hoá, hiện đại hoá thì việc quản lý lễ hội sao cho vừa bảo tồn được nét đặc sắc của văn hoá truyền thống, vừa giữ được sự tôn nghiêm, quy củ, tiết kiệm là điều cần làm và làm cương quyết.

 

 

Báo điện tử Kinh tế nông thôn

 

Tệp đính kèm