Cập nhật: 21/02/2011 16:09:04 Article Rating
Xem cỡ chữ

Theo Trung tâm dự báo Khí tượng-Thủy văn T.Ư, do ảnh hưởng của không khí lạnh tăng cường, kết hợp của dòng xiết gió tây trên cao nên nhiệt độ các nơi giảm phổ biến từ 3 đến 5 độ C, miền núi phía bắc thậm chí lại rét đậm, và tình trạng này có thể kéo dài đến ngày 22-2.

Trong khi đó, các tỉnh, thành phố từ Ðà Nẵng đến Bình Thuận, do có mưa rào vài nơi và ảnh hưởng nhẹ của gió mùa Ðông Bắc, trời tương đối mát, nhiệt độ cao nhất khoảng 27 đến 30 độ C. Còn Nam Bộ, do chịu tác động của gió đông thổi từ biển vào nhưng không có mưa, ngày nắng nên thời tiết khá nóng, nhiệt độ có thể lên tới 31 đến 34 độ C.

 

Ðến nay, tỉnh Lạng Sơn đã có 159/226 xã, phường, thị trấn ra quân làm thủy lợi. Trong đó, các địa phương đã huy động hơn 46 nghìn ngày công, sửa chữa 31 phai cống, đập; nạo vét, kiên cố hơn 4.000 m kênh mương; đào đắp, kè, xây hơn 8.500m3 đất, đá... Ngoài ra, tỉnh cũng dự trữ hơn 10 nghìn tấn phân bón nhằm bình ổn giá thị trường. Bên cạnh đó, các đơn vị quản lý khai thác công trình thủy lợi chủ động tích trữ nước để phục vụ sản xuất lúa đông xuân.

 

Hiện nay, tỉnh Tuyên Quang có gần bốn nghìn ha đất sản xuất vụ Xuân có khả năng bị hạn. Ngành nông nghiệp tỉnh đã vận động bà con nông dân tranh thủ, tận dụng nguồn nước ở các ao hồ, sông suối và nguồn nước xả từ hồ thủy điện Tuyên Quang để sản xuất; lựa chọn những giống lúa chịu hạn, tổ chức nạo vét kênh mương dẫn và trữ nước, đồng thời quản lý chặt chẽ nguồn nước, chống rò rỉ, thất thoát.

 

Ðến nay, nông dân tỉnh Quảng Bình đã cơ bản hoàn thành gieo cấy lại hơn 4.500 ha lúa đông xuân bị chết rét. Tỉnh đang hướng dẫn, vận động nhân dân cấy dặm lại những diện tích lúa chết, thống kê số gia súc, cây trồng bị chết rét để có chính sách hỗ trợ. Theo đó, đối với diện tích lúa bị thiệt hại hơn 70% được hỗ trợ hơn một triệu đồng/ha; thiệt hại từ 30 đến 70% là 500 nghìn đồng/ha; lợn 500 nghìn đồng/con giống; trâu, bò là hai triệu đồng/con giống...

 

Theo Chi cục BVTV tỉnh Quảng Nam, gần 200 ha lúa trên địa bàn đã bị chuột cắn phá. Trong đó, huyện bị nặng nhất là Ðiện Bàn với khoảng 100 ha bị chuột phá hại. Ngoài ra, còn có khoảng 600 ha lúa bị bọ trĩ xâm hại nghiêm trọng, tập trung tại một số huyện Tiên Phước, Duy Xuyên, Phú Ninh, Ðiện Bàn. Ðặc biệt, trong vòng một tuần trở lại đây, trên một số diện tích lúa bệnh đạo ôn đã xuất hiện mỗi lúc một nhiều. Chi cục khuyến cáo bà con nông dân thường xuyên thăm đồng, phát hiện sâu bệnh để cùng cán bộ kỹ thuật có biện pháp xử lý kịp thời.

 

Do nước mặn xâm nhập sớm hơn nên nhiều diện tích lúa đông xuân ở Tiền Giang, Trà Vinh bị thiếu nước sản xuất. Tại vùng ngọt hóa Gò Công (Tiền Giang) có nguy cơ thiếu nước vào cuối vụ. Hiện nay, hơn 8.000 ha xuống giống sau có khả năng thiếu nước phải bơm chuyền từ hai đến ba cấp vào cuối vụ và hơn 2.000 ha có khả năng thiếu nước nghiêm trọng, giảm năng suất, tập trung chủ yếu ở thị xã Gò Công và huyện Gò Công Ðông. Tỉnh đang vận động các địa phương làm thủy lợi nội đồng nhằm cung cấp nước bảo vệ lúa. Tại huyện Trà Cú (Trà Vinh) hiện có gần 3.300 ha lúa đang ở trong giai đoạn đẻ nhánh bị thiệt hại. Hiện nay, tỉnh đang tích cực ngăn mặn, chống hạn, bảo vệ lúa, hoa màu, vườn cây ăn trái và diện tích nuôi thủy sản nước ngọt; nạo vét kênh mương, gia cố lại hệ thống bờ vùng, bờ thửa, đê bao ngăn mặn, trữ ngọt phục vụ sản xuất; bố trí cây trồng, thời vụ xuống giống phù hợp theo hương tránh hạn và mặn. Chi cục Thủy lợi tỉnh Long An, cho biết: Do thời tiết khô nóng, mực nước các nơi đang hạ thấp nên nhiều khả năng mặn sẽ xâm nhập sâu vào nội đồng. Vì vậy các ngành chức năng khuyến cáo nông dân thường xuyên theo dõi chất lượng nước, có biện pháp ngăn mặn, giữ ngọt thích hợp. Ðối với những vùng có khả năng mặn xâm nhập nhưng chưa có cống ngăn mặn cần đắp đập tạm tại một số đầu kênh và giữ nước ngọt phục vụ sản xuất.

 

Từ sau Tết đến nay, trên địa bàn tỉnh Tây Ninh đã có gần 200 ha mía bị cháy. Hiện nay, các cơ quan chức năng khuyến cáo nông dân trồng mía cần cẩn thận trong việc đốt bờ ruộng, tránh nguy cơ cháy lan sang ruộng mía khác. Bên cạnh đó, các nhà máy trên địa bàn tỉnh khẩn trương điều xe tổ chức thu hoạch mía cây giúp nông dân. Ðồng thời cần hỗ trợ thêm để nông dân không bị thiệt hại do mía khô giảm trữ đường, nhất là các hộ có mía bị cháy, năng suất giảm.

 

Vụ tôm sú năm nay, tỉnh Sóc Trăng dự kiến thả nuôi gần 48 nghìn ha. Tuy nhiên, khả năng độ mặn về chậm hơn so năm trước, tỉnh khuyến cáo bà con cải tạo ao nuôi, chọn lựa tôm giống sạch bệnh, áp dụng biện pháp dưỡng giống trước khi thả và có biện pháp thả giống thích hợp, đúng lịch thời vụ. Hiện nay, tỉnh đã cử cán bộ xuống địa bàn khảo sát, đánh giá nguyên nhân và khuyến cáo người nuôi không quá nôn nóng mà thả sớm, nhất là ở địa bàn huyện Mỹ Xuyên và các vùng xa cửa sông, khi độ mặn còn thấp, chưa thích hợp với điều kiện thả giống.

 

* Trước tình trạng dịch lở mồm long móng (LMLM) ở đàn gia súc có chiều hướng gia tăng, lây lan nhanh trên diện rộng, nhiều tỉnh, thành phố đã chỉ đạo các sở, ban ngành, địa phương tập trung mọi nguồn lực cho công tác phòng trừ dịch bệnh, nhằm hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại do dịch bệnh gây ra. Ðến nay, trên địa bàn tỉnh Bắc Cạn đã có hơn 3.000 con gia súc đã mắc bệnh LMLM. Tỉnh đang yêu cầu các huyện, thị xã thành lập thêm các tổ phản ứng nhanh thường trực và tuần tra 24/24 giờ để cập nhật và xử lý các thông tin; kiên quyết ngăn chặn, bắt giữ và tiêu hủy gia súc, gia cầm từ các vùng dịch vận chuyển đi nơi khác; phối hợp chặt chẽ với các tỉnh lân cận như Thái Nguyên, Cao Bằng, Lạng Sơn, Tuyên Quang để lập các chốt chặn... Tại tỉnh Tuyên Quang, đã có hơn 5.000 con gia súc bị LMLM. Ðể khống chế dịch bệnh lây lan nhanh, tỉnh đã thành lập 65 chốt kiểm dịch động vật; kiểm soát việc vận chuyển gia súc không rõ nguồn gốc, không có giấy chứng nhận kiểm dịch hợp lệ từ các tỉnh ngoài vào địa bàn. Ngoài ra, tỉnh cũng cấp 200 tấn vôi bột và 2.000 lít thuốc khử trùng cho các địa phương có dịch vệ sinh chuồng trại, đường làng ngõ xóm, cấp 61 nghìn liều vắc-xin LMLM tiêm phòng cho gia súc. Theo Chi cục Thú y tỉnh Bắc Giang, trên địa bàn đã có hơn 5.000 con gia súc nghi mắc dịch LMLM, rải rác ở tất cả 10 huyện, thành phố. Mặc dù dịch LMLM đang diễn biến phức tạp nhưng T.Ư và tỉnh vẫn chưa hỗ trợ loại vắc-xin để tiêm phòng. Hiện nay, tỉnh đang khoanh vùng, cấm lưu thông gia súc mắc bệnh ra vào vùng dịch; đồng thời, thành lập các đoàn kiểm tra công tác phòng, chống dịch; hướng dẫn người chăn nuôi cách ly và điều trị triệt để cho gia súc ốm kết hợp tăng cường chăm sóc, nuôi dưỡng để gia súc mắc bệnh chóng hồi phục...

 

Dịch LMLM cũng đã xuất hiện tại các huyện Kỳ Anh, Ðức Thọ, Lộc Hà, Can Lộc (Hà Tĩnh) làm gần 200 gia súc bị mắc bệnh. Hiện nay, tỉnh đang chủ động khoanh vùng, tiêu độc khử trùng chung quanh ổ dịch; xác định số gia súc mắc bệnh để tiêu hủy. Ðồng thời thống kê lại số gia súc trên địa bàn để tiêm phòng tránh dịch lây lan nhanh. Tại tỉnh Quảng Ngãi đã có 1.248 con gia súc của 487 hộ ở 71 thôn của 45 xã, thuộc 10 huyện mắc bệnh LMLM, trong đó đã có 96 con chết. Ðể phòng, chống và khống chế dịch lây lan, Chi cục Thú y đã hỗ trợ cho các địa phương có dịch hơn 23 nghìn liều vắc-xin LMLM để tiêm bao vây khống chế các ổ dịch, phát hơn 3.000 lít hóa chất để tiêu độc khử trùng môi trường, tổ chức cho các hộ dân ký cam kết không chăn thả gia súc. Sau khi công bố dịch LMLM trên địa bàn, tỉnh Tiền Giang đang khẩn trương khoanh vùng, bao vây, khống chế và dập dịch; tuyên truyền các biện pháp phòng, chống dịch, chế độ chính sách hỗ trợ chủ nuôi khi tiêu hủy động vật bệnh; khuyến cáo nhân dân không mua gia súc và sản phẩm gia súc mắc bệnh; không thả rông, vận chuyển gia súc nhiễm bệnh LMLM ra khỏi vùng dịch; không vứt xác gia súc nghi nhiễm bệnh bừa bãi. Ðến nay, tỉnh đã có 852 con lợn và 28 con bò bị bệnh LMLM, ở 40 xã thuộc sáu huyện, trong đó 50% số gia súc bị bệnh đã được tiêu hủy.

 

 

Theo Thanh Niên Online

Tệp đính kèm