Cập nhật: 23/02/2011 16:07:38 Article Rating
Xem cỡ chữ

 Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng - Thủy văn T.Ư, từ ngày 23 đến 24-2, do ảnh hưởng của hội tụ gió trên cao, các tỉnh Bắc Bộ sẽ xuất hiện mưa rào nhẹ rải rác. Lượng mưa tuy không lớn, dự kiến khoảng 5-15 mm, nhưng cũng cung cấp một lượng ẩm đáng kể cho sản xuất và đời sống, giảm nguy cơ cháy rừng, nhất là đối với các tỉnh vùng núi.

Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, sau lần xả nước thứ hai, các địa phương thuộc khu vực đồng bằng sông Hồng đã lấy nước vào đồng được 98% diện tích gieo cấy lúa đông xuân,

 

hiện mực nước các hồ thủy điện đã giảm nhiều, trong đó hồ Hòa Bình đã xuống mức 88,14 m, cách mực nước chết 8 m; hồ Tuyên  Quang  99,6 m,  trên mực nước chết 9,6 m. Mực nước sông Hồng tại Hà Nội ngày 21-2 đã xuống mức 1,4 m. Dự báo, trong vài ba ngày tới, mực nước hạ lưu sông Hồng tiếp tục xuống và dao động trong khoảng 0,4-0,8 m. Nhờ đủ nước, tỉnh Hà Nam đã gieo cấy được 5.660 ha lúa đông xuân, đạt 18,8% kế hoạch, diện tích lúa gieo thẳng đạt hơn 2.260 ha, đạt 66% kế hoạch. Ðể hoàn thành kế hoạch gieo cấy xong lúa trong tháng 2, ngành nông nghiệp tỉnh tập trung lực lượng hướng dẫn người dân gieo cấy lúa đông xuân đúng thời vụ. Các công ty Thủy nông kiểm tra đồng thường xuyên, điều tiết nước kịp thời, phù hợp cho lúa mới cấy, lúa gieo thẳng.

 

Trong nhiều ngày nay, vùng thượng nguồn sông Ba (Phú Yên) không có mưa nên lượng nước tích trữ trong lòng hồ thủy điện Sông Ba Hạ giảm nhanh, lưu lượng nước đổ xuống lòng hồ này chỉ đạt khoảng 50 m3/giây, thấp hơn nhiều so cùng kỳ năm trước. Mực nước trong lòng hồ thủy điện ở xã Suối Trai, huyện Sơn Hòa ở mức 102,6 m, chỉ cao hơn mực nước chết gần 1,5 m. Do thiếu nước, nên một trong hai tổ máy phát điện phải ngưng hoạt động.

 

Theo Ðài khí tượng - thủy văn khu vực Nam Bộ, những ngày đầu tháng 2, độ mặn cao nhất trên sông Sài Gòn tại trạm Nhà Bè (TP Hồ Chí Minh) dao động ở mức 14,6 g/lít (cao hơn cùng kỳ năm 2010 gần 6 g/lít). Tại các sông Vàm Cỏ Ðông (Long An), Hàm Luông (Bến Tre), Cổ Chiên (Trà Vinh), Ðại Ngãi (Hậu Giang), độ mặn cũng tăng 3,3-13 g/lít so cùng kỳ năm ngoái. Nguyên nhân là do lưu lượng nước thượng nguồn sông Mê Công và đầu nguồn sông Cửu Long về ít, trong khi gió mùa đông bắc thổi mạnh, đẩy mặn sâu vào cửa sông và nội đồng. Trên sông Sài Gòn, độ mặn 4 - 5 g/lít cũng đã xâm nhập qua vùng Cát Lái, Thủ Thiêm.

 

Theo Cục Thú y, hiện nay, dịch bệnh lở mồm, long móng (LMLM) trên đàn gia súc đang diễn biến phức tạp và lan rộng đến 18 tỉnh, thành phố. Tại tỉnh Bắc Cạn, dịch LMLM đã lây lan ra 22 xã, thị trấn ở tất cả các huyện, thị xã trong tỉnh, làm 3.000 con trâu, bò mắc bệnh. UBND tỉnh chỉ đạo các cơ quan chức năng, các cấp chính quyền và toàn dân tập trung các biện pháp để bao vây, dập dịch, không để lây lan. Các huyện chủ động sử dụng nguồn kinh phí dự phòng đáp ứng các yêu cầu phục vụ nhiệm vụ phòng, chống dịch. Ðồng thời tổ chức các đoàn đi kiểm tra, đôn đốc, hướng dẫn các địa phương triển khai thực hiện các biện pháp chống dịch.

 

Tại Quảng Ngãi, dịch LMLM đã được phát hiện thêm tại 51 xã thuộc 11 huyện. Như vậy, đến nay, dịch LMLM đã xảy ra tại 57 xã thuộc 11 huyện của tỉnh, với tổng số gia súc mắc bệnh là 1.821 con. Ngành nông nghiệp tập trung toàn bộ lực lượng thú y, phối hợp với các địa phương tăng cường giám sát phát hiện dịch sớm, sử dụng thuốc kháng sinh, hóa chất sát trùng và 133.450 liều vắc-xin đa type và 49.590 liều vắc-xin type O để triển khai tiêm phòng bao vây các ổ dịch.

 

Tại Tiền Giang, dịch LMLM cũng tiếp tục được phát hiện thêm tại 33 xã thuộc bảy huyện là Chợ Gạo, Mỹ Tho, Cái Bè, Cai Lậy, Châu Thành, Gò Công Tây và Tân Phước. Ðưa tổng số gia súc bị mắc bệnh tại 57 xã thuộc bảy huyện của Tiền Giang là 3.242 con lợn và 40 con bò; trong đó chết và tiêu hủy 1.682 con lợn.

 

Dịch LMLM đã xảy ra trên đàn lợn của Sư đoàn 302 đóng tại ấp Suối Cả, xã Long Giao, huyện Cẩm Mỹ, Ðồng Nai, với số lợn mắc bệnh là 193 con. Ngoài tại hai xã là Bàu Cạn (huyện Long Thành) và Long Giao (huyện Cẩm Mỹ) dịch LMLM làm 388 con lợn mắc bệnh buộc phải tiêu hủy.

 

Ban Chỉ đạo T.Ư phòng cháy, chữa cháy rừng (PCCCR) yêu cầu UBND các cấp và chủ rừng tại 13 địa phương gồm các tỉnh: Ðác Nông, Tây Ninh, Bắc Giang, Bình Phước, Bà Rịa - Vũng Tàu,  Ðồng Nai, Gia Lai,  Hà Nam, Kiên Giang, Kon Tum, Lâm Ðồng,  Ninh Bình, Thanh Hóa, có nguy cơ cháy rừng cao thực hiện ngay các biện pháp phòng cháy, chữa cháy rừng.

 

Hiện tại, Vườn quốc gia Tràm Chim - Tam Nông (Ðồng Tháp) đã thành lập ban chỉ đạo PCCCR với 6 đội phòng, chống cháy rừng và 19 tổ cơ động, có gần 100 cán bộ tham gia ứng trực 24/24 giờ. Với tổng diện tích trên 7.300 ha, Vườn quốc gia Tràm Chim được xem là một trong những khu rừng có nguy cơ xảy ra cháy cao nhất.

 

Xây đường cứu hộ, cứu nạn tại tỉnh Vĩnh Long và Trà Vinh

 

Thủ tướng Chính phủ đã đồng ý về nguyên tắc, UBND tỉnh Vĩnh Long đầu tư các dự án xây dựng đường giao thông phục vụ cứu hộ, cứu nạn trên địa bàn tỉnh trên cơ sở phù hợp với khả năng của ngân sách Nhà nước. Theo đó, UBND tỉnh đầu tư xây dựng đường ÐT 910 và các cầu Ông Nam, Ông Cớ, Phú Lộc thuộc huyện Tam Bình. Thủ tướng giao UBND tỉnh chỉ đạo để hoàn thiện các thủ tục đầu tư các dự án nêu trên.

 

Liên quan đến đầu tư xây dựng đường giao thông, Thủ tướng Chính phủ cũng đồng ý về nguyên tắc, UBND tỉnh Trà Vinh đầu tư xây dựng các tuyến đường giao thông phục vụ di dân khi có lụt, bão trên địa bàn. UBND tỉnh rà soát quy hoạch, sắp xếp thứ tự ưu tiên phù hợp với khả năng của ngân sách Nhà nước, đồng thời hoàn thiện các thủ tục đầu tư theo quy định. Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Kế hoạch và Ðầu tư chủ trì, phối hợp Bộ Tài chính và các Bộ, ngành liên quan thực hiện ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng, đồng thời tiếp tục rà soát, tổng hợp, báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định việc bổ sung các dự án nêu trên vào danh mục các dự án được hỗ trợ.

 

 

Theo Nhandan Online

 

Tệp đính kèm