Cập nhật: 26/02/2011 09:56:21 Article Rating
Xem cỡ chữ

Được phát hành tối 25/2/2011, toàn văn Thông báo số 29/TB-VPCP ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng về việc đưa lao động Việt Nam đang làm việc tại Libya về nước như sau:

Ngày 25 tháng 02 năm 2011, tại Văn phòng Chính phủ, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã chủ trì cuộc họp về tình hình lao động Việt Nam đang làm việc tại Libya. Tham dự cuộc họp có lãnh đạo các Bộ, ngành: Lao động – Thương binh và Xã hội, Ngoại giao, Công an, Quốc phòng, Giao thông vận tải, Tài chính, Văn phòng Chính phủ, Tổng công ty Hàng không và Tổng công ty Hàng hải Việt Nam.

 

Sau khi nghe Bộ trưởng Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội báo cáo và ý kiến của các đại biểu sự họp, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng kết luận như sau:

 

1. Tình hình chính trị tại Libya đang diễn biến rất phức tạp, chưa thấy khả năng ổn định. Số lao động Việt Nam sang làm việc tại Libya là hơn 10.000 người, hiện nay hầu như đã ngừng làm việc. Hoan nghênh các Bộ: Lao động – Thương binh và Xã hội, Ngoại giao, Công an, Giao thông vận tải, Tổng công ty Hàng không Việt Nam đã chủ động nắm tình hình, lập phương án và khẩn trương thực hiện một số giải pháp để di chuyển và đưa người lao động ta về nước.

 

2. Yêu cầu đặt ra là:

 

Bằng các biện pháp bảo đảm an toàn tính mạng và tài sản cho người lao động Việt Nam hiện đang ở tại Libya; đồng thời khẩn trương tổ chức đưa người lao động về nước một cách an toàn, có trật tự, chu đáo bằng các phương tiện có thể.

 

3. Để thực hiện yêu cầu trên, cần khẩn trương triển khai các giải pháp sau:

 

a) Các Bộ: Ngoại giao, Lao động – Thương binh và Xã hội, Công an, Quốc phòng chỉ đạo các cơ quan và cán bộ của mình đang có mặt ở Libya làm việc với chính quyền nước sở tại, với các đối tác sử dụng lao động Việt Nam tại Libya, với các tổ chức quốc tế,… tìm các biện pháp hiệu quả nhất để bảo đảm an toàn tính mạng, tài sản và đưa người lao động của ta về nước sớm nhất. Khẩn trương tăng cường cán bộ sang Libya để hỗ trợ cho Đại sứ quán ta đủ sức giúp đỡ và đưa người lao động về nước. Bộ Ngoại giao cử 01 Thứ trưởng sang Lybia trực tiếp chỉ đạo triển khai thực hiện các nhiệm vụ nêu trên.

 

b) Bộ Ngoại giao chỉ đạo ngay cho Đại sứ nước ta ở các nước lân cận Libya (nước thứ 3) có người lao động Việt Nam di chuyển sang, làm việc với chính quyền nước sở tại, với các đối tác sử dụng lao động và các tổ chức quốc tế để có kế hoạch đón, bố trí ăn ở và làm các thủ tục cần thiết để đưa người lao động về nước

 

Căn cứ vào tình hình thực tế, các Bộ: Ngoại giao, Lao động – Thương binh và Xã hội, Công an tăng cường cán bộ sang các nước này để hỗ trợ cho Đại sứ quán nước ta.

 

c) Bộ Ngoại giao làm việc với các nước có người lao động của ta di chuyển sang, các tổ chức quốc tế liên quan, các nước khác có người lao động của họ đang ở Libya để phối hợp, hỗ trợ ăn ở và đưa người lao động Việt Nam về nước an toàn, có trật tự.

 

Tổng công ty Hàng không Việt Nam tính toán, lập phương án cụ thể đưa người lao động về nước theo đường hàng không, bảo đảm kịp thời, an toàn và hiệu quả

 

d) Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội tổ chức đón người lao động khi họ về nước chu đáo, có trật tự, khẩn trương đưa người lao động về đoàn tụ gia đình. Trước mắt, đồng ý cho sử dụng Quỹ Hỗ trợ việc làm ngoài nước để hỗ trợ người lao động về nước với mức 01 triệu đồng/người. Sau khi người lao động về nước, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội căn cứ các quy định liên quan và tình hình thực tế để giải quyết hỗ trợ cho người lao động.

 

đ) Đồng ý thành lập Ban Chỉ đạo đưa lao động Việt Nam từ Libya về nước do Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Gia Khiêm làm Trưởng ban, Bộ trưởng Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội làm Phó Trưởng ban. Thành viên Ban Chỉ đạo gồm đại diện lãnh đạo các Bộ, ngành: Lao động – Thương binh và Xã hội, Ngoại giao, Công an, Quốc phòng, Tài chính, Giao thông vận tải, Tổng công ty Hàng không Việt Nam và Hiệp hội Xuất nhập khẩu lao động Việt Nam; Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội làm Thường trực Ban Chỉ đạo.

Ban Chỉ đạo có trách nhiệm chỉ đạo thực hiện việc bảo đảm an toàn tính mạng, tài sản cho người lao động đang ở Libya, di chuyển đến nước thứ 3 và đưa người lao động về nước an toàn, có trật tự, trong thời gian sớm nhất.

 

e) Bộ Thông tin và Truyền thông chỉ đạo các cơ quan thông tin đại chúng đưa tin chính xác, kịp thời về vấn đề lao động Việt Nam làm việc tại Libya. Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội là cơ quan chính cung cấp thông tin về tình hình và kết quả việc đưa lao động Việt Nam về nước cũng như các biện pháp hỗ trợ người lao động.

 

g) Bộ Tài chính bố trí kinh phí từ ngân sách bảo đảm cho các hoạt động đưa người lao động làm việc ở Libya về nước./.

 

 

Theo Chinhphu.vn

 

Tệp đính kèm