Bộ Tài chính vừa có văn bản thống nhất với Bộ Y tế về việc chi trả bảo hiểm y tế đối với người bị tai nạn giao thông. Theo đó, tất cả các bệnh nhân có thẻ bảo hiểm y tế, nếu bị tai nạn giao thông sẽ không phải tự đến cơ quan công an để xin giấy xác nhận mình không vi phạm luật giao thông để được thanh toán bảo hiểm y tế.
Trong văn bản này, Bộ Tài chính cũng đề xuất trong vòng sáu tháng mà cơ quan công an chưa xác minh được người bệnh có vi phạm hay không, bảo hiểm xã hội sẽ chi trả phí khám chữa bệnh như những trường hợp không vi phạm luật.
Được biết, sau hai lần bị Bộ Tư pháp “tuýt còi” trong năm 2010 về quy định trong Thông tư liên tịch 09/2009 về việc người tham gia bảo hiểm y tế bị tai nạn giao thông chỉ được bảo hiểm chi trả nếu có giấy xác nhận mình không vi phạm luật giao thông, Liên Bộ Tài chính - Công an - Y tế đã thảo luận và ra một dự thảo thông tư sửa đổi Thông tư liên tịch 09 về nội dung này. Dự kiến thông tư sửa đổi sẽ được ký trong tháng 3 tới.
Bà Tống Thị Song Hương, Vụ trưởng Vụ Bảo hiểm y tế, Bộ Y tế cho biết: Dự thảo thông tư lần này quy định chặt chẽ hơn. Trong quá trình bệnh nhân đang nằm viện nếu cơ quan công an xác định là vi phạm pháp luật giao thông thì người bệnh phải tự chi trả chi phí khám chữa bệnh. Đối với bệnh nhân vào viện rồi, sau 24 giờ, cơ quan bảo hiểm xã hội phải có công văn gửi sang cơ quan công an để công an xác định trường hợp đó có vi phạm pháp luật hay không. Nếu như sau khi bệnh nhân ra viện mà không có văn bản trả lời của cơ quan công an thì coi như là không vi phạm pháp luật và quỹ bảo hiểm y tế vẫn chi trả bình thường. Tuy nhiên, sau khi bệnh nhân ra viện rồi mới có văn bản trả lời của công an thì cơ quan bảo hiểm xã hội phải yêu cầu người bệnh phải trả lại tiền mà quỹ bảo hiểm y tế đã chi trả. Nếu sau 6 tháng không thu được tiền của người bệnh thì trích từ quỹ bảo hiểm y tế để chi trả.
Theo ý kiến của ông Phạm Lương Sơn, Trưởng ban Chính sách, Bảo hiểm xã hội Việt Nam: Luật Bảo hiểm y tế quy định đã vi phạm pháp luật thì không được chi trả viện phí. Do đó, quy định sắp tới phải rất cụ thể về quy trình thực hiện, trách nhiệm của mỗi cơ quan. Ví dụ quy định nhân viên y tế và nhân viên của cơ quan BHXH phải có trách nhiệm lập biên bản ngay tại bệnh viện khi bệnh nhân được đưa vào viện. Cơ quan công an có trách nhiệm xác nhận bệnh nhân bị tai nạn giao thông (TNGT) có vi phạm pháp luật hay không. Hiện nay chỉ có công an cấp huyện trở lên mới có thẩm quyền xác minh vi phạm giao thông trong khi nhiều vụ xảy ra ở những vùng sâu, vùng xa, cơ quan cấp xã, phường lại không có thẩm quyền. Do vậy, BHXH đề nghị cơ quan công an các cấp đều có thẩm quyền xác minh vụ tai nạn giao thông./.
Theo Báo điện tử ĐCSVN