Cụ rùa cũng là một loài bò sát, có thể bị thương và cần được cứu chữa. Nhưng cứu rùa chỉ là cứu được phần ngọn, các giải pháp để cứu hồ ô nhiễm trên địa bàn Hà Nội nói riêng và toàn quốc nói chung mới đáng bàn.
Nếu chúng ta nhìn việc cứu cụ rùa từ vấn đề tâm linh thì chúng ta càng phải có ý thức với môi trường. Bởi chúng ta giữ môi trường sạch là ta gián tiếp giúp cho sức khỏe của cụ phục hồi tốt lên, làm cho nước hồ sạch thì cũng là giữ cho tâm linh ta sạch. Nếu chữa xong cho cụ rồi mà ý thức của dân với môi trường vẫn thế thì phải có kiểm soát, có chế tài để cứu những ý thức xấu. Đây là những chia sẻ của GS.TSKH Đặng Huy Huỳnh, nguyên Viện trưởng viện Sinh thái và Tài nguyên sinh vật, phó Chủ tịch hội Bảo vệ thiên nhiên môi trường Việt Nam với PV.
Tại hội thảo bàn về giải pháp cứu rùa hồ Hoàn Kiếm gần đây, GS là một trong số ít người đưa ra ý kiến về việc nên tách bạch giữa vấn đề tâm linh và thực tế trong việc cứu cụ rùa. Xin GS cho thể lý giải thêm?
GS.TSKH Đặng Huy Huỳnh, nguyên Viện trưởng viện Sinh thái và Tài nguyên sinh vật, phó Chủ tịch hội Bảo vệ thiên nhiên môi trường Việt Nam.
Cụ rùa đứng về mặt tâm linh, lý thuyết không khác gì tâm linh của anh hùng Thánh Gióng hay cây đa Tân Trào. Tôi giữ quan điểm nên tách rời tâm linh và thực tế bởi tuy gắn liền với lịch sử về hồ Hoàn Kiếm nhưng cụ rùa cũng là một loài bò sát, có thể bị thương và cần được cứu chữa. Nếu chỉ vì tâm linh, sợ thế này thế kia mà chúng ta đắn đo không cứu chữa kịp thời thì sẽ làm cụ bệnh thêm nặng.
Còn chuyện chúng ta đã cứu chữa hết sức, cẩn thận mà cụ rùa không tồn tại được nữa thì cũng không sao.
Hồ Hoàn Kiếm vẫn là nơi ghi dấu những lịch sử cao đẹp của Việt Nam. Giống như Thánh Gióng hay Sơn Tinh, Thủy Tinh tuy không còn nữa nhưng vẫn là một hình ảnh cực kỳ đẹp đối với mỗi người dân Việt Nam.
GS từng cho rằng ngoài chuyện cứu cụ rùa là số một, chúng ta phải quan tâm tới các giải pháp tổng thể để giữ gìn môi trường hồ Hoàn Kiếm. Phải chăng GS cho rằng các giải pháp cứu rùa chỉ là cứu được phần ngọn mà thôi?
Đúng như vậy, đằng sau câu chuyện cứu cụ Rùa còn là các giải pháp tổng thể để cứu hồ Hoàn Kiếm đang bị ô nhiễm. Cụ rùa chỉ là một vấn đề thôi, còn vấn đề ô nhiễm các hồ trên địa bàn Hà Nội nói chung và toàn quốc nói chung mới đáng bàn. Hồ có nhiều chức năng như chống xói mòn, điều hòa không khí, khí hậu hoặc bảo đảm bảo toàn đa dạng sinh học trong khi vì công nghiệp hóa, hiện đại hóa mình đã lấp mất đi rất nhiều hồ.
Có thể nếu lấp hồ sẽ xây được nhà chung cư nhiều tiền, dù hồ không tạo tiền bằng nhà chung cư, nhưng hồ có những giá trị cho cộng đồng và các vùng lân cận vô cùng lớn. Thành thử giá trị kinh tế không tính ra được mà đôi khi trong phát triển bền vững chúng ta không chú ý tới.
Chúng ta tin tưởng nếu hết lòng cứu chữa, cụ rùa sẽ qua khỏi, nhưng làm thế nào để giữ được nước hồ Hoàn Kiếm trong sạch, để cụ không lại phát bệnh là lo lắng của nhiều người. Ý kiến GS như thế nào?
Như nhiều người đã nói, cụ rùa bị bệnh do nhiều nguyên nhân. Trước đây, việc quản lý hồ Hoàn Kiếm giao cho quá nhiều sở chịu trách nhiệm qua như sở Giao thông, sở Văn hóa, Du Lịch… mạnh ai nấy làm. Cách quản lý yếu ớt khiến hồ ô nhiễm gây ảnh hưởng đến sức khỏe cụ rùa. Hiện nay tôi được biết thành phố đã giao việc cụ thể cho các sở nên hy vọng sau khi cứu cụ rùa xong, thành phố sẽ có quản lý chặt chẽ hơn.
Đặc biệt, theo tôi được biết trước đó cũng có những dự án làm sạch nước hồ Hoàn Kiếm với phía Đức nhưng cũng không biết tổng kết cái gì được và chưa được. Do đó, chúng ta phải tiếp tuc rút kinh nghiệm, nếu cứ làm xong để đấy thì ô nhiễm lại tiếp tục ô nhiễm, lãng phí rất đáng tiếc.
Hồ Hoàn Kiếm có thể được cứu nhờ “cụ” rùa, nhưng cá hồ Tây vẫn chết, hồ Trúc Bạch, sông Tô Lịch… vẫn rất ô nhiễm nặng nề. Đứng về phía hội Bảo vệ thiên nhiên môi trường VN, GS có chia sẻ gì?
Con người dù là người ở tầng lớp nào cũng muốn sạch, nhưng chúng ta thường sống sạch trong gia đình và cho bản thân còn ý thức công cộng rất kém. Chưa nói tới nhận thức về môi trường kém, vứt rác thải, đổ nước, bày bán đồ ăn uống... tràn lan quanh hồ. Những thức ăn này có chứa cả chất độc trong sinh học sẽ tích lũy các kim loại nặng khiến cá thiếu oxy và chết.
Họ không ý thức được các hồ là nơi hưởng dịch vụ sinh thái tốt, tuy không tạo ra tiền, nhưng là nguồn bổ trợ cho sức khỏe vô giá, có sức khỏe mới tạo ra sản xuất, tạo ra phát triền nguồn lợi cho xã hội.
Tôi cho rằng, ngoài việc tuyên truyền thì thành phố nên giao các hồ cho các quận, phường, tổ chức xây dựng đời sống văn hóa cho các khu dân cư, nếu các vùng nào để hồ ô nhiễm sẽ không được công nhận khu văn hóa nữa. Như sông Tô Lịch, nên giao cho các phường phụ trách từng đoạn sông, nếu đoạn nào không sạch thì sẽ xử lý nghiêm phường đó.
Qua sự việc cụ rùa giúp chúng ta thức tỉnh nhìn lại những hành động đã qua và tự ý thức tốt hơn trong việc bảo vệ môi trường. Ở một khía cạnh nào đó, cứu cụ rùa cũng là cứu chính ý thức mỗi con người. Như tôi đã nói, cứu cụ rùa chỉ là một vấn đề thôi, còn vấn đề ô nhiễm các sông hồ toàn quốc nói chung mới đáng bàn.
Xin cảm ơn GS!
Theo vietnamnet online.