Cập nhật: 08/03/2011 23:18:40 Article Rating
Xem cỡ chữ

"Nhiều đàn ông chưa nhìn nhận đúng về vai trò của phụ nữ Việt Nam. Họ không biết rằng yêu được người phụ nữ hiện đại thì sướng biết chừng nào", TSKH Đoàn Hương chia sẻ với VnExpress nhân ngày 8/3.”

- Ông cha ta từ xưa đã có quan niệm phụ nữ hoàn hảo là người “giỏi việc nước, đảm việc nhà”. Tuy nhiên nhiều người cho rằng trong xã hội hiện đại, quan niệm này đã tạo ra áp lực quá lớn cho phụ nữ, bà nghĩ thế nào về ý kiến này?

- Theo tôi, cho đến nay và có lẽ mai sau quan niệm này vẫn giữ nguyên giá trị của nó. Cũng có thể tôi thuộc tuýp phụ nữ cổ điển nên nghĩ vậy. Tôi đã sống một thời gian khá dài ở nước ngoài để học tập và làm hai luận án phó tiến sĩ, tiến sĩ khoa học (ở Liên Xô cũ), sau đó lại có dịp đi nhiều nước trên thế giới để tham gia giảng dạy và nghiên cứu khoa học. Những nơi đó tôi đều gặp rất nhiều phụ nữ thành đạt vừa giỏi việc chuyên môn vừa đảm đang và ở nước ta cũng rất nhiều chị em như thế. Tôi nhớ bà Marie Curie, người phụ nữ hai lần đoạt giải Nobel, cũng rất mê nấu ăn. Có một lần lên lớp, bà đã đem nhầm cả công thức làm mứt.

 

Tôi cho rằng phụ nữ sẽ mãi mãi là bếp lửa ấm trong gia đình dù người ấy có là anh hùng, vĩ nhân hay nhà thơ.

 

- Hiện tượng ngoại tình, tỷ lệ ly hôn đang gia tăng. Rất nhiều người, đặc biệt là đàn ông đổ lỗi do bình đẳng giới làm cho mối quan hệ gia đình vốn chặt chẽ từ bao đời trở nên lỏng lẻo. Quan điểm của bà về vấn đề này thế nào?

 

- Thực ra đây là vấn đề quan niệm mà thôi. Trước hết phải nhận thấy rằng bình đẳng nam nữ không có nghĩa là người đàn ông trong tương lai sẽ phải mang bầu hay cho con bú. Có bình đẳng đến mấy thì đàn bà vẫn phải làm những thiên chức của mình mà không ai có thể làm thay.

 

Ở đây có hai vấn đề cần bàn đến. Thứ nhất, muốn bình đẳng thì phụ nữ phải tự phấn đấu vươn lên trong mọi lĩnh vực cho bằng nam giới, thậm chí giỏi hơn nam giới. Ở nước ta và trên thế giới đã có nhiều phụ nữ như vậy. Ví dụ nhà thơ Hồ Xuân Hương đã được nhà thơ Trần Mạnh Hảo ca ngợi: "Bao nhiêu thế kỷ qua rồi. Chỉ còn chiếc váy quạt trời thi ca".

 

Vấn đề thứ hai là chính người đàn ông phải thay đổi cách nhìn về phụ nữ. Đàn ông phương Đông vì bị sống trong môi trường Nho giáo hàng nghìn năm nên quan niệm về phụ nữ là “Nữ nhân nan hoá” (phụ nữ khó dạy). Nhưng việc thay đổi cách nghĩ không phải làm được ngay lập tức và dễ dàng.

 

Ở Việt Nam hiện nay những người đàn ông có cách nhìn hiện đại và đúng đắn về phụ nữ chưa nhiều. Vì thế mới đưa đến cách nhận thức sai lầm rằng bình đẳng nam nữ làm lỏng lẻo mối quan hệ gia đình. Thực ra đàn ông nhiều người chưa hiểu được yêu một người phụ nữ hiện đại sướng biết mấy. (Cười)

 

- Trong xã hội hiện đại có nhiều phụ nữ có thể làm thay mọi việc vốn do đàn ông gánh vác. Với họ, có chồng chỉ là để cân bằng âm dương. Theo bà, đây có phải là một yếu tố chứng tỏ phụ nữ đang muốn giành quyền bình đẳng với đàn ông và điều đó lợi hại thế nào?

 

- Thật là sai lầm khi cho rằng việc lấy chồng chỉ để cân bằng âm dương hay để sinh con đẻ cái. Điều đó không thể hiện sự bình đẳng với đàn ông. Kết hôn là dựa trên nền tảng của tình yêu chứ không phải để cân bằng âm dương. Tình yêu theo định nghĩa chung gồm hai phần: tình yêu và giới tính. Tình yêu là hạnh phúc mà chỉ riêng con người có được, như nhà thơ Xuân Quỳnh đã nói: "Khắp nẻo dâng đầy hoa cỏ may. Áo em sơ ý cỏ giăng đầy".

 

Nhà thơ Hainơ đã viết về tình yêu: "Được hôn được yêu không cần liên tưởng. Ôi tháng năm rực rỡ tháng năm. Hoa nở lên từ lòng đất diệu kỳ".

 

- Xưa nay nói đến ngoại tình người ta thường nghĩ nhiều đến đàn ông, nhưng một số phụ nữ ngày nay cho rằng họ “cần cả chồng và người tình”. Quan điểm của bà về vấn đề này thế nào?

 

- Về điều này tôi hơi cổ hủ. Tôi ghét hai chữ ngoại tình. Tôi ghét cả đàn ông và đàn bà ngoại tình. Khi không còn tình yêu thì hãy dũng cảm chia tay, chứ đừng ngoại tình, đó là cách cư xử lén lút và xấu xí.

 

Tôi nghĩ phụ nữ mà ngoại tình thì khổ lắm vì như các cụ đã nói: "Con ơi nhớ lấy lời này. Sông sâu chớ lội đò đầy chớ qua".

 

Dịp 8/3, TSKH Đoàn Hương phải chạy xô đi “an ủi chị em, ca ngợi chị em chúng mình”.

 

- Từng trải qua mấy chục ngày 8/3, bà thấy sự khác nhau giữa ngày 8/3 xưa và nay?

 

- Trong chiến tranh chống Mỹ thì hầu như không có ngày dành cho phụ nữ vì ai cũng chỉ biết dốc tâm cho kháng chiến. Chúng tôi thậm chí biết có nhà máy dệt 8/3, nhưng không bao giờ thấy tổ chức kỷ niệm ngày này. Đất nước còn đang gian khổ chiến đấu, những ngày lễ vui như vậy chỉ khi đi ra nước ngoài tôi mới được hưởng.

 

Thế hệ mẹ tôi chắc không hề biết ngày này là gì. Còn hôm nay các bạn quá hạnh phúc khi tôi thấy đàn ông Việt chen chúc giữa cảnh tắc đường để mua hoa tặng vợ hay người yêu. Phụ nữ hôm nay đang được bao bọc và thương yêu.

 

- Ngày 8/3 bà thường làm gì?

 

- Tôi làm một nghề không bình thường là cứ ngày lễ thì lao động nhiều hơn ngày thường, nhất là ngày 8/3 hay 20/10, tôi thường được mời đi nói chuyện. Gần như cả tuần đó hay tháng đó tôi chạy xô đi “an ủi chị em, ca ngợi chị em chúng mình”.

 

Cũng chính vì nguyên nhân đó mà tôi có rất nhiều ngày 8/3 trong năm. Tôi nhận được rất nhiều hoa và món quà lớn nhất là được mọi người vô cùng yêu thương, đùm bọc. Tôi thích nhất là học trò bé xíu ở cung thiếu nhi Hà Nội ngày này tặng tôi những món quà nhỏ như hòn bi ve, cái kẹo ngon, hay con búp bê và những bức tranh do các bé tự vẽ.

 

Tôi trân trọng và gìn giữ những món quà đó như vật báu. Những lúc rảnh rỗi, tôi đem bộ sưu tập quà đó ra ngắm nghía, lòng rưng rưng cảm động bởi với tôi đó là tình yêu.

 

Theo vnexpress online.

Tệp đính kèm