Cập nhật: 10/03/2011 23:11:17 Article Rating
Xem cỡ chữ

Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Ngân cũng cho biết, trong ngày 9.3, Tập đoàn Khang Thông đã gửi công văn tới Bộ LĐ-TB&XH xin nhận 10.000 lao động Việt Nam vào làm việc tại dự án Happy Land (Bến Lức, Long An) với mức lương từ 3 -6 triệu đồng/tháng. Tập đoàn Khang Thông còn nhận bảo lãnh toàn bộ số tiền lao động vay ngân hàng để sang Libya.

 

Cuộc họp Ban chỉ đạo giải quyết tình hình lao động Việt Nam tại Bắc Phi và Trung Đông trong chiều 9/3, sau khi chiến dịch giải cứu công dân ra khỏi Libya được công bố đã hoàn tất trong sáng cùng ngày, vẫn rất khẩn trương.

 

Theo bà Nguyễn Thị Kim Ngân, Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH, Phó trưởng Ban Chỉ đạo thì thông tin mới nhất từ Đại sứ quán Việt Nam tại Algeria báo về, hiện còn 292 lao động Việt đang kẹt ở biên giới Algeria và Libya suốt 10 ngày nay. Điều đáng lo ngại là tình hình thời tiết tại sa mạc rất khắc nghiệt, nước uống và thực phẩm phải vận chuyển 1.000km trên sa mạc, trong khi khả năng sẽ có chiến sự giao tranh tại đây. Đại sứ quán Việt Nam tại Algeria đã kiến nghị Chính phủ điều máy bay sang đón lao động Việt Nam về nước.

 

Theo đúng tinh thần không để sót người lao động nào tại đất nước bạo loạn, Ban chỉ đạo đã lên phương án chuẩn bị điều chuyên cơ sang Algeria. Trước mắt, Bộ LĐ-TB&XH và Bộ Ngoại giao xúc tiến làm việc với Tổ chức Di dân quốc tế (IOM) nhờ giúp đỡ đưa số lao động trên về nước. Trong trường hợp IOM không thể đẩy nhanh tiến độ giải cứu lao động trong những ngày tới, Việt Nam sẽ điều chuyên cơ sang đón.

 

Những lao động cuối cùng về nước qua cầu hàng không của Vietnam Airlines sáng 9/3.

 

Mặc dù, lao động Việt Nam cuối cùng tại Libya đã và đang trở về nước, song theo Bộ LĐ-TB&XH, lao động Việt Nam vẫn còn nhiều ở một số nước trong khu vực Bắc Phi và Trung Đông. Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Nguyễn Thị Kim Ngân đề nghị, các bộ, ngành tiếp tục nắm thông tin tình hình Bắc Phi và Trung Đông. Trong trường hợp xảy ra tình hình tương tự như Libya, sẽ có phương án xử lý nhanh chóng, kịp thời.

 

Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Ngân cũng cho biết, trong ngày hôm qua 9/3, Tập đoàn Khang Thông đã gửi công văn tới Bộ LĐ-TB&XH xin nhận 10.000 lao động Việt Nam vào làm việc tại dự án Happy Land (Bến Lức, Long An). Dự án này cách TP Hồ Chí Minh khoảng 50km, có vốn đầu tư 2 tỷ USD, dự kiến đưa vào khai thác năm 2014 nên thu hút rất nhiều lao động, nhất là lao động ngành nghề xây dựng. Mức lương cho lao động phổ thông là 3 triệu đồng/tháng; lao động có tay nghề từ 4-6 triệu đồng/tháng.

 

Tập đoàn Khang Thông còn nhận bảo lãnh toàn bộ số tiền lao động vay ngân hàng để sang Libya. Số tiền này sẽ được khấu trừ vào tiền lương. Thời gian tiếp nhận lao động từ 1/5. Ngay trong ngày, Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH đã bay vào TP Hồ Chí Minh, sau đó trực tiếp xuống Long An làm việc với chủ đầu tư dự án để nắm thêm tình hình.

 

Giải quyết quyền lợi và việc làm cho lao động từ Libya trở về là vấn đề được quan tâm nhất sau việc di tản công dân thành công. Việc tìm thị trường mới, tăng cường số lao động đi cũng đang được Bộ LĐ-TB&XH lên kế hoạch để đảm bảo hoàn thành kế hoạch đưa 87.000 lao động đi làm việc ở nước ngoài. Còn đối với việc thanh lý hợp đồng cho lao động từ Libya trở về cần được dựa vào những tính toán cụ thể, nhất là đối với những lao động mới đi làm đã gặp sự cố. Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Nguyễn Thanh Hòa cho biết, Bộ LĐ-TB&XH đã giao cho cho Cục Quản lý việc làm ngoài nước khẩn trương làm việc với các doanh nghiệp XKLĐ xây dựng phương án hỗ trợ lao động. Theo ông Hòa, chậm nhất sang đầu tuần sau sẽ có phương án hỗ trợ cụ thể.

 

Theo thông báo của Bộ LĐ-TB&XH, tính đến chiều 9/3, đã có 8.728 lao động về nước an toàn. 67 lao động từ Ai Cập cũng dự kiến về tới Hà Nội. 1.120 lao động về bằng đường biển, dự kiến sẽ cập cảng Hải Phòng vào ngày 21/3.

 

Theo CAND online

Tệp đính kèm