Cập nhật: 13/03/2011 10:21:33 Article Rating
Xem cỡ chữ

Bình đẳng giới là một đòi hỏi tất yếu vì phụ nữ đang ngày càng chứng tỏ vị thế, khả năng đóng góp của mình đối với xã hội. Tuy nhiên, ở vùng miền núi, dân tộc, bình đẳng giới đang là một thách thức lớn, đòi hỏi phải sớm có những chính sách hỗ trợ phù hợp nhằm gỡ thế bí cho các địa phương trong việc lựa chọn nhân sự nữ đại biểu vào các cơ quan dân cử qua mỗi kỳ bầu cử.

Bình đẳng giới được Liên hợp quốc xác định là 1 trong 8 Mục tiêu Phát triển thiên niên kỷ. Việt Nam đã cụ thể hoá các cam kết quốc tế bằng việc cho ra đời Luật Bình đẳng giới và một số văn bản quy phạm pháp luật khác của Chính phủ quy định về các biện pháp bình đẳng giới. Trong những năm qua, công tác bình đẳng giới đã được cấp ủy và chính quyền các cấp quan tâm chỉ đạo thực hiện, nên nhận thức về bình đẳng giới ngày càng được nâng lên; tư tưởng, định kiến về giới đang dần được xóa bỏ. Ngay trong Quốc hội khoá XII, tỷ lệ nữ đại biểu đạt 25%, cao thứ hai khu vực Châu Á. Đây là bằng chứng về thực hiện bình đẳng giới ở nước ta, cho thấy chị em phụ nữ không hề thua kém nam giới trên tất cả các lĩnh vực, kể cả lĩnh vực hoạt động chính trị.

 

Vùng dân tộc thiểu số nước ta có dân số trên 12 triệu người, chiếm 14% dân số cả nước và ở khu vực này cũng đạt được nhiều tiến bộ về bình đẳng giới. Cụ thể: Tỷ lệ nữ giới là người dân tộc thiểu số tham gia lĩnh vực chính trị tăng từ 4 – 6% (riêng vùng Đông Bắc đạt tỷ lệ 16 – 22%). Tỷ lệ phụ nữ vùng sâu, vùng xa có việc làm được nâng lên đáng kể, điển hình như: Tại huyện Đức Cơ, Gia Lai đạt 47%. Trong lĩnh vực y tế, phụ nữ được hưởng thụ các dịch vụ y tế cũng tăng dần qua từng năm. Tỷ lệ chị em khám thai từ 3 lần trở lên vùng Tây Bắc và Tây Nguyên đạt 60-70%, vùng đồng bằng sông Cửu Long đạt khoảng 95%. Nhiều nơi đã triển khai công tác tuyên truyền bình đẳng giới lồng ghép với một số chương trình phổ biến pháp luật như: Câu lạc bộ phụ nữ - pháp luật, phụ nữ không sinh con thứ 3, phụ nữ không có tệ nạn xã hội.

 

Tuy đã đạt được một số kết qua bước đầu đáng khích lệ, nhưng thực tế, triển khai luật, các chính sách về giới và bình đẳng giới, đặc biệt là các hoạt động bình đẳng giới tại vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn vẫn còn nhiều bất cập do nhiều nguyên nhân: Điều kiện tự nhiên của các vùng này còn nhiều khó khăn; Đội ngũ cán bộ làm công tác bình đẳng giới còn thiếu về số lượng, hạn chế về chuyên môn; Công tác giáo dục tuyên truyền chưa được triển khai sâu rộng; Các hoạt động và hình thức chưa phù hợp với đồng bào dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa. Qua tổng hợp của Uỷ ban Dân tộc cho thấy: Từ thực trạng này mà trong lĩnh vực chính trị, hầu hết nam giới giữ vị trí lãnh đạo; Trong giáo dục và đào tạo: tỷ lệ phụ nữ ở độ tuổi 15 - 40 không biết đọc, biết viết cao, cụ thể ở vùng Trung du miền núi phía Bắc là 24,4%; vùng Tây Nguyên 29,1%; vùng Nam Bộ 19%.

 

Trước thực trạng đó, Chính phủ đã giao cho Uỷ ban Dân tộc chủ trì, phối hợp với Bộ Lao động Thương binh và Xã hội, Bộ Tài chính và các bộ, ngành khác có liên quan tiến hành xây dựng các chính sách đặc thù hỗ trợ hoạt động bình đẳng giới tại vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số và vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn. TS. Hoàng Văn Phấn, Vụ trưởng Vụ Tổng hợp, Uỷ ban Dân tộc cho biết: Uỷ ban Dân tộc đã triển khai khảo sát, thu thập thông tin thực tế từ người dân và cán bộ cơ sở tại 3 tỉnh Lai Châu, Gia Lai, An Giang - đại diện cho 3 khu vực Tây Bắc, Tây Nguyên, Tây Nam Bộ; Tiến hành rà soát các chính sách đặc thù có liên quan đến bình đẳng giới; Xây dựng các chính sách thực hiện bình đẳng giới tại các xã, thôn, bản đặc biệt khó khăn vùng dân tộc và miền núi...

 

TS. Bế Trường Thành - Phó Chủ nhiệm Thường trực Uỷ ban Dân tộc nhấn mạnh: Chính sách hỗ trợ bình đẳng giới được thiết kế sẽ mang tính chiến lược cho vùng dân tộc, miền núi đặc biệt khó khăn. Tuy nhiên, đây không phải là đề án tổng hợp, bao trùm trên mọi lĩnh vực mà chỉ xác định những lĩnh vực then chốt, có tác động nhanh, mạnh, thay đổi sâu sắc hoạt động bình đẳng giới vùng đặc biệt khó khăn. Quan điểm chung khi xây dựng chính sách đặc thù hỗ trợ cho hoạt động bình đẳng giới tại các xã, thôn, bản đặc biệt khó khăn vùng dân tộc và miền núi là: Sẽ tập trung vào khâu truyền thông làm mũi nhọn đột phá, vì thay đổi nhận thức sẽ thay đổi về hành vi. Phạm vi thực hiện đề án gồm 12.626 thôn bản đặc biệt khó khăn, thuộc 1.848 xã, ở 372 huyện của 50 tỉnh, được thực hiện trong 5 năm (2011 -2015), chia làm 2 giai đoạn (2011 – 2012 và 2013 – 2015). Mục tiêu là đến hết năm 2015, 80% cán bộ chủ chốt trong hệ thống chính trị cơ sở được tập huấn về Luật Bình đẳng giới; trên 50% số xã, thôn, bản có các hình thức tuyên truyền đặc thù; 100% các trường Dân tộc Nội trú, bán trú dân nuôi và các trường học trên địa bàn được tuyên truyền giáo dục về bình đẳng giới...

 

Hiện nay, công tác hiệp thương, chuẩn bị nhân sự cho cuộc bầu cử Đại biểu Quốc hội khoá XIII và Hội đồng nhân dân các cấp đang được tiến hành. Một trong những mục tiêu đặt ra là tăng tỷ lệ đại biểu nữ trong Quốc hội và Hội đồng nhân dân lên 35%. Đây là một thách thức lớn vì thực tế nhiều năm qua, tỷ lệ nữ cao nhất trong Quốc hội cũng chỉ chiếm 27%. Tại vùng miền núi, dân tộc, tỷ lệ nữ càng khó đạt hơn do tiêu chuẩn bầu đại biểu Hội đồng nhân dân hiện nay đòi hỏi khá cao về trình độ, năng lực và phải đủ khả năng là người đại diện cho tiếng nói, quyền lợi cũng như quyết định những vấn đề liên quan đến hơn một nửa dân số tại cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất. Trong nhiệm kỳ 2004-2011, tỷ lệ nữ tham gia Hội đồng nhân dân ở cấp tỉnh chỉ đạt 23,88%, cấp huyện đạt 23,01% và cấp xã đạt 19,53%. Nhìn chung, tỷ lệ nữ trong Hội đồng nhân dân ở tất cả các cấp đều thấp, đặc biệt thấp đối với các vị trí lãnh đạo như Chủ tịch hoặc Phó chủ tịch Hội đồng nhân dân. Số đại biểu nữ được bầu vào Quốc hội, Hội đồng nhân dân các cấp hoặc tham gia lãnh đạo, quản lý thấp, không hẳn do bản thân không đủ năng lực, hoặc chưa đủ tư cách mà do có yếu tố thuộc về nhận thức giới, tư tưởng coi thường phụ nữ, v.v... đã tác động, làm ảnh hưởng đến số phiếu bầu cũng như thiếu nguồn cán bộ nữ để giới thiệu ứng cử.

 

Giải quyết được bài toán tăng tỷ lệ đại biểu nữ trong cơ quan dân cử tại vùng miền núi, dân tộc sẽ còn là một vấn đề nan giải, song cũng cho thấy, việc sớm có bộ chính sách về bình đẳng giới là rất cần thiết để có thể phát huy hiệu quả từ những kỳ bầu cử sau. Trước mắt, như vậy sẽ làm giảm thiệt thòi và tạo nhiều hơn cơ hội cho phụ nữ tham gia vào các hoạt động chính trị, kinh tế, văn hoá, xã hội, góp phần xây dựng đất nước./.

 

 

Theo Báo điện tử ĐCSVN

Tệp đính kèm