Cập nhật: 15/03/2011 23:34:43 Article Rating
Xem cỡ chữ

Ngày 14-3, Thủ tướng Chính phủ có Chỉ thị số 365/CT-TTg về thực hiện các biện pháp  phòng, chống dịch bệnh gia súc, gia cầm.

Theo đó, Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành, địa phương tập trung thực hiện một số biện pháp cấp bách, kiên quyết không để dịch lây lan rộng. Trong đó, các địa phương đang có dịch, công tác phòng, chống dịch bệnh gia súc, gia cầm phải được coi là nhiệm vụ trọng tâm đột xuất trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy đảng, chính quyền các cấp và tới tận thôn, ấp, bản. Ðối với các địa phương chưa có dịch phải chủ động và kiên quyết chỉ đạo áp dụng các biện pháp phòng dịch thường xuyên. Khi phát hiện có bệnh dịch phải công bố công khai, đồng thời bao vây ổ dịch, kiểm soát chặt chẽ việc vận chuyển, buôn bán gia súc, gia cầm mắc bệnh ra ngoài vùng ổ dịch, ngăn chặn không để dịch lây lan. Ðồng thời, thường xuyên tuyên truyền, có biện pháp cụ thể để hỗ trợ người chăn nuôi chủ động tiêm phòng định kỳ cho gia súc, gia cầm, đặc biệt là đối với các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm yêu cầu bắt buộc phải tiêm phòng; hướng dẫn người chăn nuôi áp dụng các biện pháp an toàn sinh học trong chăn nuôi coi đây là các biện pháp lâu dài và quan trọng nhất để bảo vệ gia súc, gia cầm, giảm rủi ro, phát triển chăn nuôi bền vững. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thành lập các đoàn kiểm tra, thanh tra, đôn đốc, hướng dẫn công tác phòng, chống dịch tại các địa phương; phối hợp các bộ, ngành  xuất  dự  trữ quốc gia vắc-xin lở mồm, long móng, thuốc sát trùng để hỗ trợ ngay cho các địa phương phòng, chống dịch khẩn cấp và bổ sung đủ cơ số dự trữ quốc gia.

 

Từ ngày 1-3 đến nay, tỉnh Bắc Cạn không có thêm gia súc mắc bệnh lở mồm, long móng. Từ khi xảy ra dịch vào cuối tháng 11-2010, trên địa bàn tỉnh đã có hơn 3.700 con gia súc mắc bệnh, đến nay đã có gần 3.100 con được chữa khỏi. Tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu vừa thông qua kế hoạch tiêm vắc-xin phòng bệnh bắt buộc cho gia súc, gia cầm và kế hoạch vệ sinh tiêu độc khử trùng môi trường phòng, chống dịch bệnh năm 2011 với tổng kinh phí hơn 16 tỷ đồng. Cùng với đó, kế hoạch vệ sinh tiêu độc khử trùng môi trường phòng, chống dịch bệnh gia súc, gia cầm sẽ được tiến hành thành ba đợt. Theo Cục Thú y, hiện cả nước có năm tỉnh có dịch cúm gia cầm; 25 tỉnh có dịch lở mồm, long móng và riêng tỉnh Hà Tĩnh còn dịch tai xanh ở lợn.

 

Ngày 14-3, tỉnh Hà Nam tổ chức họp với sáu huyện, thành phố triển khai các biện pháp cấp bách phòng, chống dịch lở mồm, long móng (LMLM) ở lợn và dịch cúm gia cầm H5N1. Ðến nay, số lợn bị LMLM là 67 con, trong đó đã tiêu hủy 49 con. Tỉnh đã lập các chốt kiểm dịch ngăn chặn việc vận chuyển gia súc, gia cầm và tiêu độc khử trùng khu vực chăn nuôi toàn tỉnh.

 

Tỉnh Phú Yên vừa có công văn chỉ đạo các ngành liên quan và chính quyền các địa phương phải nghiêm túc báo cáo tình hình bệnh dịch LMLM.  UBND tỉnh chỉ đạo lực lượng chức năng phải tiêu hủy ngay lợn mắc bệnh bị chết và lợn con theo mẹ bị mắc bệnh khi chưa cai sữa...

 

Ðến nay, tỉnh Ninh Bình đã gieo cấy xong hơn 40.972 ha lúa đông xuân, đạt 100% kế hoạch đề ra. Tỉnh đang chuyển trọng tâm sang chăm sóc và bảo vệ lúa. Diện tích lúa chăm sóc đợt 1 ở các huyện Nho Quan là 600 ha, huyện Gia Viễn 1.350 ha, Hoa Lư 1.050 ha, Yên Khánh 450 ha, Kim Sơn 500 ha và thị xã Tam Ðiệp 200 ha. Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Quảng Ngãi, khả năng vụ hè thu năm nay sẽ có khoảng 10.000 ha lúa và 1.000 ha hoa màu thiếu nước tưới. Tỉnh yêu cầu các đơn vị chức năng và các địa phương có phương án phòng, chống hạn sát với tình hình thực tế của từng đơn vị, tránh tình trạng thiếu nước tưới cục bộ trên diện rộng vào cuối vụ nhằm hạn chế những thiệt hại do hạn gây ra.

 

Tỉnh Khánh Hòa vừa có quy định về hỗ trợ trực tiếp cho người dân thuộc hộ nghèo ở miền núi, hải đảo, vùng đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2011 - 2015 để đồng bào chủ động sử dụng mua giống cây trồng, giống vật nuôi, thuốc thú y, muối i-ốt. Mức hỗ trợ cụ thể là, người dân thuộc hộ nghèo ở các xã thuộc khu vực III được hỗ trợ 200.000 đồng/người/năm. Với người dân thuộc hộ nghèo ở các xã thuộc khu vực II, mức hỗ trợ là 150.000 đồng/người/năm...

 

Tỉnh Bắc Ninh triển khai kế hoạch xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2010- 2015. Mục tiêu đến năm 2015, toàn tỉnh sẽ có 50% số xã đạt chuẩn nông thôn mới. Trước mắt, năm 2011, thực hiện thí điểm tại 8 xã là Ðông Thọ (Yên Phong), Tân Chi (Tiên Du), Phượng Mao (Quế Võ), An Bình (Thuận Thành), Trung Kênh (Lương Tài), Khắc Niệm (TP Bắc Ninh), Tương Giang (Từ Sơn) và Bình Dương (Gia Bình). Trong tháng 3-2011, các huyện, thành phố của tỉnh Lạng Sơn sẽ thành lập và kiện toàn Ban chỉ đạo xây dựng nông thôn mới của huyện và thành phố. Tỉnh phấn đấu trong năm 2011 hoàn thành xây dựng quy hoạch nông thôn mới được 70% số xã (tương đương 149-150 xã/207 xã). Phấn đấu đến năm 2015, toàn tỉnh có 20% số xã (43 xã) đạt chuẩn nông thôn mới, đến năm 2020 có 70% số xã đạt tiêu chuẩn nông thôn mới.

 

Ðồn Biên phòng 304 Sa Huỳnh (Quảng Ngãi) cho biết, ngày 14-3, tàu cá QNg-98138 của ngư dân huyện Ðức Phổ đã được đưa ra khỏi bãi đá ngầm. Trước đó, tàu cá này đã bị đâm vào bãi đá ngầm khi đang đánh cá. Hiện nay, các ngư dân đang tạm thời neo đậu tại đây chờ qua đợt gió mạnh trên Biển Ðông, sau đó khắc phục tàu và sẽ lai dắt tàu về đất liền.

 

Theo Cục Kiểm lâm, do nhiều ngày không mưa, thời tiết khô hanh kéo dài nên nhiều khu rừng tại 16 tỉnh đang có nguy cơ cháy cấp 5, cấp cực kỳ nguy hiểm và 10 địa phương có nguy cơ cháy rừng cấp nguy hiểm. Ðặc biệt có ba địa phương đang có nguy cơ cháy cấp cực kỳ nguy hiểm trên toàn bộ diện tích rừng là Tây Ninh, Ðác Nông và Long An. Ban Chỉ đạo Trung ương PCCCR yêu cầu UBND các cấp và chủ rừng thuộc các địa phương trên thực hiện ngay các biện pháp phòng cháy, chữa cháy rừng.

 

 

 

Theo Nhandan Online

Tệp đính kèm