Cập nhật: 16/04/2011 10:15:55 Article Rating
Xem cỡ chữ

Từ đầu năm tới nay, dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm diễn biến rất phức tạp, thêm vào đó là những bất cập trong công tác phòng, chống dịch khiến Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn lo ngại, nếu không nhanh chóng khống chế thì dịch bệnh sẽ đe dọa tới tốc độ tăng trưởng của cả ngành.

Dịch bệnh diễn biến phức tạp

 

Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT), từ đầu năm đến nay, dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm diễn biến rất nghiêm trọng.

 

Cụ thể, dịch bệnh tai xanh đang xảy ra tại 4 xã thuộc huyện Yên Thành (tỉnh Nghệ An) với 900 lợn mắc bệnh (đã tiêu hủy toàn bộ) và 2 xã thuộc huyện Hải Lăng (tỉnh Quảng Trị) với 63 lợn mắc bệnh. Dịch vẫn đang có chiều hướng lây lan với tốc độ nhanh.

 

Dịch lở mồm long móng hiện cũng chưa được khống chế, vẫn còn xảy ra ở 23 tỉnh, thành trong cả nước gồm: Sơn La, Lạng Sơn, Bắc Kạn, Cao Bằng, Điện Biên, Thái Nguyên, Hà Giang, Kon Tum, Tuyên Quang, Quảng Ngãi, Yên Bái, Phú Thọ, Lào Cai, Phú Yên, Nghệ An, Quảng Nam, Đăk Lăk, Khánh Hòa, Lai Châu, Vĩnh Long, Bắc Giang, Nam Định và Lâm Đồng.

 

Trong khi đó, từ đầu năm, dịch cúm gia cầm đã xảy ra trên địa bàn 21 xã thuộc 18 huyện của 15 tỉnh, thành phố là: Bình Định, Hà Nam, KonTum, Lạng Sơn, Nam Định, Nghệ An, Quảng Ngãi, Quảng Ninh, Quảng Trị, Thái Nguyên, Hải Phòng, Vĩnh Phúc, Tiền Giang, Đắc Lắc và Bắc Kạn. Tổng số gia cầm mắc bệnh là 29.238 con. Số gia cầm chết và buộc phải tiêu hủy là 57.479 con. Hiện vẫn còn 8 tỉnh có dịch chưa qua 21 ngày.

 

Đáng lưu ý, vắc xin tiêm phòng cúm sử dụng trong Dự án đến nay vẫn chưa được nhập khẩu. Nguyên nhân là do vi rút cúm gia cầm hiện đang lưu hành ở nước ta có một số biến đổi, vắc xin chủng mới (H5N1-Re-5) do Trung Quốc sản xuất vẫn chưa có kết luận về hiệu lực. Cục Thú y đang tích cực để quyết định loại vắc xin cần nhập.

 

Tại Hội nghị trực tuyến triển khai công tác phòng, chống dịch LMLM vừa được tổ chức ngày 6/4, Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Cao Đức Phát bày tỏ trăn trở: dịch bệnh gia súc, gia cầm năm nay diễn biến phức tạp, nếu không có biện pháp chấn chỉnh kịp thời thì nguy cơ đe dọa ngành chăn nuôi, ảnh hưởng tới tốc độ tăng trưởng của cả ngành nông nghiệp. Bởi theo bộ trưởng, tăng trưởng của ngành nông nghiệp trông chờ lớn vào chăn nuôi, vì hiện nay trồng trọt đã hết tiềm năng tăng trưởng do diện tích đất cho nông nghiệp ngày càng thu hẹp.

 

Cần tăng cường công tác phòng, chống dịch

 

Mặc dù những năm qua Cục Thú y đã ban hành các văn bản chỉ đạo phòng, chống dịch rất đầy đủ, thậm chí còn quyết liệt nhưng có một thực tế là dịch vẫn bùng phát, lây lan mạnh. Và như vậy nếu cứ đợi khi dịch đến mới vội vã đi dập như hiện nay thì hậu quả để lại rất nặng nề.

 

Nguyên nhân chính được xác định vẫn là chính quyền và người dân tại một số địa phương vẫn còn có tâm lý chủ quan, lơ là trong công tác phòng chống dịch, đặc biệt là công tác giám sát phát hiện, báo cáo dịch bệnh và công tác tiêm phòng.

 

Việc vận chuyển, kiểm soát giết mổ dù đã được cơ quan chức năng xác định là con đường lây lan, mở rộng dịch bệnh ở các địa phương hiện nay nhưng công tác kiểm soát, quản lý ổ dịch vẫn còn nhiều hạn chế như: chưa lập chốt kiểm dịch vận chuyển gia súc, sử dụng gia súc đã được điều trị khỏi các triệu chứng lâm sàng để làm con giống,…

 

Trước tình hình dịch bệnh đang diễn biến rất phức tạp và những bất cập trong công tác phòng chống dịch bệnh, ngày 14/4, Bộ trưởng Bộ NN-PTNT tiếp tục có công điện khẩn đề nghị các địa phương tăng cường công tác phòng, chống dịch bệnh gia súc, gia cầm.

 

Theo đó, để khống chế dịch cúm gia cầm, Bộ trưởng đề nghị: trong khi chờ quyết định nhập khẩu vắc xin, các địa phương cần tăng cường công tác tuyên truyền áp dụng an toàn sinh học trong chăn nuôi, trong đó chú trọng vệ sinh, tiêu độc khử trùng chuồng trại, dụng cụ chăn nuôi; tăng cường giám sát phát hiện sớm, khi có dịch xảy ra  phải lấy mẫu gửi xét nghiệm; tiêu hủy ngay đàn gia cầm bị bệnh, vệ sinh tiêu độc khử trùng xung quanh khu vực có dịch; lập chốt kiểm dịch ngăn chặn gia cầm vận chuyển ra ngoài ổ dịch; tuyên truyền cho mọi người dân về tính chất nguy hiểm của bệnh, không tiếp xúc, ăn thịt gia cầm bị bệnh, không rõ nguồn gốc, sớm khai báo khi có gia cầm nghi bị dịch.

 

Đối với dịch tai xanh, các địa phương cần tăng cường công tác kiểm tra phát hiện dịch, tổ chức vệ sinh tiêu độc khử trùng, tạm thời dừng vận chuyển lợn, sản phẩm của lợn ra ngoài huyện có dịch, sử dụng vắc xin tai xanh phòng bệnh.

 

Về tiêu hủy lợn bệnh, Bộ trưởng cho biết, có thể xử lý bắt buộc đối với lợn bệnh bằng cách: lợn chết phải chôn, lợn bệnh có thể xử lý nhiệt bằng cách đun sôi chín, sản phẩm đã xử lý nhiệt có thể làm thức ăn cho gia súc, thủy sản ở địa phương có dịch, những sản phẩm không qua xử lý nhiệt phải chôn; sau khi xử lý nhiệt xong phải vệ sinh tiêu độc khử trùng nơi giết mổ với sự giám sát chặt chẽ của cơ quan thú y.

 

Đối với bệnh LMLM, Bộ trưởng Cao Đức Phát nhấn mạnh: cần tập trung lực lượng để nhanh chóng dập tắt các ổ dịch ngay trong tháng 4/2011./.

 

 

Theo Báo điện tử ĐCSVN

Tệp đính kèm