Cập nhật: 17/04/2011 10:26:41 Article Rating
Xem cỡ chữ

Cứ sau mỗi vụ cháy, vụ nổ, cơ quan chức năng lại vào cuộc tiến hành điều tra, rút kinh nghiệm. Thế nhưng, cuối cùng vẫn chỉ có một nguyên nhân cơ bản là “chủ quan”.

Thời gian gần đây, liên tiếp xảy ra những vụ cháy nổ gây nhiều thiệt hại về người và tài sản. Cứ sau mỗi vụ cháy, vụ nổ, cơ quan chức năng lại vào cuộc tiến hành điều tra, rút kinh nghiệm. Thế nhưng, cuối cùng vẫn chỉ có một nguyên nhân cơ bản là “chủ quan”.

 

Trên địa bàn cả nước, không tuần nào là không xảy ra tai nạn cháy nổ. Gần đây nhất là vụ nổ thùng hoá chất vào trưa ngày 12/4, tại khu vực sang chiết hóa chất thuộc công ty TNHH Thiết bị điện tử Daewoo (đóng tại KCN Tân Định, huyện Bến Cát, tỉnh Bình Dương) làm 1 công nhân tử vong.

 

Nguyên nhân được xác định là trong quá trình sang triết hóa chất từ thùng lớn sang các bình nhỏ để pha mực in, công nhân đã mồi thuốc để hút. Tàn lửa bay vào khiến thùng hóa chất phát nổ.

 

Trước đó, ngày 10/4, tại cửa hàng xăng dầu Thái Nhã, thôn Lạc Nghiệp 1, xã Cà Ná, huyện Thuận Nam, tỉnh Ninh Thuận cũng xảy ra cháy nổ khiến 3 người bị thương nặng. Vụ nổ cũng làm cháy đầu máy của một chiếc xe bồn đậu sát trụ xăng. May mà dầu trong bồn đã hết, nếu không hậu quả sẽ khôn lường.

 

Đó chỉ là 2 vụ việc điển hình những ngày qua. Tính trong năm 2010, cả nước xảy ra 2.260 vụ cháy, nổ, tăng 15% so với năm 2009, làm 84 người chết, 246 người bị thương, thiệt hại về tài sản ước tính 618 tỷ đồng...

 

Có nhiều nguyên nhân xảy ra cháy nổ, nhưng theo thống kê, phần lớn là do sự chủ quan, tắc trách trong thực thi các qui định về an toàn phòng chống cháy nổ của người lao động và chủ sử dụng lao động. Vì tiết kiệm chi phí tối đa và thu lợi nhuận cao, nhiều chủ sử dụng lao động không chấp hành đầy đủ các quy định pháp luật lao động về an toàn vệ sinh lao động, không mua sắm các trang thiết bị bảo hộ cho người lao động; không có bộ máy giám sát người lao động tuân thủ các quy định về phòng chống cháy nổ...

 

Còn bản thân người lao động, nhiều khi cũng chủ quan, không ý thức được trách nhiệm của bản thân mình trong phòng chống cháy nổ mà coi đó là trách nhiệm của “cấp trên”. Ở hầu hết cơ sở sản xuất, kinh doanh có nguy cơ cháy nổ cao đều có những bảng ghi rõ nội qui, qui định trong thao tác công việc, nhưng nhiều người chỉ đọc và không thấm nhuần thành ý thức mà vụ tai nạn tại công ty Trách nhiệm hữu hạn Thiết bị điện tử Daewoo (đóng tại KCN Tân Định, huyện Bến Cát, tỉnh Bình Dương) như vừa nêu là ví dụ điển hình.

 

Sự chủ quan cũng nảy sinh tại những cơ sở, đơn vị được trang bị thiết bị phòng chống cháy nổ hiện đại. Người ta cứ nhầm tưởng rằng máy móc có thể thay thế được con người. Nhưng cũng chính từ suy nghĩ sai lầm, chủ quan này mà nhiều vụ cháy nổ đã xảy ra; nhiều người, nhiều đơn vị đã phải trả giá trước sự thảm khốc của “giặc lửa”.

 

Tai nạn cháy là một thảm họa đối với con người. Vì vậy, chúng ta phải thường xuyên nâng cao ý thức, nhắc nhở nhau thực hiện đúng các quy định về an toàn phòng chống cháy nổ, nhất là chú ý việc sử dụng nguồn điện, nguồn nhiệt trong nấu nướng, đốt nhang đèn. Chỉ cần một phút chủ quan, trong phút chốc có thể thiêu rụi cả cơ đồ sự nghiệp và thậm chí là tính mạng của chính những người để xảy ra sơ sẩy dẫn tới cháy nổ./.

 

 

 

Theo vovnews.vn

Tệp đính kèm