Cập nhật: 19/04/2011 16:05:48 Article Rating
Xem cỡ chữ

Khuyến khích tư nhân tham gia cùng Nhà nước nhằm kiềm chế TNGT, tách riêng đường cho ô tô và xe máy, hạn chế đăng ký xe và xe lưu thông, chú trọng xây dựng hạ tầng, sử dụng công nghệ giao thông thông minh, tận thu cho ngân sách đảm bảo ATGT…

Đó là một số giải pháp tối ưu nhằm đảm bảo an toàn giao thông đường bộ (ATGT) của các nước phát triển như Nhật Bản, Trung Quốc, Thái Lan, Malaysia…

 

Thực trạng ATGT Việt Nam

Năm 2010, số người tử vong do tai nạn giao thông (TNGT) ở Việt Nam là gần 11.500 người, giảm 47 người so với năm 2009. Tuy nhiên, trong quý I/2011, TNGT ở Việt Nam có xu hướng tăng lên, đặc biệt là TNGT nghiêm trọng.

 

Kết quả phân tích của Ủy ban An toàn Giao thông Quốc gia và Cục Cảnh sát Giao thông đường sắt - đường bộ vừa công bố cho thấy có 3 yếu tố dẫn tới TNGT ở nước ta là con người, phương tiện và hạ tầng. Tuy nhiên, nguyên nhân TNGT đường bộ do ý thức của người tham gia giao thông lên tới 87%.

 

Tình trạng TNGT của Việt Nam nằm trong tình trạng chung của các nước đang phát triển. Cùng với sự bùng nổ của các phương tiện cơ giới đường bộ và tốc độ đô thị hóa cao, kết cấu hạ tầng giao thông bất cập, TNGT ở Việt Nam liên tục gia tăng trong nhiều năm và chỉ bắt đầu từ năm 2003 số vụ TNGT mới có xu hướng giảm, tuy nhiên tính bền vững chưa cao.

Dự thảo về Chiến lược an toàn giao thông đường bộ đến năm 2020 tầm nhìn 2030 đang được Việt Nam xúc tiến thực hiện để đối phó với tình hình TNGT.

 

Kinh nghiệm quý từ những nước phát triển

 

Thái Lan là nước cũng đang phải đối mặt với số tử vong vì TNGT lên tới 13.000 người/năm.

 

Thái Lan có chính sách khuyến khích khu vực tư nhân tham gia cùng với Nhà nước thực hiện các giải pháp giảm thiểu số vụ TNGT đường bộ với quan điểm phòng ngừa tai nạn dễ hơn chống.

 

Cùng với việc thành lập Trung tâm Quốc gia về An toàn đường bộ, Chính phủ Thái Lan đã phát động 1 chiến dịch nhận thức cộng đồng dựa trên 5 chữ E: Giáo dục (Education), công khai các thông tin và sự tham gia của cộng đồng, thực thi Luật pháp (Law Enforcement), ứng dụng công nghệ giao thông (Traffic Enginneering), hệ thống dịch vụ cấp cứu (Emergency Service System). Nguồn vốn cho chiến dịch này được huy động thông qua 2% thuế thu được từ rượu, thuốc lá và đấu giá biển số xe.

 

Thành lập hệ thống theo dõi và giám sát sử dụng hệ thống định vị toàn cầu GPS, theo dõi và báo cáo về các xe tải vượt quá tốc độ hoặc gây tai nạn và các kết quả sẽ được thông báo về Trung tâm ATGT và chủ công ty xe.

Tại Trung Quốc, hệ thống giao thông đường bộ đạt tới sự đồng bộ, hiện đại và an toàn bởi nước này đầu tư kinh phí rất lớn để quy hoạch và phát triển kết cấu hạ tầng giao thông. Giới chức ngành giao thông nhận định đây là nhân tố quan trọng góp phẩn bảo đảm ATGT và giảm TNGT 1 cách bền vững.

 

Trung Quốc áp dụng các biện pháp hạn chế phương tiện cá nhân. Trong đó, tại Thủ đô Bắc Kinh việc chống ùn tắc rất tích cực khi mỗi tuần phương tiện cá nhân không được lưu thông 1 ngày. Ngoài ra, Bắc Kinh còn hạn chế đăng ký phương tiện bằng cách quy xổ số, mỗi năm chỉ được đăng ký 20.000 phương tiện.

 

Hạn chế đi lại trong giờ cao điểm, miễn phí đi lại bằng phương tiện công cộng giờ thấp điểm (người nghỉ hưu). Trên nhiều tuyến đường trọng điểm có hệ thống chỉ huy giao thông thông minh báo lưu lượng xe và nguy cơ ùn tắc.

 

Các loại hình giao thông công cộng được chú trọng phát triển như xe buýt, taxi, tàu điện ngầm, xe điện bánh hơi. Vấn đề trợ giá cho xe buýt được chính quyền các thành phố thực hiện chủ yếu thông qua việc đảm bảo cơ sở hạ tầng và an toàn vệ sinh môi trường.

 

Công tác quản lý lái xe sau khi có giấy phép lái xe được theo dõi chặt chẽ thông qua việc ghi lỗi và trừ điểm, nếu vi phạm chủ xe phải tự giác nộp phạt, nếu nộp phạt chậm sẽ bị tính lãi suất, trường hợp chây ỳ sẽ bị từ chối đổi giấy phép lái xe.

 

Việc xử lý vi phạm ATGT trên các tuyến đường được giám sát bằng camera cố định, Internet và hệ thống định vị vệ tinh GMS. Các hành vi vi phạm giao thông đều bị phạt tiền rất cao, tuy nhiên Luật giao thông nước này quy định cảnh sát không trực tiếp thu tiền phạt để hạn chế tiêu cực.

 

Ở Nhật Bản, Luật về các giải pháp khẩn cấp xây dựng các công trình đảm bảo ATGT được ban hành từ năm 1966 để giải quyết các các vấn đề ATGT liên quan đến các tuyến đường bộ và quốc lộ trải mặt hiện có.

 

Cải tạo toàn diện hạ tầng và thiết bị ATGT như: đường bộ hành/vỉa hè, đường chung cho người đi bộ và xe đạp, biển báo, sơn chỉ dẫn, các công trình chiếu sang đường và đèn hiệu giao thông… Kết quả so sánh tỷ lệ TNGT tại nước này sau cải tại đã giảm được 2/3 so với trước khi cải tạo.

 

Hệ thống công nghệ giao thông thông minh rất hữu ích tại Nhật Bản, mức giảm tới hơn 70% TNGT trên quốc lệ Meihan (tỉnh Nara).

 

Ông Takagi Michimasa - Tư vấn Trưởng Dự án ATGT của Cơ quan Hợp tác Quốc tế Nhật Bản (JICA) cho biết: “Để giảm được 5 người tử vong vì TNGT/100.000 người, chúng tôi đã phải mất 20 năm để thực hiện các giải pháp đồng bộ, trong đó phải có ngân sách quốc gia dự trữ thường xuyên để đầu tư cho hạ tầng giao thông, phải xây dựng văn hóa giao thông tốt và ý thức thực hiện của người tham gia giao thông tốt…”.

Giới chức ngành giao thông cho rằng các giải pháp nói trên sẽ là những kinh nghiệm quý báu góp phần xây dựng Chiến lược về đảm bảo ATGT đường bộ Quốc gia Việt Nam từ nay đến năm 2020 tầm nhìn 2030.

 

 

 

Theo Báo điện tử Dân trí

Tệp đính kèm