Cập nhật: 20/04/2011 15:16:27 Article Rating
Xem cỡ chữ

Nhằm đề ra các văn bản, chính sách phát triển ngành không bị lạc hậu so với thực tiễn và kịp thời giải quyết những mâu thuẫn phát sinh giữa chính sách ban hành và thực tế phát triển, trong hai ngày 19-20/4/2011, tại Hà Nội, Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch tổ chức Hội thảo xây dựng chính sách cấp bách trong lĩnh vực này.

 

Hội thảo quy tụ nhiều chuyên gia và các nhà quản lý trong lĩnh vực văn hoá, thể thao, du lịch và gia đình trong cả nước. Tại Hội thảo, các đại biểu tập trung trao đổi, tranh luận và đề xuất những giải pháp cho 5 nhóm vấn đề: Chính sách về văn hóa, nghệ thuật, văn hóa cơ sở và gia đình; Chính sách đối với văn nghệ sĩ, đào tạo nhân lực; Chính sách thể thao; Chính sách du lịch và xã hội hóa. Rất nhiều vấn đề bất cập của ngành cũng được đưa ra thảo luận như chính sách tuổi nghề đối với nghệ sĩ hoạt động nghệ thuật; chế độ đãi ngộ về nhà ở đối với các NSND, NSƯT; vấn đề đào tạo nhân lực ngành điện ảnh; việc xúc tiến quảng bá du lịch tại các thị trường trọng điểm…

 

Theo báo cáo của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, những năm qua, hoạt động văn hóa, thể thao, du lịch và gia đình luôn có sự gắn kết hữu cơ, đồng hành và cùng phát triển. Từ khi ra đời, không ít các văn bản, chính sách đã được ban hành và tạo được những xung lực mới, khơi dậy mọi tiềm năng, nguồn lực cho phát triển ngành văn hóa, thể thao, du lịch và gia đình; hiện thực hóa những chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước. Tuy nhiên, vẫn còn tồn tại không ít những hạn chế trong công tác xây dựng văn bản cũng như việc triển khai thực hiện. Để hạn chế điều này, trong những năm tới ngành văn hóa, thể thao, du lịch và gia đình cần xây dựng mới hoặc bổ sung, sửa đổi các chính sách hiện hành nhằm tạo bước chuyển biến rõ rệt cho các hoạt động thuộc lĩnh vực văn hóa, thể thao, du lịch và gia đình thực hiện tốt mục tiêu của Đại hội Đảng XI, chiến lược phát triển kinh tế- xã hội giai đoạn 2011 – 2015. Trong năm 2011, Bộ cần xây dựng và trình Chính phủ ban hành 5 Nghị định về văn hóa. 2 Nghị định về du lịch, 1 Nghị định về thể thao, 1 Nghị định về gia đình. Bộ trưởng sẽ ban hành Thông tư, hướng dẫn đồng bộ thực hiện các nghị định nêu trên…

 

Để hoàn thiện chính sách trong lĩnh vực văn hóa, thể thao, du lịch và gia đình, việc xây dựng các chính sách phải thường xuyên liên tục, song trên thực tế, nhiều vấn đề đã vướng mắc nhiều năm hoặc do yêu cầu của tình hình mới đang đặt ra yêu cầu cần giải quyết. Để xác định các chính sách này, Bộ đã tiến hành điều tra, khảo sát nhằm tìm ra một số chính sách cấp bách nhất cần xây dựng trong thời gian tới. Kết quả điều tra xác định được 20/45 chính sách cần ưu tiên hơn cả ở các lĩnh vực: Chính sách đầu tư cho thiết chế văn hóa xã, làng; Chính sách về tăng cường quản lý nhà nước trong hoạt động lễ hội ở Việt Nam; Chính sách tuổi nghề đối với hoạt động biểu diễn; Đào tạo nguồn nhân lực; Đào tạo và sử dụng tài năng; Chính sách đãi ngộ đặc thù dành cho vận động viên thể thao đạt thành tích đặc biệt xuất sắc cấp quốc gia, quốc tế; Chính sách đầu tư cơ sở vật chất về thể dục thể thao trong nhà trường; Chính sách đầu tư các khu du lịch trọng điểm có sức cạnh tranh cao trong khu vực và quốc tế; Chính sách đầu tư phát triển sản phẩm du lịch đặc trưng cho quốc gia và các vùng miền có sức cạnh tranh trong khu vực và quốc tế; Chính sách bảo vệ môi trường tại các khu, tuyến, điểm, cơ sở lưu trú du lịch; Chính sách đưa kiến thức văn hóa gia đình vào trường học; Chính sách về phát huy vai trò của tổ chức xã hội và cộng đồng trong việc xây dựng đời sống văn hóa, chống bạo lực gia đình…

 

Hội thảo là cơ hội để Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch có được những căn cứ khoa học và thực tiễn để xây dựng chính sách và lộ trình cụ thể để phát triển nhanh- mạnh- bền vững lĩnh vực văn hóa, thể thao, du lịch và gia đình.

 

 

Theo Báo điện tử ĐCSVN

Tệp đính kèm