Chương trình mục tiêu giảm nghèo đã và đang thu hút các cấp các ngành, các địa phương và các tầng lớp nhân dân tham gia. Nhiều chương trình, dự án phát triển kinh tế - xã hội được thực hiện lồng ghép gắn với giảm nghèo bền vững, từng bước đi vào chiều sâu, tạo điều kiện cho hộ nghèo, xã nghèo vươn lên thoát nghèo, góp phần tích cực vào sự phát triển kinh tế - xã hội chung trong cả nước và trên địa bàn các tỉnh.
*Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức như Hội Phụ nữ, Đoàn thanh niên, Hội Nông dân, Hội Cựu chiến binh các cấp của tỉnh Lạng Sơn đã có vai trò quan trọng trong việc vận động đóng góp, ủng hộ các quỹ Vì người nghèo, hỗ trợ nông dân, góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo từ trên 29% năm 2005, đến nay xuống còn dưới 15%. Tiêu biểu như Hội Phụ nữ đã thành lập được gần 1.500 tổ tiết kiệm vay vốn từ nhiều nguồn khác nhau với số tiền 697.318 triệu đồng. Hội Nông dân, đã thành lập được trên 1.000 tổ tiết kiệm vay vốn, với số vốn cho vay 170.000 triệu đồng, đồng thời triển khai sâu rộng phong trào nông dân đoàn kết tương trợ giúp nhau trong sản xuất và đời sống, số hộ nông dân khá, giàu ngày càng tăng. Đoàn Thanh niên có 307 tổ tiết kiệm, với gần 100 triệu đồng…
Từ việc bảo lãnh, tín chấp cho hội viên, đoàn viên vay vốn làm ăn đã có nhiều hộ vươn lên thoát nghèo, xây dựng được nhiều mô hình kinh tế trang trại có thu nhập từ 40-150 triệu đồng/năm, tạo việc làm mới cho hàng ngàn lao động. Bên cạnh đó, các ban, ngành, đoàn thể, tổ chức hội cũng đã làm tốt công tác cứu trợ đột xuất, cứu đói giáp hạt, chủ động giải quyết nhanh, kịp thời giúp các hộ nghèo trên địa bàn tỉnh sớm ổn định cuộc sống và phát triển sản xuất.
Theo thống kê của Ban chỉ đạo giảm nghèo của tỉnh Lạng Sơn, trong 5 năm qua (từ 2006 – đến hết tháng 3/2011) ngoài 23 tỷ đồng trích từ nguồn ngân sách của tỉnh để hỗ trợ chương trình xóa đói giảm nghèo, nguồn lực xã hội hóa đã quyên góp được trên 11 tỷ đồng ủng hộ quỹ "Vì người nghèo", quỹ Hội nông dân trên 7 tỷ đồng.
Trong giai đoạn 2011-2015, tỉnh Ninh Thuận đã đề ra mục tiêu phấn đấu mỗi năm giảm từ 1,5% tỷ lệ hộ nghèo và 2 năm đầu bình quân mỗi năm giảm 2% hộ nghèo, không còn hộ nghèo là đối tượng chính sách, người có công. Theo chuẩn nghèo mới, toàn tỉnh hiện có 21.139 hộ nghèo (chiếm 15,33% tổng số hộ dân), 14.463 hộ cận nghèo (chiếm 10,5%).
Đồng chí Đỗ Thị Xuân, Phó Giám đốc Sở LĐ-TB&XH cho biết: “Biện pháp giảm nghèo bền vững trong giai đoạn tiếp theo hết sức khó khăn, rất cần sự chung tay của cả cộng đồng xã hội. Về phía ngành, sẽ tích cực lồng ghép công tác giảm nghèo với các chương trình phát triển kinh tế, xã hội ở địa phương như: Chính sách hỗ trợ người nghèo, trong đó đặc biệt quan tâm về sản xuất và nhà ở cho hộ nghèo là đối tượng chính sách, người dân tộc thiểu số và hộ nghèo đặc biệt khó khăn; đẩy mạnh tuyên truyền mục tiêu, nhiệm vụ, chủ trương, chính sách giảm nghèo đến mọi cấp, ngành, tầng lớp nhân dân, đồng thời, khơi dậy ý chí chủ động vươn lên của người nghèo, triển khai thực hiện hợp lý các nguồn vốn đầu tư từ các chương trình, dự án giảm nghèo, gắn trách nhiệm các cơ quan liên quan trong triển khai thực hiện các dự án giảm nghèo một cách liên thông thống nhất.
Xoá đói giảm nghèo là nhiệm vụ của toàn hệ thống chính trị, để đạt được mục tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh đề ra, tỉnh Ninh Thuận đang tập trung nguồn lực đầu tư và các hoạt động ưu tiên cho các xã đặc biệt khó khăn, xã nghèo, huyện nghèo, hộ nghèo. Ưu tiên cung cấp tín dụng ưu đãi kịp thời cho tất cả các hộ nghèo có nhu cầu và đủ điều kiện vay vốn sản xuất kinh doanh với lãi suất thấp, không phải thế chấp để phát triển sản xuất, tăng thu nhập.
Đồng thời, tỉnh còn trợ giúp người nghèo trong việc chăm sóc sức khoẻ ban đầu, miễn giảm phí khám chữa bệnh bằng các hình thức như mua thẻ BHYT, cấp giấy chứng nhận khám chữa bệnh miễn phí, khám chữa bệnh nhân đạo, từ thiện,…Bảo đảm cho con em tất cả các hộ nghèo, hộ đồng bào dân tộc thiểu số có các điều kiện cần thiết trong học tập. Giảm sự chênh lệch về môi trường học tập và sinh hoạt trong nhà trường giữa thành thị và nông thôn, giữa đồng bằng và miền núi. Tiếp tục đẩy mạnh phong trào “Ngày vì người nghèo“, thu hút sự ủng hộ của các thành phần kinh tế, các tổ chức chính trị-xã hội, các tầng lớp dân cư, để tạo thêm nguồn lực thực hiện xong mục tiêu xóa nhà ở tạm bợ cho hộ nghèo. Triển khai các dự án khuyến nông-lâm-ngư-công, hỗ trợ sản xuất, phát triển ngành nghề, phù hợp với các đối tượng và định hướng phát triển kinh tế-xã hội của địa phương nơi người nghèo cư trú; làm cho người nghèo dễ tiếp thu và áp dụng.
* Tại Ninh Bình, đồng chí Nguyễn Phong Phú, Giám đốc Sở LĐ-TB&XH cho biết, những năm qua dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của Tỉnh ủy, HĐND, UBND, sự tham gia tích cực của các ban, ngành, đoàn thể và các tầng lớp nhân dân trong tỉnh, công tác giảm nghèo, đảm bảo an sinh xã hội được triển khai mạnh mẽ trên địa bàn tỉnh. Nghị quyết 10 của Tỉnh ủy và đề án số 15 của UBND tỉnh về công tác giảm nghèo đến năm 2010 đã thực sự đi vào cuộc sống và đem lại hiệu quả thiết thực. Đã huy động được sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị và nhiều nguồn lực cho công tác giảm nghèo; các xã có tỷ lệ hộ nghèo cao được ưu tiên hỗ trợ đầu tư kết cấu hạ tầng; người nghèo được hỗ trợ giống cây trồng, vật nuôi, vay vốn ưu đãi, ưu tiên đào tạo nghề, giải quyết việc làm, xuất khẩu lao động, hỗ trợ cải tạo sửa chữa và xây mới nhà ở. Tỷ lệ hộ nghèo của tỉnh (tiêu chí năm 2005) giảm nhanh từ 18,02% năm 2006, xuống còn dưới 6,15% năm 2010, vượt 3,85% so với chỉ tiêu Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX đề ra. Hộ nghèo của 23 xã có tỷ lệ hộ nghèo cao giảm từ 21,5% năm 2007 xuống còn dưới 10% năm 2010. Ninh Bình là tỉnh đầu tiên trong cả nước hoàn thành xây dựng mới, sửa chữa hơn 3.000 nhà ở dột nát cho hộ nghèo, hộ chính sách theo Quyết định 167 của Thủ tướng Chính phủ và là một trong những tỉnh giảm tỷ lệ hộ nghèo tốt trong toàn quốc.
Một trong những thành công của công tác giảm nghèo ở tỉnh thời gian qua là cùng với nguồn kinh phí hỗ trợ ban đầu của Nhà nước, tỉnh và các địa phương đã huy động được các nguồn lực phục vụ giảm nghèo theo tinh thần xã hội hoá. Các cấp ủy Đảng, chính quyền, các ngành, MTTQ, các đoàn thể, tổ chức xã hội, các doanh nghiệp, gia đình, dòng họ và toàn xã hội tích cực tham gia phong trào vì người nghèo. Trong 2 năm (2009-2010), toàn tỉnh đã huy động được 36.483 triệu đồng và gần 50 nghìn ngày công từ xã hội hóa, từ các doanh nghiệp, những nhà hảo tâm, từ cộng đồng dân cư, dòng họ, gia đình giúp người nghèo xây, sửa nhà ở, nhiều hơn nguồn kinh phí hỗ trợ từ ngân sách. Đã chú trọng các biện pháp tuyên truyền nâng cao dân trí, tinh thần quyết tâm vượt khó, hướng dẫn kinh nghiệm sản xuất kinh doanh hiệu quả, biểu dương nhân rộng các điển hình tiên tiến trong xoá đói giảm nghèo.
Việc xã hội hoá, huy động nguồn lực phục vụ công tác giảm nghèo đã có sự chỉ đạo chặt chẽ, thống nhất từ tỉnh đến cơ sở, đồng thời đã quản lý, sử dụng các loại quỹ, vốn đầu tư giảm nghèo đúng mục đích, đối tượng, đảm bảo công khai, minh bạch, hiệu quả. Việc huy động được sức mạnh của toàn xã hội tham gia giảm nghèo đã tạo được môi trường, điều kiện thuận lợi cho người nghèo tự lực vươn lên cải thiện cuộc sống, từng bước thu hẹp khoảng cách giàu - nghèo giữa các vùng và trong cộng đồng, bảo đảm an sinh xã hội và giảm nghèo bền vững.
Theo Báo điện tử ĐCSVN