Cải thiện tình trạng dinh dưỡng góp phần nâng cao tầm vóc của người Việt Nam là một trong 7 mục tiêu đặt ra tại dự thảo Chiến lược quốc gia về dinh dưỡng giai đoạn 2011-2020 và tầm nhìn đến năm 2030 do Bộ Y tế chủ trì soạn thảo.
Cụ thể, phấn đấu giảm tỷ lệ trẻ có cân nặng sơ sinh thấp dưới 2,5 kg xuống dưới 10% vào năm 2015 và dưới 8% vào năm 2020; khống chế tỷ lệ béo phì ở trẻ em dưới 5 tuổi ở mức dưới 5% ở nông thôn và dưới 10% ở thành phố lớn đến năm 2020...
Mục tiêu thứ 2 dự thảo đưa ra là giảm tỷ lệ thiếu Vitamin A tiền lâm sàng, thiếu máu do thiếu sắt ở trẻ em dưới 5 tuổi và phụ nữ có thai; thanh toán các rối loạn do thiếu i-ốt.
Cùng với đó là nâng cao về kiến thức và thực hành dinh dưỡng hợp lý cho người dân. Cụ thể, tỷ lệ trẻ bú sữa mẹ hoàn toàn trong 6 tháng đầu đạt 27% vào năm 2015 và tăng lên 35% vào năm 2020; tỷ lệ bà mẹ có kiến thức và thực hành dinh dưỡng đúng cho trẻ ốm đạt 75% vào năm 2015 và 85% vào năm 2020...; cải thiện về số lượng và chất lượng bữa ăn của người dân;
Kiểm soát tình trạng béo phì ở người trưởng thành ở mức dưới 8% vào năm 2015 và duy trì ở mức dưới 12% vào năm 2020. Đồng thời, khống chế tỷ lệ người trưởng thành có cholesterol trong máu cao (> 5,2 mmol/L) dưới 28% vào năm 2015 và duy trì ở mức dưới 30% vào năm 2020;
Cải thiện tình trạng vệ sinh an toàn thực phẩm, trong đó giảm 20% số người mắc ngộ độc thực phẩm vào năm 2015 và 30 - 35% vào năm 2020 so với năm 2010;
Đảm bảo 75% cán bộ chuyên trách dinh dưỡng tuyến tỉnh và 50% tuyến huyện được đào tạo chuyên ngành dinh dưỡng cộng đồng từ 1 đến 3 tháng. Đến năm 2020, tỷ lệ này là 100% ở tuyến tỉnh và 75% ở tuyến huyện. Bên cạnh đó, 90% bệnh viện tuyến trung ương, 70% tuyến tỉnh và 20% tuyến huyện có triển khai hoạt động tư vấn và thực hiện thực đơn về chế độ dinh dưỡng hợp lý cho một số nhóm bệnh và đối tượng bao gồm người cao tuổi, HIV/AIDS và lao vào năm 2015. Đến năm 2020, tỷ lệ này là 100% ở tuyến trung ương, 95% ở tuyến tỉnh và 50% ở tuyến huyện...
Theo GD&TĐ Online