Cập nhật: 31/05/2011 16:40:07 Article Rating
Xem cỡ chữ

Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng - Thủy văn T.Ư, do ảnh hưởng của rãnh áp thấp nối với vùng áp thấp này, kết hợp với hoạt động của gió mùa tây nam nên khu vực giữa và nam Biển Ðông, vùng biển từ Bình Ðịnh đến Cà Mau, Cà Mau đến Kiên Giang và Vịnh Thái-lan có mưa rào và dông mạnh, trong cơn dông cần đề phòng có lốc xoáy và gió giật mạnh.

Vùng biển giữa và nam Biển Ðông (bao gồm cả vùng biển quần đảo Trường Sa) có gió mạnh cấp 7, cấp 8. Biển động mạnh. Theo dự báo, năm 2011, tỉnh Bình Ðịnh có khả năng chịu ảnh hưởng trực tiếp của một đến hai cơn bão và các đợt mưa lũ sẽ diễn ra chủ yếu từ tháng 10 đến tháng 11; đỉnh lũ cao hơn năm 2010. Tỉnh vừa chỉ đạo nâng cấp 30 hồ chứa nước thủy lợi đang bị xuống cấp, đẩy mạnh tu bổ, sửa chữa đê điều. Toàn tỉnh có 145,9 km đê điều và kè bờ sông và mới chỉ có 40% chiều dài đê, kè đã được gia cố sửa chữa; rà soát quy hoạch tiêu úng thoát lũ; các địa phương, chủ dự án phải nhanh chóng hoàn thành các dự án di dời 300 hộ dân ra khỏi vùng nguy hiểm...

 

Tỉnh Phú Yên đang tập trung triển khai công tác PCLB năm 2011. UBND tỉnh chỉ đạo các sở, ban, ngành liên quan phối hợp chặt chẽ các nhà máy thủy điện sông Ba Hạ, sông Hinh, Krông H' Năng lên kế hoạch điều tiết, bảo đảm nước cho hạ du trong mùa khô và xả lũ hợp lý trong mùa mưa; xác định khu vực nguy hiểm khi xảy ra mưa, bão để chủ động sơ tán dân khi cần thiết...

 

Hiện nay, mới bước vào mùa mưa nhưng tại các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long tình trạng sạt lở bờ sông đã diễn biến rất phức tạp, gây hậu quả nghiêm trọng. Hàng nghìn hộ dân sống trong khu vực cảnh báo nguy hiểm, chưa được di dời vào nơi an toàn. Theo Tổng cục Môi trường, nguyên nhân sạt lở bờ sông ở khu vực đồng bằng sông Cửu Long là do nền đất yếu, luồng lạch không ổn định, chế độ dòng chảy phức tạp; cấu tạo nền địa chất mềm của dòng dẫn tạo nên biến động dòng chảy gây sạt lở bất ngờ. Nước lũ và triều cường gây nhiều phản áp, có sức bào mòn, xoáy lở mạnh. Nạn khai thác cát bừa bãi, ồ ạt, trái phép với khối lượng lớn cũng là nguyên nhân gây nên tình trạng sạt lở ngày càng diễn biến theo hướng nghiêm trọng...

 

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn dự kiến dành hơn 667 tỷ đồng thực hiện Chương trình quốc gia khống chế bệnh lở mồm, long móng (LMLM) ở gia súc giai đoạn 2011-2015. Phạm vi tiêm phòng, đối với vùng khống chế bệnh, gồm tám tỉnh biên giới phía bắc là Quảng Ninh, Lạng Sơn, Cao Bằng, Hà Giang, Lào Cai, Lai Châu, Ðiện Biên, Sơn La; sáu tỉnh biên giới Tây Nam là Kiên Giang, An Giang, Ðồng Tháp, Long An, Tây Ninh, Bình Phước; năm tỉnh Tây Nguyên và 32 huyện của các tỉnh, Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên - Huế và Quảng Nam có biên giới với Lào, các huyện thường xuyên xảy ra dịch. Việc tiêm phòng cũng được thực hiện với vùng đệm gồm 19 tỉnh nằm sát vùng khống chế, có nguy cơ phát dịch cao và ba huyện thuộc tỉnh Ninh Bình (Nho Quan, Tam Ðiệp, Yên Mô). Kinh phí mua vắc-xin để tiêm cho đàn trâu, bò giống của Nhà nước, đàn trâu, bò của các hộ gia đình, cá nhân trong vùng khống chế thuộc diện phải tiêm phòng bắt buộc, được ngân sách T.Ư bảo đảm 100%. Ðàn trâu, bò giống của Nhà nước, của các hộ gia đình, cá nhân trong vùng đệm thuộc diện phải tiêm phòng, kinh phí mua vắc-xin do ngân sách T.Ư hỗ trợ 50% và ngân sách địa phương hỗ trợ 50%.

 

* Chiều 30-5, Ban Chỉ huy PCLB tỉnh Bình Thuận cho biết, trưa 29-5, nước lũ đổ về đột ngột đã cuốn trôi, làm chết một phụ nữ ở thôn 1, xã Sơn Mỹ, huyện Hàm Tân (Bình Thuận ). Theo UBND xã Sơn Mỹ, đến 22 giờ 30 phút cùng ngày, gia đình và người dân địa phương đã tìm thấy thi thể nạn nhân cách nơi bị nạn gần hai km về phía hạ lưu. Chính quyền địa phương đã trợ cấp gia đình người bị nạn 500 nghìn đồng và 50 kg gạo.

 

 

Theo Nhandan Online

Tệp đính kèm