Cập nhật: 01/06/2011 16:14:40 Article Rating
Xem cỡ chữ

Để trẻ em tự nói lên tiếng nói của mình, cùng với các kỹ năng cơ bản thì chính người lớn cần tôn trọng ý kiến của trẻ em. Sự thay đổi nhận thức đó sẽ dẫn đến việc tiếp thu, xử lý các ý kiến trẻ em có hiệu quả và bài bản.

Cùng với sự phát triển của xã hội, trẻ em cũng đang phải đối mặt với rất nhiều áp lực cuộc sống và những tệ nạn xã hội mà rất cần chính trẻ em lên tiếng và đưa ra chính kiến của mình. Những lo lắng trong việc học hành, thi cử vì chương trình quá nặng, sách giáo khoa không phù hợp, học sinh phải học lý thuyết nhiều, ít thực hành; vấn đề bạo lực học đường gia tăng làm đau đầu các nhà giáo dục, các nhà quản lý và các  bậc cha mẹ… Vẫn còn đó những tại nạn đáng tiếc xảy ra đến với trẻ em ở vùng sông nước như chết đuối, chơi đùa ở những nơi nguy hiểm nằm ngoài tầm kiểm soát của người lớn.

 

Nguyên nhân chủ yếu là thiếu sân chơi an toàn và lành mạnh cho trẻ em. Người ta sẵn sàng bỏ bạc tỷ để đầu tư các dự án sân golf, sân tennis cho người lớn mà “quên” việc xây dựng những khu công viên nho nhỏ, những rạp chiếu phim dành cho trẻ em. Không có chỗ chơi, số đông trẻ em ít được giáo dục và thiếu sự quan tâm chỉ bảo của bố mẹ, đã tìm thấy niềm vui ở thế giới ảo, ở những trò chơi điện tử hiện đại, hấp dẫn và kích thích trí tò mò thường có ở trẻ em, nó giống như một thứ thuốc phiện tinh thần, khiến các em say sưa và thích thú đến quên cả cuộc sống hiện tại. Hội chứng tự kỷ ở trẻ em đang ngày càng phổ biến và ngày một tăng…

 

Việc để trẻ em đưa ra ý kiến, giải pháp của mình về những vấn đề mà trẻ em đang phải đối mặt là vô cùng cần thiết. Ví dụ như việc lấy ý kiến của học sinh trước khi biên soạn chương trình là việc làm quan trọng, cơ chế tham gia của trẻ em sẽ được cân nhắc, bởi các em chính là những đối tượng sử dụng và cũng là đối tượng thực hiện chương trình giáo dục đó. Vì đây là vấn đề chuyên môn nên việc tiếp thu ý kiến của các em cũng sẽ ảnh hưởng đến lựa chọn nội dung, cách trình bày, cũng có thể liên quan đến cách truyền đạt kiến thức trên lớp giảng.

 

Tham gia vào diễn đàn để thảo luận, bày tỏ quan điểm, ý kiến và giải pháp giải quyết vấn đề nạn bạo lực học đường, trẻ em là người biết chính xác những gì lứa tuổi mình suy nghĩ, nắm rõ nội bộ một cách tích cực. Từ đó, khơi gợi trách nhiệm của trẻ em về vấn đề này.

 

Đã đến lúc chúng ta cần đặt vấn đề lắng nghe một cách nghiêm túc. Nhưng muốn lắng nghe và thấu hiểu cần sự thay đổi nhận thức của người lớn về trẻ em.

 

Đối với một xã hội với truyền thống gia đình của người Á Đông, vấn đề này không phải lúc nào cũng rõ ràng. Trong mối quan hệ giữa trẻ em và người lớn ở gia đình và ngoài xã hội, vẫn còn phổ biến quan niệm cho rằng, trẻ em cũng đều là "trẻ con". Mà đã là trẻ con thì người lớn phải quan tâm chăm sóc bảo vệ. Việc trẻ em tham gia vào công việc chung kể cả những việc có liên quan đến chính các em còn xa lạ với nhiều người. Vì vậy dẫn đến việc người lớn coi thường, xem nhẹ, bỏ qua ý kiến của trẻ em, áp đặt, bắt buộc trẻ em tuân theo suy nghĩ và cách giải quyết của mình. Trẻ em thụ động trước những quyết định của người lớn. Cách đối xử với trẻ em như vậy làm trẻ thiếu tự tin, không dám bộc lộ ý kiến, hạn chế sự phát triển về mặt tâm ký, xã hội của các em.

 

Trẻ em có quyền được tham gia xuất phát từ quan niệm cho rằng, trẻ em cũng là con người, cũng là thành viên trong các gia đình và trong xã hội. Mỗi em là một cá thể phát triển có nhận thức riêng về những điều mà các em tiếp nhận từ thế giới xung quanh. Quá trình thu nhận thông tin của mỗi em nếu được chia sẻ, bộc lộ sẽ giúp cho trẻ phát triển. Quyền được tham gia chính là yêu cầu của sự phát triển. Thực hiện quyền được tham gia giúp cho trẻ em hiểu biết hơn, nâng cao hơn nhận thức, tích luỹ được kinh nghiệm, giúp người lớn đưa ra những quyết định đúng đắn nhất để giải quyết những vấn đề xảy ra trong cuộc sống có liên quan tới trẻ em.

 

Quyền được tham gia của trẻ em cũng là nguyên tắc cơ bản trong Công ước về quyền trẻ em. Thực hiện quyền được tham gia của trẻ em giúp cho mối quan hệ giữa người lớn và trẻ em trong gia đình và xã hội được bình đẳng, dân chủ, lành mạnh. Sự tiến bộ và văn minh của một xã hội được biểu hiện chính từ việc thực hiện quyền được tham gia của trẻ em, tạo điều kiện để trẻ em có vai trò chủ động, có tiếng nói và được lắng nghe. Các cấp chính quyền địa phương, cơ quan dân cử chủ động lắng nghe tiếng nói trẻ em để có những điều chỉnh những quyết sách liên quan đến trẻ em.

 

Trẻ em hôm nay thế giới ngày mai. Một quốc gia mạnh hay yếu, phồn vinh hoặc suy tàn, phần lớn phụ thuộc vào cách mà thế hệ trẻ ngày nay suy nghĩ và hành động.

 

 

Theo Báo điện tử ĐBND

Tệp đính kèm