Trọng tâm của công tác cải cách hành chính thời gian tới là hoàn thiện hệ thống thể chế, xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, hướng tới hệ thống cơ quan hành chính trong sạch, hiệu lực, hiệu quả, tạo môi trường kinh doanh thuận lợi, minh bạch, phát huy quyền làm chủ của nhân dân.
Đó là nội dung chính trong báo cáo về dự thảo Nghị quyết ban hành Chương trình cải cách hành chính Nhà nước giai đoạn 2011-2020 được Bộ Nội vụ trình lên Chính phủ xem xét, thảo luận trong phiên họp thường kỳ tháng 5.
Nhiều kết quả tích cực
Theo đánh giá của Bộ Nội vụ, qua 10 năm triển khai thực hiện, Chương trình tổng thể cải cách hành chính Nhà nước giai đoạn 2001-2010 đã thu được nhiều kết quả tích cực. Nhận thức của các cấp, các ngành về cải cách hành chính (CCHC) được nâng lên.
Về mặt thể chế, đã tập trung chỉ đạo xây dựng và hoàn thiện hệ thống thể chế, trọng tâm là thể chế kinh tế thị trường định hướng XHCN và thể chế về tổ chức hoạt động của hệ thống hành chính. Thể chế về mối quan hệ giữa Nhà nước và nhân dân tiếp tục được hoàn thiện theo hướng mở rộng dân chủ, trong đó đã chú trọng việc lấy ý kiến của nhân dân trước khi quyết định các chủ trương, chính sách quan trọng, tăng cường cơ chế giám sát của nhân dân đối với hoạt động của cơ quan Nhà nước.
Đặc biệt, về cải cách thủ tục hành chính, Chính phủ đã có những chỉ đạo sâu sát, quyết liệt nhằm tạo chuyển biến thật sự. Trong giai đoạn I Đề án 30, cả nước đã thống kê trên 5.700 TTHC, trên 9.000 văn bản quy định và trên 100.000 biểu mẫu thống kê. Trong giai đoạn II, các Bộ, ngành, địa phương đã hoàn thành việc rà soát theo tiến độ và đạt chỉ tiêu đơn giản hóa tối thiểu 30% TTHC.
Đến nay, đã có 5.421 TTHC được rà soát, trong đó 480 thủ tục được kiến nghị bãi bỏ, 4.164 thủ tục được kiến nghị sửa đổi, bổ sung theo hướng tạo thuận lợi hơn cho người dân và DN, 192 thủ tục được kiến nghị thay thế. Có 96,7% cấp xã, 98,5% cấp huyện và 88,3% các sở, ban, ngành cấp tỉnh triển khai cơ chế một cửa liên thông.
Kết quả rõ nét nhất trong thực hiện cải cách tổ chức bộ máy hành chính Nhà nước trong những năm qua là chức năng, nhiệm vụ của Chính phủ, các bộ, ngành và chính quyền địa phương đã được điều chỉnh cho phù hợp với yêu cầu trong gia đoạn mới. Sau 10 năm cải cách, số lượng các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ từ 48 đã giảm xuống còn 30, các cơ quan chuyên môn cấp tỉnh từ 19-27 đầu mối xuống còn 17-20 đầu mối và cơ quan cấp huyện từ 12-15 đầu mối xuống còn 12-13 đầu mối.
Bên cạnh đó, báo cáo cũng chỉ ra một số tồn tại trong CCHC 10 năm qua như hệ thống thể chế còn thiếu đồng bộ, thống nhất, chưa xây dựng được cơ cấu cán bộ, công chức trong cơ quan hành chính và chưa thực hiện tốt việc đào tạo trước khi bổ nhiệm, cơ chế quy định trách nhiệm của người đứng đầu chưa rõ ràng và chưa đánh giá được chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức sau đào tạo
Trọng tâm giai đoạn tới : Cải cách thể chế và chất lượng cán bộ, công chức
Ý kiến các thành viên Chính phủ tại phiên họp đều thống nhất định hướng công cuộc CCHC giai đoạn tới cần phải tập trung vào các lĩnh vực trọng tâm là cải cách thể chế, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, vừa đẩy mạnh, triệt để hơn cải cách TTHC, tài chính công, hiện đại hóa hành chính.
Trong cải cách thể chế, cần đề ra các mục tiêu cụ thể về đổi mới, nâng cao chất lượng công tác xây dựng pháp luật, hoàn thiện hệ thống thể chế và tổ chức hoạt động của cơ quan hành chính Nhà nước..
Đến năm 2020, xây dựng và nâng cao đội ngũ cán bộ, công chức với số lượng, cơ cấu cụ thể, hợp lý, đủ trình độ và năng lực thi hành công vụ, xác định rõ về chức năng, nhiệm vụ của từng cơ quan, đơn vị.
Công tác cải cách TTHC tập trung vào đơn giản hóa các thủ tục về đầu tư, đất đai, xây dựng, giấy phép xây dựng nhà ở, thuế, hải quan. Đồng thời, kiểm soát chặt việc ban hành mới các thủ tục hành chính.
Các Bộ, ngành TƯ và địa phương khẩn trương triển khai giai đoạn 3 của Đề án 30 theo hướng tự sửa đổi, bổ sung, bãi bỏ hoặc trình cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định.
Công tác cải cách tài chính công cũng cần theo hướng đổi mới cơ chế phân bổ ngân sách cho cơ quan hành chính, đổi mới cơ chế đối với các đơn vị sự nghiệp dịch vụ công, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động của cơ quan hành chính để đến năm 2020 có 90% văn bản, tài liệu được trao đổi dưới dạng điện tử.
Các giải pháp tổ chức thực hiện gồm tăng cường công tác chỉ đạo triển khai CCHC từ Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đến các bộ, ngành và UBND các cấp, thường xuyên kiểm tra, đánh giá việc triển khai, xây dựng bộ chỉ số theo dõi, đánh giá CCHC ở các cơ quan thực hiện.
Theo Chinhphu.vn