Cập nhật: 05/06/2011 19:57:28 Article Rating
Xem cỡ chữ

Tầm nhìn của Nguyễn Ái Quốc là vươn tới một xã hội tốt đẹp ở trên chính mảnh đất đau thương, cùng khổ

Ngày 5/6/1911 ghi dấu một sự kiện lịch sử trọng đại đối với sự nghiệp cách mạng của dân tộc Việt Nam - ngày chàng thanh niên Nguyễn Tất Thành từ Cảng Sài Gòn ra đi tìm đường cứu nước. Cuộc hành trình 30 năm, qua 3 đại dương, 4 châu lục và gần 30 quốc gia đã đưa Nguyễn Ái Quốc đến với chủ nghĩa Mác Lênin. Từ đó, Người đã tìm ra con đường cứu nước để đem lại độc lập, tự do cho Tổ quốc, cho dân tộc Việt Nam.

 

Phóng viên VOV phỏng vấn PGS, TS Nguyễn Trọng Phúc, nguyên Viện trưởng Viện Lịch sử Đảng, Học viện Chính trị - Hành chính quốc gia Hồ Chí Minh nhân dịp kỷ niệm 100 năm Bác Hồ ra đi tìm đường cứu nước.

 

** Thưa ông, ông nhận định thế nào về quyết định ra đi tìm đường cứu nước của Chủ tịch Hồ Chí Minh cách đây 100 năm?

 

PGS, TS Nguyễn Trọng Phúc: Ngày 5/6/1911, người thanh niên yêu nước Nguyễn Tất Thành đã quyết định đi về phương Tây để xem và chứng kiến thực chất của các nước tư bản phương Tây như thế nào, đồng thời để khảo sát thực tiễn ở các nước đã bị chủ nghĩa đế quốc, chủ nghĩa thực dân thống trị, xem người ta làm như thế nào để giúp đồng bào mình.

 

Cuộc ra đi ấy có điểm nổi bật là trong 10 năm đầu, từ 1911-1920, Người đi tìm một con đường đấu tranh chân chính, đúng đắn để giải phóng dân tộc, cứu nước, cứu dân chứ không phải đi cầu viện nước ngoài. Hành trang cũng là động lực để Người ra đi chính là chủ nghĩa yêu nước. Và Nguyễn Tất Thành, Nguyễn Ái Quốc đã tìm thấy con đường đấu tranh chân chính và cô đọng lại trong câu nói nổi tiếng của Người năm 1920 khi kết thúc đại hội Tua để thành lập Đảng Cộng sản Pháp: “Tự do, hạnh phúc cho đồng bào tôi, độc lập cho Tổ quốc tôi - đấy là tất cả những gì tôi muốn, đấy là tất cả những gì tôi hiểu”.

 

Sau này, trong suốt cuộc đời mình, Bác phấn đấu cho 3 chữ đó: Độc lập - Tự do - Hạnh phúc. Đến năm 1945, khi Người lãnh đạo cuộc cách mạng tháng Tám thành công, Người có câu nói nổi tiếng “Nếu nước độc lập mà dân không hưởng hạnh phúc tự do thì độc lập đó cũng không có nghĩa lý gì”. Cho nên tính triệt để cách mạng chân chính của sự nghiệp giải phóng dân tộc ấy chính là phải đi tới giải phóng xã hội, giải phóng giai cấp, giải phóng con người. Đích cuối cùng là giải phóng con người như lời Đại tướng Võ Nguyên Giáp: “Hồ Chí Minh bắt đầu từ con người và cuối cùng cũng vì con người”.

 

** Cuộc hành trình 30 năm đi tìm đường cứu nước của Hồ Chủ tịch đã mở ra những cơ hội gì cho tương lai của Việt Nam?

 

PGS, TS Nguyễn Trọng Phúc: Có thể hình dung 30 năm ấy theo ba chặng. Chặng thứ nhất là đi tìm con đường. Đến năm 1920, về cơ bản con đường cứu nước đã được Nguyễn Ái Quốc xác định khi Người đọc được đề cương của Lênin về vấn đề dân tộc và thuộc địa, rồi tán thành quốc tế cộng sản. Chặng thứ hai, từ 1921-1930, là chặng Nguyễn Ái Quốc chuẩn bị những điều kiện về tư tưởng lý luận chính trị và về tổ chức cán bộ để thành lập Đảng cách mạng chân chính ở Việt Nam mà sau này gọi là Đảng Cộng sản Việt Nam. Chặng thứ ba, Người tiếp tục hoạt động ở nước ngoài, chính 10 năm ấy là khảo nghiệm rõ hơn và hoàn tất đường lối giải phóng dân tộc.

 

Đến năm 1941, Người trở về Tổ quốc cùng Trung ương Đảng lãnh đạo sự nghiệp giải phóng dân tộc và đã hoàn thiện đường lối cách mạng giải phóng dân tộc tại Hội nghị Trung ương lần thứ 8. Đó là mốc lịch sử đã mở ra thời kỳ phát triển mới của lịch sử dân tộc và lịch sử cách mạng Việt Nam.

 

Từ khi Người trở về nước đã mở ra cao trào của giải phóng dân tộc và dẫn đến thắng lợi của cách mạng tháng Tám bắt đầu một kỷ nguyên mới của lịch sử dân tộc là gắn liền độc lập dân tộc với chủ nghĩa xã hội. Sau này, con đường cứu nước ấy còn phải tiếp tục 30 năm nữa đánh bại tất cả các thế lực xâm lược mạnh nhất của thời đại mới, hoàn thành triệt để sự nghiệp độc lập thống nhất toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc Việt Nam, của dân tộc Việt Nam.

 

Từ năm 1975 đến nay, cả nước xây dựng CNXH. Từ năm 1986, cả nước xây dựng CNXH theo đường lối đổi mới. Vị thế của đất nước, dân tộc đã thay đổi hoàn toàn. Đấy chính là giá trị mới của thời đại. Bắt đầu từ năm 1945, người ta có thể gọi đó là thời đại Hồ Chí Minh, thời đại vẻ vang của dân tộc Việt Nam.

 

** Theo ông, những yếu tố nào của lịch sử dân tộc Việt Nam trong thế kỷ 20 và cho đến tận bây giờ cho thấy con đường Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chọn là con đường mang tầm nhìn vượt thời gian?

 

PGS, TS Nguyễn Trọng Phúc: Trước hết phải nói đến tính chất triệt để của cách mạng giải phóng dân tộc mà Hồ Chí Minh theo đuổi. Yếu tố vượt thời gian được thể hiện ở chỗ, tất cả những người Việt Nam yêu nước trước Hồ Chí Minh hay đồng thời với Hồ Chí Minh không có được tầm nhìn là gắn giải phóng dân tộc với sự nghiệp giải phóng con người. Cho nên tầm nhìn của Nguyễn Ái Quốc là vươn tới một xã hội tốt đẹp ở trên chính mảnh đất đau thương, cùng khổ.

 

Trước đây Nguyễn Ái Quốc đã từng sáng lập tờ báo “Người cùng khổ” để tập hợp các lực lượng đấu tranh của các dân tộc bị áp bức trên thế giới vào sự nghiệp đấu tranh chung. Tôi cho đấy là tầm nhìn vượt thời gian, bằng thiên tài trí tuệ,  Người đã vượt lên trên những người yêu nước đương thời.

 

Nguyễn Ái Quốc không chỉ mưu cầu cho dân tộc mình mà còn mưu cầu cho sự nghiệp chung của nhân loại. Sự nghiệp giải phóng dân tộc của Nguyễn Ái Quốc luôn luôn song hành với sự nghiệp giải phóng nhân loại. Bởi ngay chặng đường đầu từ 1911-1920, Nguyễn Ái Quốc đã trở thành chiến sĩ quốc tế. Với những liên kết quốc tế giữa các dân tộc thuộc địa lúc đó có mặt ở Pháp, những người của các dân tộc thuộc địa này đã tập hợp cùng với Nguyễn Ái Quốc sáng lập ra Hội liên hiệp các dân tộc thuộc địa. Rồi Người liên kết với những người cộng sản chân chính, những nhà cách mạng Pháp.

 

Năm 1923, Nguyễn Ái Quốc sang Liên Xô, đã gắn liền sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc của mình với sự nghiệp chung của quốc tế cộng sản. Rồi sau này, sau khi sáng lập Đảng Cộng sản Việt Nam, trên vai mình, Người vẫn gánh hai vai: vai dân tộc và vai quốc tế. UNESCO đã đánh giá đúng vai trò và vị trí của Hồ Chí Minh trong lịch sử của dân tộc Việt Nam và của cả thời đại.

 

** Từ những lựa chọn cách đây 100 năm của Chủ tịch Hồ Chí Minh, chúng ta có thể vận dụng, rút ra bài học gì trong quá trình phát triển và hội nhập của đất nước hiện nay?

 

PGS, TS Nguyễn Trọng Phúc: Theo tôi, bài học có tính chất bao trùm là bài học về sự kết hợp sức mạnh của dân tộc với sức mạnh của thời đại, sự kết hợp của nội lực với sự chi viên, giúp đỡ của bên ngoài, tức là ngoại lực. Chính bài học ấy như là một quy luật vận động của cách mạng Việt Nam. Trong sự nghiệp giải phóng dân tộc trước đây, Đảng Cộng sản Việt Nam và Chủ tịch Hồ Chí Minh đã xử lý thành công bài học ấy, làm nên những thắng lợi.

 

Tôi cũng xin nhấn mạnh lại là, ngay sau Cách mạng Tháng Tám thành công, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nêu tư tưởng mở cửa hợp tác với tất cả các nước trên thế giới. Tôi cho rằng những tư tưởng lớn đó của Hồ Chí Minh vẫn đang soi sáng và cũng là bài học lớn chỉ đạo hoạt động thực tiễn của nước ta trong công cuộc đổi mới hiện nay và đặc biệt là trong hội nhập quốc tế hiện nay theo đường lối của Đại hội 11 Đảng Cộng sản Việt Nam.

 

** Xin cảm ơn ông!./.

 

 

 

Theo VOVNEWS

Tệp đính kèm