Cập nhật: 27/06/2011 16:28:52 Article Rating
Xem cỡ chữ

Ban chỉ đạo Phòng chống lụt bão (PCLB) Trung ương cho biết, tính đến 16h00 ngày 26/6, bão số 2 đã khiến 17 người chết, 06 người mất tích, 64 người bị thương. Các địa phương hiện đang nỗ lực tìm kiếm người mất tích; cứu chữa, thăm hỏi người bị thương, hỗ trợ người dân ổn định đời sống.

 

Bão cũng khiến 81 nhà bị sập, đổ, cuốn trôi (Nghệ An: 53, Hải Phòng:28); 2595 nhà bị ngập, hư hại, tốc mái (Hải Phòng: 891; Nghệ An: 1650; Nam Định: 54). Cùng với đó là 23.463 ha diện tích lúa bị ngập úng, đổ giập; 4.774 ha diện tích hoa màu bị ngập; 2.397,4 ha mạ bị trôi, ngập úng.

 

Về giao thông, trên địa bàn tỉnh Nghệ An, mưa lũ đã gây xói lở làm đứt QL7, tại Km174; sạt lở ta luy dương tại K15+800, TL543 dài 20m gây ách tắc giao thông. Ngoài ra, nhiều vị trí trên QL7, QL48, QL48C, QL15, TL598B, TL543, TL544, TL541 đã bị ngập lũ sâu từ 0,3 – 1,5m, có nơi sâu 2,0m, đến 16h ngày 26/6 nước đã rút và thông xe.

 

Để khắc phục hậu quả bão, các tỉnh/thành phố: Phú Thọ, Bắc Giang, Nam Định, Thái Bình, Hải Phòng, Ninh Bình, Thanh Hóa, và Hà Tĩnh đang tiếp tục chỉ đạo công tác khắc phục hậu quả mưa lũ; tổ chức tìm kiếm người mất tích; cứu chữa, thăm hỏi người bị thương, hỗ trợ gia đình có người chết; hỗ trợ người dân sớm ổn định đời sống. Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Nghệ An đã có công điện số 16/CĐ.UBND-NN hồi 16 giờ ngày 26/6/2011 chỉ đạo Chủ tịch UBND, Trưởng ban chỉ huy PCLB các huyện, thành phố và Thủ trưởng các cơ quan liên quan triển khai công tác đối phó và khắc phục hậu quả do mưa, lũ gây ra.

 

Ban Chỉ đạo PCLB Trung ương tiếp tục đề nghị các tỉnh cần theo dõi chặt chẽ tình hình mưa lũ, dự báo và cảnh báo kịp thời, nhất là các tỉnh miền núi để có biện pháp chỉ đạo phòng, tránh; tiếp tục tổ chức tìm kiếm người mất tích; cứu chữa, thăm hỏi người bị thương, hỗ trợ người dân ổn định đời sống; thu hoạch lúa đã chín, dựng lại các trà lúa còn xanh bị đổ để hạn chế thiệt hại.

 

Đồng thời, kiểm tra an toàn các hồ chứa theo phân cấp, nhất là các hồ chứa nhỏ, các hồ chứa đã tích đầy nước; sẵn sàng các biện pháp đối phó để đảm bảo an toàn công trình, tính mạng, tài sản của nhà nước và nhân dân vùng hạ du; kiểm tra, rà soát các công trình đang thi công, chủ động triển khai các biện pháp đảm bảo an toàn tuyệt đối cho công trình, đặc biệt là các cống qua đê, các hồ chứa nước; kiểm tra công tác phòng, chống lụt, bão theo phương châm “4 tại chỗ” tại các địa phương, nhất là các khu vực thường xuyên bị ngập lũ và bị lũ chia cắt để chủ động đối phó với các trận lũ, bão tiếp theo.

 

 

 

Theo Kim Thanh /Báo điện tử ĐCSVN

Tệp đính kèm