Cập nhật: 07/07/2011 16:30:13 Article Rating
Xem cỡ chữ

Việc bảo đảm an sinh xã  hội xuất phát từ định hướng của nền kinh tế  thị trường mà Việt Nam lựa chọn đã góp phần ngăn chặn tác động tiêu cực của lạm phát.

Trong 6 tháng qua, Chính phủ, các ngành, các cấp, các  đơn vị cơ sở và người dân đã có nhiều cố gắng để thực hiện mục tiêu này và đã đạt được những kết quả tích cực.

 

Trước hết là việc làm, số lao động đang làm việc của cả nước đã tăng 171 nghìn người so với bình quân năm 2010. Nếu tính cả số người thay thế cho số lao động đang làm việc đến tuổi nghỉ chế độ, hoặc giảm vì các nguyên nhân khác, số người được đưa đi làm việc theo hợp đồng dài hạn ở nước ngoài,… thì tổng số người được giải quyết việc làm sẽ còn cao hơn nhiều.

 

Trong khu vực doanh nghiệp sản xuất công nghiệp, số lao động tháng 6 so với tháng 5 tăng khoảng 1% (doanh nghiệp nhà nước tăng 0,3%, doanh nghiệp ngoài nhà nước tăng 1,3%, lao động ngành công nghiệp chế biến tăng 1,1%, ngành khai thác mỏ tăng 0,3%, ngành điện nước giữ ổn định).

 

Trong điều kiện sản xuất kinh doanh, tăng trưởng kinh tế bị tác động bởi hiệu ứng phụ  của việc ưu tiên kiềm chế lạm phát, tăng được số lao động đang làm việc như trên là một cố gắng lớn và là kết quả đáng khích lệ.

 

Công việc này cần được thực hiện với sự nỗ lực hơn nữa bởi kiềm chế lạm phát vẫn tiếp tục được coi là mục tiêu ưu tiên trong thời gian tới. Hơn ai hết, các doanh nghiệp cần nhận ra rằng, giữ được số lao động có tay nghề, quen việc quan trọng như thế nào khi phục hồi sản xuất kinh doanh, tránh tốn kém không ít công sức, chi phí để tuyển dụng, đào tạo lại sau này.

 

Người lao động cần phát huy tính chủ động tìm việc làm, đồng thuận, chia sẻ khó khăn với doanh nghiệp, với đất nước để vượt qua thời điểm khó khăn này.

 

Về đời sống dân cư, trong những tháng đầu năm do giá cả tăng cao, thiên tai dịch bệnh ở  nhiều nơi; thu nhập của người dân, nhất là nông dân vùng cao, vùng sâu, vùng xa và người lao động có  thu nhập thấp bị ảnh hưởng.

 

Chính phủ cùng với các cấp, các ngành đã có nhiều biện pháp tích cực. Hỗ trợ tín dụng ưu đãi cho các hộ nghèo, cho vay xuất khẩu lao động, cho vay và hỗ trợ làm nhà ở, cấp thẻ bảo hiểm y tế, miễn giảm học phí cho con hộ nghèo, đồng bào dân tộc ít người, hỗ trợ giá điện cho các hộ nghèo,…

 

Nhiều hoạt động cứu trợ xã hội cho các hộ nghèo, người khuyết tật, các hộ có hoàn cảnh khó khăn, các hộ sống ở vùng cao, vùng sâu, vùng xa với số tiền là 1,3 nghìn tỷ đồng và 25 nghìn tấn gạo.

 

Trong điều kiện thu chi ngân sách còn mất cân đối lớn, Chính phủ đã điều chỉnh mức lương tối thiểu từ 730 nghìn đồng lên 830 nghìn đồng/tháng; trợ cấp khó khăn cho cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang, người hưởng lương hưu có mức lương thấp, người hưởng trợ cấp ưu đãi, người có công và hộ nghèo. Để góp phần khắc phục tình trạng thiếu đói, trong 6 tháng qua Chính phủ, các ngành, các cấp đã hỗ trợ các hộ thiếu đói 16,5 nghìn tấn lương thực và 9,2 tỷ đồng.

 

Thiên tai xảy ra đã gây thiệt hại về người và của (66 người chết và mất tích, hơn 10 nghìn ngôi nhà bị sập và bị hư hại, trên 67 nghìn hécta lúa, mạ và hoa màu bị ngập, hỏng, gần 60 nghìn con gia súc bị chết,.. với tổng thiệt hại ước khoảng 2,2 nghìn tỷ đồng). Việc hỗ trợ khắc phục hậu quả thiên tai, ổn định sản xuất và đời sống dân cư đã được triển khai kịp thời với tổng số tiền khoảng 110 tỷ đồng.

 

Bên cạnh những kết quả tích cực đáng ghi nhận, về mặt bảo đảm an sinh xã hội cũng còn có những hạn chế, bất cấp và đứng trước những thách thức không nhỏ.

 

Thách thức lớn nhất là nhu cầu lớn và tăng lên, nhưng nguồn lực tài chính còn hạn hẹp, giá trị thực tăng không tương ứng do yếu tố giá cả.

 

Trong khi đó, đầu tư (bao gồm cả đầu tư kinh tế và đầu tư xã hội) và tiêu dùng đều bị “co lại”, không chỉ ảnh hưởng đến việc bảo đảm an sinh xã hội hiện nay mà còn tác động đến việc bảo đảm trong thời gian tới.

 

Thách thức đó, một mặt đòi hỏi các cấp, các ngành cần phải nỗ lực hơn nữa để đáp ứng; mặt khác cũng đòi hỏi mỗi người cần chủ động khắc phục và chia sẻ khó khăn với Nhà nước.

 

 

Theo Minh Ngọc/Chinhphu.vn

Tệp đính kèm