Theo Báo cáo Đặc điểm kinh tế nông thôn Việt Nam 2010 do Viện nghiên cứu và quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) vừa công bố, tình trạng các hộ gia đình nông thôn được điều tra đang ngày càng cải thiện theo thời gian, tỷ lệ hộ ngèo đã giảm đáng kể.
Điều tra được tiến hành từ năm 2002, với khoảng 3 nghìn hộ gia đình của 12 tỉnh trong cả nước được phỏng vấn hai năm một lần, tập trung những vấn đề trong nông nghiệp như: lao động, đất đai, bảo hiểm tín dụng, tiếp cận thông tin, sản xuất nông nghiệp. Với trọng tâm tập trung vào việc tiếp cận và sử dụng các nguồn lực sản xuất báo cáo đã cho thấy bức tranh tổng thể nền kinh tế nông nghiệp nông thôn Việt Nam trong vài năm trở lại đây và những hướng đi mới trong tương lai.
Theo kết quả điều tra, tỷ lệ hộ nghèo đã giảm từ 23% năm 2006 xuống còn 16% năm 2010, trong đó giảm mạnh nhất là tỉnh Lai Châu từ 49% xuống còn 29%. Số lao động tham gia vào các hoạt động đem lại thu nhập chiếm 87%, tỷ lệ hộ gia đình thành lập doanh nghiệp tăng từ 20% lên 28% trong vòng hai năm trở lại đây, đời sống ngày càng được cải thiện.
Trình độ học vấn được nâng lên với tỷ lệ chủ hộ tốt nghiệp Trung học phổ thông tăng từ 15% năm lên 18%, số con em của nhiều gia đình vào đại học ngày càng nhiều. Việc tiếp cận các dịch vụ, điều kiện sống: chăm sóc sức khỏe, học hành, sử dụng nước sạch, chất lượng nhà ở, xử lý nước thải… được nâng lên rõ rệt, cụ thể đến nay 94% số hộ tại các tỉnh được sử dụng nước sạch trong sinh hoạt hàng ngày. Tuy nhiên, trong cùng điều kiện là vùng nông thôn nhưng đang có sự chênh lệch và khoảng cách giữa hộ giàu và nghèo.
Theo ông Lưu Đức Khải, Trưởng ban chính sách phát triển nông thôn của CIEM, có sự chệnh lệch và khoảng cách giữa hộ giàu và nghèo là do những hộ này trước đây đã tham gia hoạt động trong các tổ chức nhà nước có lương hoặc có bảo hiểm. Thêm nữa, các hộ giàu lại có xu hướng thành lập các cơ sở sản xuất kinh doanh phi nông nghiệp nên chất lượng cuộc sống của họ khá hơn.
Theo Giáo sư Finn Tarp, Đại học Tổng hợp Copenhagen, Đan Mạch - thành viên nhóm khảo sát, khi nói đến nền nông nghiệp phát triển thì dần dần chúng ta sẽ phải hình thành một khu vực sản xuất nông nghiệp chiếm tỉ lệ nhỏ hơn hiện nay. Có nghĩa là qui mô sản xuất lớn hơn nhưng tỷ trọng trong nền kinh tế phải nhỏ đi, thách thức đặt ra là làm thế nào để người nông dân khi hoạt động sản xuất nông nghiệp truyền thống thu hẹp lại, họ vẫn có thể tham gia vào lĩnh vực phi nông nghiệp để có thu nhập cao hơn.
Nhiều chuyên gia cho rằng, nông dân cần tham gia vào công việc chế biến nhiều hơn để tạo thêm giá trị cho sản phẩm đầu ra của mình, tạo ra chất lượng tốt hơn, có tính cạnh tranh hơn. Tuy nhiên, Nhà nước cũng cần có những chính sách cụ thể và thỏa đáng hơn để các hộ nghèo thực sự được hưởng lợi từ các chính sách hỗ trợ./.
Theo Ngọc Hà /Báo điện tử ĐCSVN