Cập nhật: 15/07/2011 16:38:13 Article Rating
Xem cỡ chữ

Phát triển đô thị là nhu cầu tất yếu của một xã hội hiện đại. Tuy nhiên, để quá trình đó có sự chuyển biến theo chiều hướng tích cực rất cần sự đổi mới của cơ chế, chính sách phát triển đô thị trong các lĩnh vực quản lý nhà nước, quản lý quy hoạch, quản lý nhà, đất; quản lý đầu tư xây dựng, quản lý khai thác sử dụng công trình đô thị, tạo ra sự thay đổi cơ bản đối với hệ thống đô thị cả nước.

Quyết định số 445/QĐ – TTg (7.4.2009)  của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Điều chỉnh định hướng quy hoạch tổng thể phát triển đô thị Việt Nam đến năm 2025 tầm nhìn 2050 đã tạo hành lang cho đô thị Việt Nam phát triển thêm một bước mới. Theo Quyết định này, từ nay đến 2015, ưu tiên Phát triển các vùng kinh tế trọng điểm, các vùng đô thị lớn và các khu kinh tế tổng hợp đóng vai trò là cực tăng trưởng chủ đạo cấp quốc gia; từ năm 2015 đến 2025 ưu tiên phát triển các vùng đô thị hóa cơ bản, giảm thiểu sự phát triển phân tán, cục bộ; giai đoạn từ năm 2026 đến năm 2050 chuyển dần sang phát triển mạng lưới đô thị.

 

Sau 10 năm xây dựng và phát triển, số lượng đô thị  nước ta tăng lên là 126 đô thị, tức là trung bình tăng 1 đô thị/tháng. Và mức độ đô thị hóa đã phát triển mạnh ở khu vực các đô thị nhỏ, lan tỏa trên diện rộng và phân bố đồng đều hơn trên phạm vi cả nước. Đô thị nước ta đã và đang phát triển tiếp cận với nhiều mô hình tiên tiến theo xu hướng hội nhập quốc tế. Cụ thể như quy hoạch đô thị hai bên dòng sông Hàn ở Đà Nẵng và khu đô thị Phú Mỹ Hưng được đánh giá là một trong những đô thị có sự kiến trúc xây dựng đồng bộ, hiện đại. Tuy nhiên, bên cạnh đó, đô thị Việt Nam đang phải đối mặt với nhiều bất cập như hệ thống hạ tầng thiếu đồng bộ, tình trạng ùn tắc giao thông, hệ thống thoát nước chưa hoàn thiện, thiếu sự thống nhất trong xây dựng cảnh quan đô thị và đặc biệt là phát triển đô thị chưa gắn với môi trường xanh… Điều này, cũng đặt ra nhiều thách thức cho sự phát triển của các đô thị trong tương lai.

 

Một trong những bất cập mà trong quá trình quy hoạch đô thị nước ta thời gian qua đang mắc phải đó là việc quản lý yếu kém, thiếu chặt chẽ từ các cấp quản lý, và ý thức của người dân đã làm phá vỡ cảnh quan đô thị. Tình trạng người dân tự thiết kế xây dựng nhà ở không theo quy chuẩn nhất định nào đã làm cho đô thị thiếu đi sự quy hoạch tổng thể, làm mất vẻ đẹp mỹ quan đô thị. Bên cạnh đó, việc chưa hoàn thiện cơ sở hạ tầng là một trong những bất cập gây bức xúc trong dân cư thời gian qua. Sự thiếu đồng bộ trong hệ thống dẫn điện thiếu trong đô thị đã gây tình trạng nguy hiểm về tính mạng con người trong mùa mưa lũ. Cơ sở hạ tầng đô thị chưa bảo đảm đã dẫn đến tình trạng chưa mưa đã ngập, chưa vào giờ cao điểm đã tắc đường đang là điểm nóng trong dư luận. Sự phát triển quá nóng của đô thị mà thiếu sự quản lý chặt chẽ từ phía các cơ quan chức năng đã làm cho hệ thống môi trường sinh thái khu đô thị ngày càng có nguy cơ ô nhiễm. Qua khảo sát tại các khu đô thị, chỉ có 60% chất thải rắn được chôn lấp hợp vệ sinh và chỉ có 15% số bãi chôn lấp đạt vệ sinh. Đây cũng là một trong những vấn đề cần đặt ra cho các nhà quản lý, cần phải gắn việc phát triển đô thị với việc bảo vệ môi trường sống của con người. Có như vậy, mới bảo đảm được mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội bền vững.

 

Có một thực tế là, việc phát triển đô thị của nước ta thời gian qua vẫn chưa gắn với việc phát triển đô thị xanh – đây là mục tiêu cơ bản mà bất kỳ một quốc gia nào khi tiến hành đô thị hoá cũng phải quan tâm hàng đầu. Trong 7 tiêu chí của đô thị xanh như: không gian xanh; công trình xanh; giao thông xanh; công nghiệp xanh; chất lượng môi trường đô thị xanh; bảo tồn cảnh quan thiên nhiên, danh lam thắng cảnh, công trình lịch sử, văn hóa; cộng đồng dân cư sống thân thiện với môi trường và thiên nhiên thì quá trình phát triển đô thị ở Việt Nam thời gian qua vẫn chưa bảo đảm được đầy đủ các tiêu chí. Tuy nhiên, việc phát triển đô thị xanh ở Việt Nam gặp nhiều trở ngại như hạ tầng kỹ thuật và xã hội còn kém; môi trường nhiều nơi bị ô nhiễm nghiêm trọng; dân số đông nên hạn chế quỹ đất xây dựng; đội ngũ chuyên gia quy hoạch còn ít và trình độ chưa cao; tỷ lệ diện tích cây xanh còn quá ít so với yêu cầu của đô thị xanh. Việc phát triển cây xanh tại các đô thị dường như bị xem nhẹ. Việc quản lý cây xanh lỏng lẻo, tình trạng chặt phá cây diễn ra thường ngày. Nhiều nhà đầu tư chỉ quen với việc tận dụng tối đa hoá diện tích đất hiện có để tiến hành xây dựng các công trình mà không quan tâm cần phải dành một diện tích đất nhất định để trồng cây xanh, tạo không gian xanh cho đô thị. Tại các khu đô thị ở nước ta, tỷ lệ cây xanh còn thấp. Tình trạng đô thị khó khăn trong việc quy hoạch đất làm vườn ươm không phải là chuyện hiếm. Và trong đó có cả sự lúng túng, yếu kém trong việc lựa chọn loại cây trồng phù hợp sinh thái, của một số đô thị đã làm cho đô thị mất đi sự phát triển cân bằng của môi sinh.  Bên cạnh đó, việc xuống cấp trầm trọng của các đô thị cũ cũng là câu chuyện đáng bàn. Đây chính là hậu quả của sự phát triển hỗn loạn, thiếu kiểm soát do tốc độ đô thị hoá nhanh chóng và vấn đề nhập cư. Với việc hàng năm, khoảng 10.000 ha đất nông nghiệp chuyển sang đất đô thị, chủ yếu vùng ngoại vi đô thị. Điều này mâu thuẫn với nhiều chính sách quốc gia bảo vệ đất nông nghiệp. Chính sách quản lý đô thị đã có nhưng chưa đủ mạnh, thiếu sự quản lý chặt chẽ của các cơ quan có thẩm quyền do đó dẫn đến tình trạng người dân tự xây dựng, cơi nới mà không cần biết là đã tự mình phá vỡ cảnh quan đô thị.

 

Phát triển đô thị là nhu cầu tất yếu của một xã hội hiện đại. Tuy nhiên, để quá trình đó có sự chuyển biến theo chiều hướng tích cực rất cần sự đổi mới của cơ chế, chính sách phát triển đô thị trong các lĩnh vực quản lý nhà nước, quản lý quy hoạch, quản lý nhà, đất; quản lý đầu tư xây dựng, quản lý khai thác sử dụng công trình đô thị, tạo ra sự thay đổi cơ bản đối với hệ thống đô thị cả nước. Mặt khác cần phải nâng cao vai trò chức năng và quyền hạn của các bộ, ngành, địa phương trong tổ chức, thực hiện quản lý phát triển đô thị. Tăng cường phân cấp quản lý đô thị, nâng cao quyền hạn, trách nhiệm của chính quyền đô thị các cấp. Hình thành hệ thống quỹ đầu tư phát triển hạ tầng đô thị, mở rộng nguồn thu và phương thức thu tại các đô thị, xây dựng cơ chế phát triển hạ tầng đô thị  bằng nhiều nguồn vốn theo hướng khuyến khích sự tham gia của các khu vực ngoài nhà nước

 

 

 

Theo Hà An/Báo điện tử ĐBND

 

Tệp đính kèm