Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng - Thủy văn T.Ư do trục rãnh áp thấp hiện đi qua Bắc Trung Bộ có xu hướng suy yếu và nâng dần lên phía bắc. Dự báo, do ảnh hưởng của hoàn lưu vùng áp thấp trên khu vực bắc Vịnh Bắc Bộ có gió mạnh cấp 5, có lúc cấp 6, giật cấp 7 và có mưa rào và dông mạnh, biển động. Trong cơn dông đề phòng có lốc xoáy. Cần chú ý theo dõi diễn biến của vùng áp thấp này.
Các tỉnh khu vực Tây Nguyên và Nam Bộ chịu ảnh hưởng kết hợp của đới gió tây nam có cường độ trung bình đến mạnh, sau chủ yếu có cường độ trung bình, chiều tối và đêm có mưa rào và rải rác có giông.
Mưa liên tục trong những ngày qua khiến mực nước hạ lưu sông Cả tiếp tục lên nhưng còn dưới mức báo động 1, các sông ở Bình Thuận và khu vực Tây Nguyên biến đổi chậm.
Dự báo, trong những ngàytới, mực nước đầu nguồn sông Cửu Long lên chậm. Ðến ngày 20-7, mực nước cao nhất ngày tại Tân Châu ở mức 2,05 m; tại Châu Ðốc ở mức 1,80 m. Hôm nay 17-7, mực nước sông Ðồng Nai tại Tà Lài biến đổi chậm và ở mức 111,25 m.
Ðể chủ động hạn chế thiệt hại do mưa lũ gây ra, tỉnh Hà Tĩnh đã chỉ đạo các ngành chứa năng đẩy nhanh tiến độ thi công sửa chữa, nâng cấp hệ thống đê điều, hồ đập và chủ động trong phòng, chống lụt bão. Hiện Hà Tĩnh còn nhiều công trình hạ tầng xuống cấp không bảo đảm an toàn, trong khi đó việc sửa chữa, nâng cấp đê, kè, hồ đập thủy lợi triển khai rất chậm, chất lượng chưa đạt yêu cầu. Tỉnh Vĩnh Long phối hợp với các ngành chức năng tăng cường khảo sát, kiểm tra công tác phòng, chống lụt bão, nhất là các khu vực xung yếu, có nguy cơ cao về sạt lở đất và thường xảy ra giông, lốc xoáy thuộc các huyện Long Hồ, Mang Thít, Tam Bình, Trà Ôn và TP Vĩnh Long... để hạn chế tới mức thấp nhất thiệt hại cho đê điều do bão, lũ gây ra. Mới vào đầu mùa mưa, bão nhưng đã xảy ra sạt lở tại một số địa phương.
Chi cục Bảo vệ thực vật tỉnh Hải Dương khuyến cáo bà con nông dân tích cực thu gom ốc bươu vàng bằng biện pháp thủ công và để đề phòng trừ sâu cuốn lá nhỏ, nông dân cần cấy dày vừa phải, chăm sóc phân bón hợp lý, tăng cường vệ sinh đồng ruộng, diệt trừ cỏ dại là nơi trú ngụ qua đông. Hiện trên các chân ruộng mạ và trà lúa mùa sớm của tỉnh Hải Dương, ốc bươu vàng đang sinh sản nhanh và gây hại mạnh, với mật độ trung bình cao gấp hai lần cùng kỳ năm 2010. Riêng sâu cuốn lá nhỏ thường ít gây hại đầu vụ mùa, nhưng năm nay đã gia tăng, nhiều chân ruộng mạ đã có 20-30% số lá bị trắng do sâu cuốn lá hại. Trong khi đó tại Hà Tĩnh rầy lưng trắng đang phát triển và gây hại trên các ruộng lúa vụ hè thu. Tỉnh đã chỉ đạo các huyện, thị xã, thành phố cùng các cấp chính quyền tiến hành phòng trừ. Vụ hè thu năm ngoái, tỉnh phải tiêu hủy nhiều ha lúa, do ban đầu xuất hiện rầy lưng trắng sau đó gây truyền bệnh lùn sọc đen buộc người dân phải nhổ bỏ. Viện Nghiên cứu Cây ăn quả miền nam cho biết, ở khu vực đồng bằng sông Cửu Long bệnh chổi rồng đang có chiều hướng lây lan mạnh ở các tỉnh Bến Tre, Trà Vinh, Vĩnh Long và Ðồng Tháp. Hiện vẫn chưa thể xác định được chính xác tác nhân gây bệnh để có biện pháp phòng trừ hiệu quả. Trên địa bàn tỉnh Vĩnh Long, bệnh chổi rồng đang tàn phá vườn nhãn với diện tích bị bệnh và mức độ gây hại không ngừng gia tăng, gây thiệt hại đáng kể cho các nhà vườn. Trong số gần 9.700 ha nhãn của tỉnh hiện có tới gần 4.000 ha bị bệnh, mức độ gây hại nơi ít từ 20 đến 30%, nơi nhiều từ 50 đến 70%, một số vườn bị nhiễm 100%. Trước mắt, để hạn chế bệnh chổi rồng trên cây nhãn, tỉnh khuyến cáo các nhà vườn áp dụng các biện pháp tổng hợp về giống, canh tác và bằng thuốc hóa học.
Trong hai ngày 15 và 16-7, Ðoàn chuyên gia của Tổ chức Nông - Lương thế giới (FAO) kết hợp Cục Thú y (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) đã tiến hành khảo sát, tìm nguyên nhân gây nên dịch bệnh tôm chết hàng loạt ở nhiều tỉnh đồng bằng sông Cửu Long (ÐBSCL) thời gian vừa qua. Theo thống kê, ÐBSCL có hơn 50.000 ha tôm chết, trong đó tại tỉnh Bạc Liêu có hơn 12.000 ha, tỉnh Sóc Trăng có hơn 19.000 ha... Sau chuyến khảo sát và nắm tình hình thực tế tại các địa phương FAO sẽ phối hợp Cục Thú y có biện pháp hỗ trợ các địa phương xây dựng chương trình giám sát dịch bệnh trên tôm nuôi. Trên cơ sở đó tìm ra nguyên nhân dịch bệnh trong thời gian qua, đề ra các biện pháp giám sát, cảnh báo, phòng ngừa dịch bệnh nhằm hạn chế đến mức thấp nhất diện tích tôm nuôi bị chết hàng loạt ở các tỉnh ÐBSCL như thời gian qua.
Theo PV và CTV báo Nhan dân Online