Cập nhật: 20/07/2011 16:30:58 Article Rating
Xem cỡ chữ

Không chỉ giữa đô thị và nông thôn mà ngay trong các vùng quê, hiện nay tỷ lệ chênh lệch giàu nghèo ngày càng lớn. Kết quả điều tra hộ gia đình nông thôn năm 2010 tại 12 tỉnh trên cả nước cho thấy, khoảng cách giàu nghèo ngày càng giãn ra…

Cùng trong cùng điều kiện là vùng nông thôn nhưng đang có sự chênh lệch và khoảng cách giữa hộ giàu và hộ nghèo...

Chênh lệch và khoảng cách giữa các hộ giàu - nghèo

 

Theo kết quả điều tra, tỷ lệ hộ nghèo đã giảm từ 23% năm 2006 xuống còn 16% năm 2010, trong đó giảm mạnh nhất là tỉnh Lai Châu từ 49% xuống còn 29%, tiếp theo là tỉnh Phú Thọ giảm từ 21% xuống 9%. Số lao động tham gia vào các hoạt động đem lại thu nhập chiếm 87%, tỷ lệ hộ gia đình thành lập doanh nghiệp tăng từ 20 - 28% trong vòng hai năm trở lại đây, đời sống ngày càng được cải thiện. Bên cạnh đó, trình độ học vấn được nâng lên, tỷ lệ chủ hộ tốt nghiệp THPT tăng từ 15 - 18%, số con em của nhiều gia đình vào đại học ngày càng nhiều; việc tiếp cận các dịch vụ, điều kiện sống như chăm sóc sức khỏe, học hành, sử dụng nước sạch, chất lượng nhà ở được nâng lên rõ rệt… Tuy nhiên, trong cùng điều kiện là vùng nông thôn nhưng đang có sự chênh lệch và khoảng cách giữa hộ giàu và nghèo. Đáng lưu ý hơn cả các hộ giàu lại nhận được hỗ trợ nhiều hơn từ Nhà nước và khu vực sản xuất tư nhân. Giải thích về vấn đề này, Trưởng ban chính sách phát triển nông thôn, Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương Lưu Đức Khải cho biết, những hộ này trước đây đã tham gia hoạt động trong các tổ chức nhà nước nên có lương hoặc đã đóng bảo hiểm; cộng với các hộ giàu đang có xu hướng thành lập các cơ sở sản xuất kinh doanh phi nông nghiệp. Do đó, bức tranh bất bình đẳng ngay trong khu vực nông thôn lại càng rõ nét.

 

Báo cáo Kết quả điều tra hộ gia đình nông thôn năm 2010 tại 12 tỉnh được thực hiện bởi Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương (CIEM), Viện Chính sách và Chiến lược phát triển nông thôn (IPSARD), Viện Khoa học lao động và xã hội (ILSSA) và Trường Đại học Copenhagen (Đan Mạch) đã nêu ra bức tranh toàn cảnh về sự phát triển kinh tế nông thôn Việt Nam giai đoạn 2002-2010, dựa trên các yếu tố ảnh hưởng đến kinh tế từng hộ gia đình, bao gồm lao động và thu nhập; đất đai và quyền sử dụng đất, đầu tư và thị trường; sản xuất nông nghiệp; rủi ro, bảo hiểm, tiết kiệm và tín dụng; vốn xã hội và tiếp cận thông tin.

 

Trong nền kinh tế thị trường, khoảng cách chênh lệch giàu nghèo là tất yếu. Nhiều năm trước, các chuyên gia đã khuyến cáo, Việt Nam sẽ gặp phải thách thức là sự xuất hiện của nhóm nghèo mới do đất nông nghiệp bị thu hồi để chuyển đổi sang mục đích sử dụng khác. Vì vậy, tác động xã hội trong quá trình đô thị hóa phải được đánh giá cẩn thận, cân nhắc đầy đủ trong quy hoạch đô thị để có những chính sách kèm theo và những giải pháp phù hợp. Nhưng những khuyến cáo chưa được quan tâm đúng mức... Trong lĩnh vực đất đai, tuy tỷ lệ người có đất canh tác lên đến 92% nhưng theo đánh giá của các chuyên gia thì điều này lại thể hiện việc chuyển dịch cơ cấu kinh tế của nước ta đang diễn ra khá chậm, chưa đủ lực để lôi kéo những người nông dân rời sản xuất nông nghiệp để tìm kiếm các công việc có thu nhập cao hơn. Vấn đề quyền sử dụng đất lại có sự giảm đáng kể về tỷ lệ đất được cấp sổ đỏ. Ví dụ như tại tỉnh Lào Cai, tỷ lệ cấp sổ đỏ giảm từ 87% năm 2008 xuống còn 58% trong năm 2010, nguyên nhân là do quá trình dồn điền đổi thửa hay chuyển đổi mục đích sử dụng.

 

Thành viên trong nhóm khảo sát điều tra tiếp cận nguồn lực của hộ gia đình, Gs Finn Tarp, trường Đại học Tổng hợp Copenhagen, Đan Mạch nhấn mạnh: nói đến nền nông nghiệp phát triển thì dần dần sẽ phải hình thành một khu vực sản xuất nông nghiệp chiếm tỷ lệ nhỏ hơn hiện nay. Có nghĩa là quy mô sản xuất lớn hơn nhưng tỷ trọng trong nền kinh tế phải nhỏ đi, như vậy thách thức đặt ra là làm thế nào để người nông dân khi sản xuất nông nghiệp nhỏ vẫn có thể tham gia vào lĩnh vực phi nông nghiệp để có thu nhập cao hơn. Như vậy, Việt Nam cần chú ý hơn đến chất lượng, nếu chỉ riêng số lượng không thôi thì không thể đem lại thu nhập cho nông dân. Nhìn vào tương lai, Việt Nam cần trồng ít lúa gạo và thay vào đó nên tham gia vào nhiều hoạt động phi nông nghiệp…

 

Càng giàu càng có khả năng tiếp cận các nguồn trợ giúp

 

Điều tra tiếp cận nguồn lực hộ gia đình nông thôn Việt Nam đã cho thấy cái nhìn toàn diện hơn về thực trạng kinh tế của các gia đình tại khu vực nông thôn, với trọng tâm là tiếp cận và tương tác của các hộ gia đình nông thôn Việt Nam với thị trường đất đai, lao động và tín dụng, qua đó, gợi ý những chính sách phát triển cho nông nghiệp và nông thôn Việt Nam.

 

Hiện Việt Nam có tốc độ phát triển kinh tế nhanh, trong khi nông nghiệp vẫn đóng vai trò quan trọng trong khu vực kinh tế, chiếm 1/5 sản lượng kinh tế nói chung, 2/3 sản lượng xuất khẩu, đóng góp 4% vào tăng trưởng nông nghiệp; 87% dân số trong độ tuổi lao động ở khu vực nông thôn tham gia vào các hoạt động mang lại thu nhập. Ở các hộ nghèo, hoạt động kinh tế đa dạng hơn so với các hộ giàu, điều đó chứng tỏ các hộ nghèo ở nông thôn đã phản ứng tốt hơn với các rủi ro.

 

Năm 2010, đã có 28% hộ gia đình chủ yếu là các hộ giàu thành lập doanh nghiệp gia đình so với con số 20% của năm 2008, hoạt động chủ yếu trong lĩnh vực thương mại bán lẻ, bán nguyên vật liệu chưa qua chế biến... Tuy nhiên báo cáo cũng cho thấy nghịch lý là số hộ gia đình càng giàu thì càng có khả năng tiếp cận các nguồn trợ giúp cao hơn so với các hộ nghèo. Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương Vũ Xuân Nguyệt Hồng cho rằng, nguồn thu nhập của các hộ gia đình nông thôn đã tăng lên, đời sống cải thiện rõ rệt nhưng khả năng tiếp cận nguồn đầu vào và đầu ra cho sản xuất còn nhiều bất cập. Sự phân hóa giàu - nghèo trong sản xuất nông nghiệp rất rõ ràng. Các hộ giàu thường có lợi thế hơn trong tiếp cận các sản phẩm đầu vào của nông nghiệp. Việc thiếu năng lực chế biến ban đầu, thiếu thông tin về giá thị trường và thiếu lưu trữ đối với đầu ra cũng là những khó khăn trong việc tiếp cận thị trường của các hộ kinh tế khu vực nông thôn.

 

Từ các phân tích của các chuyên gia cho thấy, người nông dân cần tham gia vào công việc chế biến nhiều hơn để tạo thêm giá trị cho sản phẩm đầu ra để tạo ra chất lượng tốt hơn và có tính cạnh tranh hơn. Tuy nhiên, Nhà nước cũng nên có những chính sách cụ thể để cho các hộ nghèo thực sự được hưởng lợi từ các chính sách hỗ trợ.

 

 

Theo Vi Hoa/Báo điện tử ĐBND

Tệp đính kèm