Sự tham gia tích cực của toàn xã hội; đầu tư thiết bị, đào tạo nhân lực, xây dựng ý thức cộng đồng… là rất cần thiết cho công tác phòng chống tệ nạn xã hội.
Những mô hình hiệu quả
Công tác phòng chống ma tuý, mại dâm, HIV/AIDS luôn được xác định là nhiệm vụ quan trọng, lâu dài. Với quyết tâm cao và nỗ lực của các cơ quan, Bộ, ngành và từng địa phương nên thời gian qua, những tệ nạn này đang dần được đẩy lùi. Từ công tác phòng chống ma tuý, HIV/AIDS tại nhiều tỉnh, thành đã xuất hiện nhiều mô hình hiệu quả.
Thanh Hóa là tỉnh đất rộng người đông, với nhiều huyện miền núi có đường biên giới như Mường Lát, Quan Sơn, Quan Hóa... vì vậy tội phạm tàng trữ, vận chuyển ma túy hết sức phức tạp. Đây cũng chính là nguyên nhân dẫn đến sự gia tăng của căn bệnh thế kỷ HIV/AIDS.
Trong công tác phòng chống HIV/AIDS tại Thanh Hóa xuất hiện nhiều mô hình chăm sóc toàn diện đối với người nhiễm HIV như: phòng khám và điều trị ngoại trú; tư vấn xét nghiệm tự nguyện và mạng lưới cộng tác viên; tư vấn xét nghiệm tự nguyện lưu động, lồng ghép với các hoạt động khám và điều trị các bệnh nhiễm trùng lây qua đường tình dục tại những huyện miền núi của tỉnh… đã làm giảm tỷ lệ các ca nhiễm bệnh mới.
Ông Nguyễn Ngọc Thành, Phó Giám đốc Sở Y tế Thanh Hóa cho biết: “Ở vùng sâu, vùng xa, trước đây qua khảo sát cho thấy, tỷ lệ người dân có nhận thức đầy đủ về HIV/AIDS rất thấp; kể cả trong thanh thiếu niên, học sinh, người trưởng thành. Tuy nhiên, sau thời gian tuyên truyền bằng các hình thức như: tuyên truyền lưu động, phát tờ rơi, các buổi nói chuyện sinh hoạt cộng đồng… thì sau 1 năm, khảo sát lại cho thấy đã có sự khác biệt rõ rệt, nhận thức của người dân tăng lên, góp phần giảm nguy cơ lây nhiễm căn bệnh này”.
Hải Phòng là một trong những địa phương có số người nhiễm HIV cao so với cả nước. Nếu trước đây, vào những năm 2003-2005, mỗi tháng các cơ sở y tế của thành phố phát hiện khoảng hơn 100 ca nhiễm bệnh mới; đến nay, với việc đẩy mạnh công tác thông tin, giáo dục truyền thông nhận thức cho nhiều tầng lớp nhân dân, người nhiễm bệnh thì đến nay mỗi tháng số ca nhiễm bệnh mới giảm chỉ còn 20 ca.
Nhiều trung tâm lao động xã hội, cai nghiện hoạt động hiệu quả cũng làm cho tình trang lây lan HIV thời gian qua giảm. Ông Nguyễn Quang Toàn, Giám đốc Trung tâm Lao động xã hội Gia Minh, thành phố Hải Phòng cho biết, tại Trung tâm, những người điều trị cai nghiện, nhiễm HIV/AIDS ngoài được chữa bệnh, người nghiện còn được các bác sỹ quan tâm tư vấn về tâm lý, từ đó giúp họ nâng cao quyết tâm chống chọi với bệnh tật. Ngoài ra, khi hoàn thành cai nghiện, người nghiện được đào tạo nghề, tìm việc làm… Nhiều người nhiễm HIV còn là những tuyên truyền viên tích cực góp phần nâng cao nhận thức của người dân đồng thời cũng làm giảm tình trạng lây lan trong cộng đồng cộng đồng.
Ông Nguyễn Quang Toàn nhấn mạnh, Trung tâm đã dạy rất nhiều nghề, từ lao động phổ thông, chăn nuôi, trồng trọt tới các nghề cơ khí… Thời gian qua, Trung tâm đã đào tạo được 28 học viên bị nhiễm HIV thành những điều dưỡng viên cao cấp. Một số sau khi kết thúc khoá đào tạo 6 tháng đã ở lại chăm sóc những bệnh nhân khác; một số trở về cộng đồng, trở thành những truyên truyền viên cho những người bị nhiễm HIV.
Cần đầu tư hơn nữa
Mặc dù dịch HIV/AIDS đang có xu hướng giảm cả về số người nhiễm, số bệnh nhân tử vong, tuy nhiên vẫn chưa có tính bền vững. Dịch HIV/AIDS ở nước ta vẫn tiền ẩn những yếu tố nguy cơ bùng phát; tập trung trong các nhóm đối tượng nguy cơ cao như: nghiện chích ma túy, phụ nữ mại dâm, có dấu hiện tăng tỷ lệ nhiễm HIV trong nhóm quan hệ tình dục đồng giới nam…
Thêm vào đó, khó khăn chung về nhân lực của hệ thống y tế dự phòng, chương trình phòng, chống HIV/AIDS đang thiếu hụt tại các tuyến. Kinh phí triển khai cho chương trình phòng chống HIV/AIDS từ chương trình mục tiêu quốc gia và của các tỉnh vẫn ở mức thấp, những tỉnh không có dự án quốc tế triển khai gặp nhiều khó khăn.
Lãnh đạo Bộ Y tế cho rằng, để công tác phòng chống HIV/AIDS đạt hiệu quả cao phải triển khai thực hiện tốt các nội dung, yêu cầu cho công tác phòng chống tại các xã, phường trọng điểm, hoàn thiện đội ngũ cộng tác viên, tuyên truyền viên; triển khai phong trào toàn dân tham gia phòng chống HIV/AIDS tại cộng đồng dân cư trên phạm vi cả nước; tiếp tục đẩy mạnh công tác thông tin giáo dục và truyền thông thay đổi hành vi. Đồng thời, tăng cường hơn nữa hoạt động của đội ngũ tuyên truyền viên đồng đẳng.
Tại một Hội nghị của Bộ Y tế cuối tháng 7/2011, nguyên Bộ trưởng Y tế, TS. Nguyễn Quốc Triệu phát biểu: “Đề nghị Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành liên quan xây dựng đề án thu hút nguồn lực, đảm bảo tính bền vững cho chương trình phòng chống HIV/AIDS trong giai đoạn 2011 - 2015. Trong đó lồng ghép công tác phòng, chống HIV/AIDS và phòng chống ma túy, mại dâm và từng bước xã hội hóa các hoạt động. Chính phủ cần tăng cường trang bị cơ sở vật chất, trang thiết bị cho trung tâm phòng, chống HIV/AIDS cho các tỉnh”.
Trong thời gian tới, để nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống HIV/AIDS, ma túy, mại dâm cần có sự tham gia tích cực của toàn xã hội; đẩy mạnh phong trào toàn dân đấu tranh phòng, chống HIV/AIDS, ma túy, mại dâm. Muốn vậy, phải làm tốt công tác tuyên truyền để người dân hiểu rõ, hiểu đúng và đầy đủ về tác hại của tệ nạn ma túy, mại dâm cũng như tính chất nguy hiểm của dịch HIV/AIDS. Bên cạnh đó, công tác phòng, chống tệ nạn xã hội phải được lồng ghép với các chương trình phát triển kinh tế - xã hội khác như xóa đói giảm nghèo, giải quyết việc làm./.
Theo Vovnews.vn