Cập nhật: 17/08/2011 17:01:15 Article Rating
Xem cỡ chữ

Màu sắc lòe loẹt, nhãn mác toàn tiếng nước ngoài và không có nhãn phụ bằng tiếng Việt nhưng các gói quà vặt giành cho trẻ em lại được bài bán tràn lan ở các chợ, bán trước cổng trường và tại không ít cửa hàng, đại lý nhỏ lẻ rải rác ở nhiều địa phương thuộc khu vực miền Bắc.

Tràn lan quà vặt kém chất lượng

 

Qua khảo sát tại các địa phương phía Bắc như Lạng Sơn, Yên Bái, Tuyên Quang, Thái Nguyên, Bắc Giang, Bắc Ninh, Quảng Ninh, Cao Bằng, Vĩnh Phúc… cho thấy, chỉ cần từ 500 – 3.000 đồng là trẻ có thể mua được một món quà vặt. Điều đáng nói là những món quà vặt ấy không chỉ xuất hiện ở dạng khô, mà còn cả ở dạng lỏng, dạng cô đặc. Trong số các sản phẩm có nhãn mác Trung Quốc khảo sát thu được không có nhãn phụ bằng tiếng Việt có trên 20 loại khác nhau.

 

Em Nguyễn Đức Thắng học sinh lớp 5, trường tiểu học Trần Phú, TP Bắc Giang cho biết, các bạn em đều mua gói cay và “thịt hổ” để ăn, nhưng chúng em không biết là thịt hổ hay thịt gì. Ăn thấy vừa chua, cay, ngọt và dai dai nên các bạn rất thích ăn. Còn em Trần Thị Hương, thôn Đại Mão, xã Hoài Thượng, huyện Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh cho biết, những bạn gái thích ăn ô mai, rau câu, nho khô… Nhưng chúng em cũng không biết có phải là ô mai, rau câu, hay nho khô không. Chỉ thấy các bạn ăn bảo ngon, dễ ăn là bọn em mua, ăn vài lần rồi thấy thích ăn hơn nên thỉnh thoảng được bố, mẹ cho tiền lẻ là lại rủ nhau mua ăn.

 

Chị Kiều Thị Hoa ở xã Hoài Thượng cho rằng, thỉnh thoảng cũng cho con cái vài nghìn lẻ để ăn sáng hoặc ăn kem hay bim bim, nhưng không kiểm soát được trẻ mua quà gì. Theo chị Hoa, cuộc sống bây giờ cũng không còn khó khăn như trước nên có nhiều ông bố bà mẹ chẳng tiếc mấy nghìn tiền lẻ cho con đi ăn quà vặt. Hơn nữa, các món quà ấy lại bán tràn lan và dễ mua. Có khi bày bán ở vỉa vè, ở các quán nước ven đường, hoặc bán dong tại các công trường nên nhiều khi trẻ mua cũng không kiểm soát hết được.

 

Tại tỉnh Bắc Giang, nhiều trường tiểu học và THPT ở các huyện, hầu như cổng trường nào cũng có các quầy tạp hoá bày bán các quà vặt cho trẻ em xuất xứ từ Trung Quốc. Trẻ có thể dễ dàng mua những sản phẩm quà vặt với đa dạng các loại sản phẩm, mẫu mã rất phong phú và mầu sắc bắt mắt. Ngoài Bắc Giang, tại Lạng Sơn, Quảng Ninh, Cao Bằng… cũng thấy có bán các sản phẩm tương tự. Trên địa bàn huyện Lập Thạch, Vĩnh Phúc và huyện Na Hang, Tuyên Quang, đội quản lý thị trường các tỉnh cũng thấy rất nhiều quán tạp hóa và quán nước trước cổng trường có bán các loại bánh kẹo có giá 1.000- 2.000 đồng. Que cay là sản phẩm được nhiều trẻ nhỏ yêu thích có giá 2.000 đồng/gói với nhiều màu sắc khác nhau hay ô mai, bim bim cũng có giá từ 500 - 2.000 đồng với đầy đủ chủng loại, kiểu dáng và màu sắc. Ngoài ra, còn một loại bánh được người bán giới thiệu là “bánh rán”, nếu mua cả gói to là 30.000 đồng còn mua lẻ là 500 đồng/chiếc.

 

Khi được hỏi nguồn hàng lấy được từ đâu, bà Trần Thị Lợi – chủ quầy tạp hóa xóm chợ Giữa, thôn Đại Mão cho biết, các đại lý vẫn mang đến tận nơi giao với giá buôn, không đi lấy trực tiếp nên chẳng biết nguồn gốc hàng xuất phát từ đâu. Theo bà Lợi, bà bán hàng ở chợ đã hơn 10 năm nay, nhưng chỉ khoảng 2 năm gần đây có xuất hiện các quà vặt như vậy mà trẻ em rất thích ăn. Tuy chưa thấy trường hợp nào trẻ ăn vào có các dấu hiệu xấu nhưng quả thật bản thân bà cũng không thích bán các sản phẩm không nhãn mác đầy đủ, màu sắc lòe loẹt như vậy.

 

Tiềm ẩn nguy cơ không an toàn cho trẻ

 

 Kết quả xét nghiệm của Viện Kiểm nghiệm ATVSTP quốc gia về các thực phẩm theo phản ánh nói trên cho thấy, chưa phát hiện được cụ thể những sản phẩm ấy được làm bằng các chất gì, trong những thực phẩm ấy gồm thành phần gì. Qua các chỉ tiêu xét nghiệm bao gồm định tính phẩm mầu kiềm; định tính cyclamat; hàm lượng các chất đường hoá học như aspartam, acesulfam K, saccarin và hàm lượng chất bảo quản natri benzonat... là những chất thường phát hiện ở một số sản phẩm thực phẩm vi phạm ATVSTP khi kiểm nghiệm hay vượt quá chỉ tiêu quy định. Tuy nhiên, kết quả kiểm nghiệm mẫu thực phẩm “thịt hổ”, “bim bim” xuất xứ Trung Quốc đều cho thấy không sử dụng các chất hoá học kể trên.

 

Đó là lời cảnh báo của các cơ quan chức năng về an toàn vệ sinh thực phẩm (ATVSTP), dinh dưỡng quốc gia và kiểm nghiệm thực phẩm quốc gia khi các mẫu quà vặt như nói trên được đưa ra kiểm tra, tham vấn ý kiến. Và theo Cục trưởng Cục ATVSTP, Bộ Y tế Nguyễn Công Khẩn, hàng hoá trôi nổi, nhất là những sản phẩm không rõ xuất xứ mà theo cảm quan đã thấy “mất an toàn” là một bài toán nhức nhối không thể giải quyết ngày một ngày hai. Hàng không rõ nguồn gốc, hàng “bẩn” là những mặt hàng giá rẻ, thu lợi lớn, nhất là thu lợi trên sự ngây thơ của trẻ con. Nhưng khi người dân sôi sục lên trong cơn sốt kiếm tiền, thu lợi nhuận thì họ sẽ bất chấp luật pháp, bất chấp lợi ích của người tiêu dùng để buôn gian, bán lận, nhập lậu. Hơn nữa, khi biên giới mở cửa, nhiều hàng hoá nhập lậu bị tuồn vào Việt Nam, theo nhiều kênh, thì rất khó kiểm soát để tiến tới xoá bỏ hàng hoá không rõ nguồn gốc. Để giải quyết vấn đề này, ông Nguyễn Công Khẩn cho rằng, cần giải quyết đồng bộ, tổng thể nhiều vấn đề về luật pháp, chính sách, về người thực thi luật pháp… thậm chí cả về thói quen ăn uống tùy tiện của người dân. Vì thế, trước khi tìm kiếm những giải pháp triệt để, Cục VSATTP chỉ có thể khuyến cáo, người dân không nên mua hàng hoá trôi nổi, giải thích cho con trẻ không mua những món quà không thể đọc được chữ như vậy.

 

Phản ánh thực trạng nói trên, Chi cục trưởng Chi Cục quản lý thị trường Bắc Giang Đào Nguyễn Sơn cho biết, kiểm tra kiểm soát các sản phẩm không rõ nguồn gốc xuất xứ trên địa bàn là công việc thường xuyên. Tuy nhiên, các sản phẩm ATVSTP như “thịt hổ” hay gói cay như vậy thì từ trước đến nay chưa có chỉ đạo và Chi cục cũng chưa có điều kiện tiến hành. Sau khi báo cáo cấp trên để có chỉ đạo kịp thời, Chi cục sẽ tiến hành xử lý các mặt hàng đó.

 

Chánh thanh tra Cục ATVSTP, Bộ Y tế Nguyễn Văn Nhiên khuyến cáo, về trực quan, không dễ dàng nhận biết được thực phẩm có an toàn hay không. Tuy nhiên, khi lựa chọn sản phẩm, cần hạn chế và thận trọng khi lựa chọn các thực phẩm có màu loè loẹt, thực phẩm có những dấu hiệu bất thường, thực phẩm đã chế biến có mùi lạ, nhìn bên ngoài có dấu hiệu nấm mốc, ngửi có mùi ôi thiu. Còn Viện trưởng Viện Công nghiệp thực phẩm, Bộ Công thương Lê Đức Mạnh cho rằng, nếu quan sát bằng mắt thường, trên các sản phẩm này không có xuất xứ, ngày tháng sản phẩm… không chắc được sản phẩm có bảo đảm an toàn hay không thì người tiêu dùng không nên sử dụng. Muốn biết được sản phẩm này có đảm bảo ATVSTP hay không cần có phương tiện để xét nghiệm, thậm chí cả phương tiện hiện đại mới xác định được.

 

 

 

Nguyễn Nam/Báo điện tử ĐBND

Tệp đính kèm