Chỉ còn ít ngày nữa là tới rằm Trung thu, thị trường đồ chơi cho trẻ em đang rất sôi động, nhưng có thể thấy năm nay đồ chơi sản xuất trong nước vẫn chịu thua thiệt về số lượng, mẫu mã và chủng loại so với đồ chơi ngoại nhập.
Tràn lan đồ chơi ngoại nhập
Dạo qua một vòng các cửa hàng bán đồ chơi trên các tuyến phố Hàng Mã, Hàng Lược, Lương Văn Can những ngày này đâu đâu cũng bắt gặp rực rỡ những sắc màu của đồ chơi trung thu cho trẻ em. Thế nhưng, điều dễ nhận ra đó là chủ yếu những mặt hàng đồ chơi này có xuất xứ từ nước ngoài, phần lớn là đồ chơi do Trung Quốc sản xuất. Hầu hết các cửa hàng đều bày bán những loại đồ chơi như bộ cánh thiên thần, bộ đồ nấu ăn, thậm chí là cả các loại đồ chơi mang tính bạo lực như súng, dao, kiếm… Giá thành của những loại đồ chơi này trung bình 40.000 – 60.000 đồng/sản phẩm, tăng khoảng 15 - 20% so với năm ngoái. Cao cấp hơn, người tiêu dùng có thể hướng tới những mặt hàng như đồ chơi xếp hình Lego với xuất xứ Đan Mạch, giá khoảng 350.000 – 400.000 đồng.
Một thực tế đáng buồn đó là đồ chơi ngoại nhập chiếm thị phần tới hơn 90%, trong đó chủ yếu là các loại đồ chơi có xuất xứ Trung Quốc. Anh Tuấn Mạnh, chủ một cửa hàng đồ chơi trên phố Lương Văn Can cho biết, các bậc phụ huynh thường mua cho con em mình những loại đồ chơi của Trung Quốc vì chúng rất bắt mắt, sử dụng pin, đèn nhấp nháy…rất cuốn hút trẻ em. Bên cạnh đó, các loại đồ chơi này không những có hình thức phong phú, mà giá thành cũng vừa phải, hợp với túi tiền của đa số người tiêu dùng.
Hẩm hiu đồ chơi truyền thống
Khác với cảnh tấp nập mua bán tại các sạp hàng đồ chơi ngoại nhập, những đồ chơi dân gian truyền thống và các mặt hàng đồ chơi khác được sản xuất trong nước chỉ có lèo tèo, thưa thớt vài lượt khách. Dễ dàng nhận thấy là những mặt hàng như trống con, đèn ông sao, đầu lân, mặt nạ ông địa… Những đồ chơi truyền thống này từ lâu đã quen thuộc với mọi tầng lớp người dân Việt Nam, nhưng tâm lý người tiêu dùng ưa thích những món đồ mới lạ, hấp dẫn, trong khi đó những mặt hàng đồ chơi truyền thống mẫu mã không đa dạng, và quan trọng là chưa có tính hấp dẫn đặc biệt với trẻ em. Bên cạnh đó, số lượng đồ chơi truyền thống năm nay cũng khá khiêm tốn, dạo qua một loạt cửa hàng, sạp hàng đồ chơi cũng không tìm thấy góc nhỏ nào của tò he, tìm mỏi mắt mới thấy được nơi bán đèn kéo quân…
Anh Lê Văn Hưng (phố Tây Sơn – Đống Đa) cho biết, trước thông tin hàng trăm mẫu đồ chơi Trung Quốc bị nhiễm độc, gây hại tới sức khỏe nên muốn lựa chọn đồ chơi trong nước, thế nhưng muốn tìm kiếm mặt hàng đồ chơi Việt Nam cho trẻ em rất khó, hầu hết các cửa hàng đều bày bán đồ chơi Trung Quốc.
Cơ hội nào cho đồ chơi Việt?
Đa số mọi người cho rằng không nên để đồ chơi ngoại nhập lấn át đồ chơi trong nước. Nhưng trong nền kinh tế thị trường thì sản phẩm tốt, giá thành rẻ, hợp với thị hiếu người tiêu dùng sẽ tồn tại, phát triển. Ngược lại, nếu sản phẩm với mẫu mã không cải tiến, không theo kịp được yêu cầu của thị trường sẽ bị đào thải.
Vừa qua, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội đã có văn bản đề nghị các địa phương tạo điều kiện kinh phí để tất cả trẻ em được đón Tết Trung thu. Trong đó đề nghị các địa phương, các đoàn thể không tặng đồ chơi nhập khẩu và khuyến khích trẻ em chơi các đồ chơi tự tạo, đồ chơi sản xuất trong nước. Việc tổ chức các hoạt động vui chơi, giải trí cho trẻ em có thể thông qua các hình thức như: Thi cắm trại, thi làm đèn ông sao, thi các trò chơi dân gian… Những đề nghị này nếu được thực hiện tốt sẽ tạo ra cơ hội cho đồ chơi nội, đồng thời tạo điều kiện cho trẻ em được vui Tết Trung thu với những nét văn hóa mang đậm bản sắc dân tộc./.
Theo Tuấn Anh (CTV)/Báo điện tử ĐCSVN