Đó là khẳng định của Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Diệp Kỉnh Tần tại cuộc họp Ban chỉ đạo Quốc gia phòng chống dịch cúm gia cầm diễn ra ngày 13/9, tại Hà Nội.
Thứ trưởng Diệp Kỉnh Tần nhấn mạnh: Hiện nay, hiện tượng tái đàn ở các địa phương là rất lớn để chuẩn bị cho thị trường Tết nhưng chúng ta tái đàn trong điều kiện không có vắc xin nên rất phức tạp. Vì thế ngoài việc tăng cường tuyên truyền cho các hộ chăn nuôi thì Cục Thú y, Cục Chăn nuôi cần phối hợp các địa phương để tăng cường giám sát, phân công cán bộ theo dõi từng địa bàn, ... không để dịch tái phát, đặc biệt các địa bàn có nguy cơ cao phải phát hiện sớm, xử lý kịp thời, triệt để khi xảy ra dịch. Chính sách mới của Chính phủ hỗ trợ khi xảy ra dịch bệnh phải tiêu hủy là hỗ trợ cho cả người có vật nuôi bị tiêu hủy và người thực hiện việc tiêu hủy vật nuôi.
Thứ trưởng Diệp Kỉnh Tần cho biết, dịch bệnh gia súc gia cầm cơ bản được khống chế, không nghiêm trọng nhưng tiềm ẩn rất nhiều nguy cơ bùng phát dịch. Đặc biệt diễn biến thời tiết bất thường làm giảm sức đề kháng của đàn gia cầm, nhiều đàn gia cầm đã hết miễn dịch. Vi rút cúm lưu hành khu vực miền Bắc, miền Trung và Tây Nguyên đã có biến đổi và vẫn chưa có vắc xin phù hợp. Bên cạnh đó, việc nhập lậu gia cầm vào trong nước tiêu thụ làm nguy cơ dịch tiếp tục xuất hiện và bùng phát. Thời gian vừa qua, do khống chế được dịch bệnh nên giá sản phẩm gia súc gia cầm được bình ổn. Nếu dịch bệnh bùng phát trở lại thì sản phẩm không thiếu nhưng người dân không dám ăn kéo theo sự leo thang về giá cho các mặt hàng thay thế. Vì vậy, các tỉnh cần đặc biệt quan tâm tới công tác phòng chống dịch bệnh.
Ông Hoàng Văn Năm, Cục trưởng Cục Thú y cho biết: Tính đến thời điểm hiện nay, dịch cúm gia cầm chỉ còn xuất hiện tại 3 tỉnh là Quảng Trị, Quảng Ngãi và Thái Bình; dịch tai xanh cũng chỉ còn xuất hiện tại Nghệ An. Để tiếp tục khống chế dịch, Cục Thú y đã yêu cầu các tỉnh phải chú trọng công tác phòng chống dịch, tổ chức thực hiện các biện pháp đồng bộ trong phòng chống dịch như: khuyến cáo áp dụng chăn nuôi an toàn sinh học, thường xuyên vệ sinh, tiêu độc khử trùng khu chăn nuôi, điểm giết mổ, chợ buôn bán gia súc gia cầm, kiểm soát việc vận chuyển, công khai chính sách hỗ trợ khi có dịch, tuyên truyền để người dân có ý thức khai báo khi xuất hiện dịch.../.
Theo Báo điện tử ĐCSVN