Cập nhật: 24/09/2011 10:54:04 Article Rating
Xem cỡ chữ

Thấm nhuần quan điểm chỉ đạo, xây dựng nông thôn mới là phong trào quần chúng rộng lớn, phát huy đầy đủ quyền làm chủ của nhân dân, có sự tham gia tích cực, chủ động của mỗi người dân, của từng cộng đồng dân cư, của các tổ chức chính trị và xã hội để thực hiện tốt 19 tiêu chí của chương trình đặt ra.

Ngay sau khi Thủ tướng Chính phủ ban hành quyết định phê duyệt chương trình, nhiều tỉnh, thành phố trong cả nước đã đưa vào Nghị quyết Ðại hội Ðảng bộ các cấp, chọn điểm triển khai thực hiện. Quá trình thực hiện cấp ủy, chính quyền cơ sở đã thực hiện lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh: "Dân vận khéo thì việc gì cũng thành công".

 

Thái Bình là một tỉnh thuần nông, đất chật, người đông. Do vậy, tỉnh xác định công tác quy hoạch là khâu quan trọng nhất bảo đảm cho nông nghiệp, nông thôn phát triển theo hướng hiện đại, bền vững. Trên cơ sở quy hoạch chung ưu tiên quy hoạch, đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng phục vụ sản xuất, trước tiên là tổ chức lại ruộng đồng, thực hiện dồn điền, đổi thửa, làm đường giao thông nội đồng, xây dựng hệ thống kênh mương... Quá trình xây dựng, thực hiện quy hoạch, Ban Chỉ đạo xây dựng nông thôn mới của tỉnh đã phối hợp đơn vị tư vấn tổ chức để nhân dân được bàn bạc dân chủ, đóng góp ý kiến tạo sự thống nhất cao. Do vậy, sau hai năm, cán bộ, đảng viên, nhân dân trong toàn tỉnh đã có sự chuyển biến về nhận thức về chủ trương xây dựng nông thôn mới là tất yếu, từ đó đồng thuận với cách làm của Ban chỉ đạo tỉnh.

 

Thông qua việc bàn bạc dân chủ, thực hiện phương châm: Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, cán bộ ở cơ sở thực hiện tác phong dân vận: Gần dân, trọng dân, nghe dân nói, nói dân hiểu, làm dân tin nên nhiều việc tưởng khó khăn trong quá trình thực hiện đã sớm được tháo gỡ, giải quyết thành công. Ở xã Quỳnh Minh, huyện Quỳnh Phụ, tỉnh Thái Bình, nhờ vận động nông dân dồn điền, đổi thửa mà có thêm được diện tích canh tác chia cho gần một nghìn nhân khẩu mới phát sinh. Mỗi hộ được chia 250 m2 đất sản xuất. Ba làng: Trung Dương, Ðồi Thai, Ðồi Xương của huyện Bá Thước, tỉnh Thanh Hóa trước đây có gần 2.000 ha đất canh tác, nhưng không biết áp dụng khoa học kỹ thuật nên thu nhập rất thấp, 90% số dân là hộ nghèo. Nhưng qua phong trào thi đua "Dân vận khéo", Trung tâm khuyến nông huyện và tỉnh đã vận động giúp đỡ nhân dân thoát nghèo bằng cách giúp dân chuyển đổi hình thức canh tác, từ trồng lúa, màu sang trồng mía xen đậu tương, lạc, giá trị thu hoạch sản phẩm cao hơn hẳn. Một ha thu hoạch hơn 50 triệu đồng, đến nay cả ba làng đều đã ra khỏi diện nghèo. Ở xã Hưng Tân, huyện Hưng Nguyên, tỉnh Nghệ An, qua vận động "khéo", nhân dân đã hiến đất làm con đường chính của xã rộng 13m, một trong những đường giao thông đẹp nhất của tỉnh. Xã còn lắp đặt được "nhà máy" cấp nước sạch cho nhân dân dùng. Hay như ở xã Tân Lập, huyện Ðồng Phú, tỉnh Bình Phước là một trong 11 xã điểm của cả nước thực hiện thí điểm mô hình nông thôn mới. Cùng với việc khảo sát, xây dựng đề án ngay từ đầu Ban chỉ đạo đã tổ chức họp lấy ý kiến bàn bạc dân chủ của dân nên tập trung ưu tiên đầu tư hạng mục xây dựng nào trước, dựa trên ý kiến của dân các công trình phúc lợi liên quan thiết thực đến cuộc sống hằng ngày như: nhà trường, trạm y tế, đường điện đã được khởi công và hoàn thiện để dân được hưởng lợi...

 

Từ việc khảo sát thực tiễn, nhận thấy vai trò và tầm quan trọng của công tác dân vận trong việc xây dựng nông thôn mới, ngày 6-5-2011, Ban Dân vận Trung ương đã ban hành văn bản hướng dẫn những nội dung cơ bản về công tác dân vận tham gia thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2010 - 2020, tập trung vào những nội dung quan trọng chính là:

 

Hệ thống dân vận các cấp phối hợp các cơ quan liên quan tham mưu cho cấp ủy chỉ đạo việc tổ chức quán triệt học tập ở các cấp, các ngành; phân công cán bộ trực tiếp vận động, hướng dẫn nhân dân triển khai thực hiện.

 

Tổ chức cho nhân dân tham gia ý kiến vào việc xây dựng đề án của chương trình, tham gia ý kiến vào việc xây dựng cơ chế, chính sách cụ thể của địa phương, cơ chế huy động đóng góp tham gia của nhân dân. Xây dựng quy trình, hướng dẫn để nhân dân thực hiện quyền giám sát đối với các dự án, các nguồn vốn đầu tư; tranh thủ ý kiến, kinh nghiệm của nhân dân đối với các công việc cụ thể trong quá trình triển khai, tổ chức thực hiện chương trình để tăng hiệu quả, chất lượng, tránh lãng phí trong việc sử dụng các nguồn lực, các nguồn vốn của chương trình. Phát động nhân dân tham gia đấu tranh với những biểu hiện tham nhũng, tiêu cực, lãng phí, tư tưởng cực đoan, lợi dụng dân chủ, khiếu kiện, gây rối, cản trở việc tổ chức thực hiện Chương trình.

 

Phối hợp các cơ quan chức năng, nghiên cứu, kiến nghị, đề xuất với cấp ủy, chính quyền ban hành các cơ chế, chính sách nhằm ưu tiên, hỗ trợ, khuyến khích, động viên tích cực tham gia thực hiện Chương trình. Quan tâm việc đề ra các cơ chế, chính sách ưu tiên, hỗ trợ, động viên nhân dân đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế, phát triển kinh tế hộ, phát triển doanh nghiệp, mở rộng ngành nghề, tạo thêm việc làm. Tập trung cải tạo vườn tạp, phát triển kinh tế vườn; chỉnh trang nhà cửa, các công trình vệ sinh; đẩy mạnh phát triển chăn nuôi, thủy sản; phát động các phong trào xây dựng nếp sống văn minh, loại bỏ các tập tục lạc hậu, các tệ nạn xã hội... làm cho nhân dân được hưởng lợi trực tiếp từ Chương trình.

 

Phối hợp các tổ chức trong hệ thống chính trị tích cực vận động, tranh thủ sự đồng tình, giúp đỡ, tham gia của các tổ chức xã hội, tổ chức kinh tế, tổ chức quốc tế; phát huy các nguồn lực, các nguồn vốn đầu tư cho Chương trình; đồng thời chủ đạo, sử dụng các nguồn lực tiết kiệm có hiệu quả. Kết hợp với Cuộc vận động "Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh", phong trào "Dân vận khéo" và việc xây dựng thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở, thường xuyên sơ kết, tổng kết, phổ biến kinh nghiệm, biểu dương, khen thưởng những địa phương, tổ chức, cá nhân điển hình, làm tốt; đồng thời phê phán những nơi làm chưa tốt.

 

Tham mưu cho cấp ủy chỉ đạo mặt trận, các đoàn thể nhân dân, các tổ chức xã hội phân công cán bộ, đảm nhận việc hướng dẫn, tổ chức, giúp đỡ cho đoàn viên, hội viên đi đầu trong tổ chức thực hiện.

 

Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2010 - 2020 có quy mô lớn, thời gian thực hiện lâu dài, do đó, Ban Dân vận các cấp phải thường xuyên phối hợp các cơ quan chức năng, giúp cấp ủy theo dõi, đôn đốc, kiểm tra, nghiên cứu, sơ kết, tổng kết, rút kinh nghiệm và đề xuất khen thưởng kịp thời những điển hình, tập thể làm tốt. Ðồng thời, Ban Dân vận các cấp tập hợp ý kiến, kiến nghị và những sáng kiến, kinh nghiệm của nhân dân; kịp thời phản ánh, kiến nghị với cấp ủy, chính quyền trong lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện.

 

 

 

Theo QUANG NGUYỄN/Nhandan Online

Tệp đính kèm