Liên kết công - tư đang trở thành xu hướng mới trong sản xuất nông nghiệp tại nước ta, tiến tới chuyên nghiệp hoá lĩnh vực nông nghiệp.
TS. Đặng Kim Sơn, Viện trưởng Viện Chính sách và Chiến lược Phát triển Nông nghiệp Nông thôn (Bộ NN&PTNT) cho biết, lâu nay ngành nông nghiệp Việt Nam đứng trước một nghịch lý là xuất khẩu năm sau cao hơn năm trước, giúp Việt Nam đảm bảo an ninh lương thực khi sản lượng lúa từ 445 kg/người/năm lên trên 500 kg/người/năm sau 10 năm; giải quyết công ăn việc làm cho 50% lao động xã hội, đóp góp vào GDP của cả nước 20% mỗi năm. Trong khi đó, tỷ lệ vốn đầu tư vào ngành nông nghiệp liên tục giảm qua các năm. Nếu tình trạng này kéo dài sẽ gây bất ổn cho ngành nông nghiệp.
Trong 10 năm qua, tỷ lệ vốn đầu tư nước ngoài (FDI) cho nông nghiệp đã giảm từ 8% (trong năm 2001) xuống còn dưới 1% tổng nguồn vốn mà Việt Nam thu hút hằng năm. Và nếu so sánh với những giá trị đóng góp của ngành nông nghiệp trong những năm qua, thì đây là một con số đáng báo động. Nguyên nhân chủ yếu do cơ sở hạ tầng kỹ thuật chưa phát triển, nên ngành nông nghiệp nước ta chưa thu hút được vốn của các nhà đầu tư trong nước lẫn quốc tế.
Theo đánh giá của Ngân hàng Thế giới (WB), Việt Nam từ một nước nghèo đói đã trở thành nước xuất khẩu các sản phẩm nông sản như lúa gạo, cà phê, chè, hồ tiêu, hạt điều hàng đầu thế giới, tuy nhiên giá trị thu về chưa cao và đến lúc ngành nông nghiệp Việt Nam cần thay đổi cách làm để thu hút nhiều hơn nữa các nhà đầu tư nước ngoài và các doanh nghiệp tư nhân trong nước.
Trong khi chờ đợi sự chuyển đổi để thu hút FDI, theo các chuyên gia kinh tế, liên kết công - tư đang trở thành xu hướng mới trong sản xuất nông nghiệp tại nước ta, minh chứng bằng các mô hình cánh đồng mẫu lớn tại An Giang, vùng cà phê của Tập đoàn Thái Hòa…
Theo TS. Đặng Kim Sơn, xu hướng liên kết công - tư là tất yếu, để chuyên nghiệp hoá ngành nông nghiệp của mọi quốc gia. Theo đó, để hình thành mối liên kết giữa nông dân và doanh nghiệp thì doanh nghiệp cần được "trao quyền" nhiều hơn. Trong bối cảnh hiện nay, không chỉ các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp, mà cả các tập đoàn đa quốc gia hoạt động trong nhiều lĩnh vực, cũng tính toán đến việc đầu tư vào nông nghiệp. Bởi tất cả các dự báo đều cho rằng, trong vòng 10 năm tới giá lương thực, thực phẩm sẽ luôn ở mức cao và lĩnh vực sản xuất, chế biến nông sản sẽ trở thành một trong những lĩnh vực mang lại nguồn lợi nhuận khổng lồ, bền vững.
Trong khi đó, sự thiếu hụt về nguyên liệu khiến nhiều tập đoàn đa quốc gia sẵn sàng bỏ tiền thuê đất trồng lúa, trồng khoai mì, trồng cao su ở những nơi xa xôi. Trong bối cảnh đó, việc chuyển hướng quản lý theo cách đẩy mạnh liên kết công- tư sẽ giúp nền nông nghiệp tiến nhanh hơn theo hướng chuyên nghiệp hoá.
Theo phân tích của chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan, việc đầu tiên Việt Nam cần điều chỉnh để thực hiện tốt việc liên kết công-tư là Nhà nước cần rút dần vai trò làm chủ đầu tư của mình. Thực tế nhiều năm nay cho thấy, các cơ quan Nhà nước thường tự mình thực hiện từ việc hoạch định, thiết kế chính sách, đưa ra các ưu đãi về pháp luật, đến tổ chức thực hiện và làm chủ đầu tư. Vì vậy, các dự án thường rơi vào tình trạng đầu tư dàn trải, thiếu vốn, thiếu nhân lực và hiệu quả không cao.
Mặt khác, việc làm này cũng khiến cho các doanh nghiệp tư nhân ngại dấn thân, bởi họ không thể nào cạnh tranh lại với những đơn vị nắm trong tay “quyền sinh quyền sát”. “Nếu rút bớt vai trò hoạch định và áp chế các quy định trong ngành nông nghiệp, đồng thời tăng cường điều tiết, kiểm soát và hỗ trợ liên kết nông dân - thương mại nông sản, thì trong thời gian tới sẽ có nhiều doanh nghiệp nước ngoài và trong nước đẩy mạnh nguồn vốn đầu tư vào nông nghiệp”, bà Phạm Chi Lan nói.
Ông Steve Jaffee, chuyên gia của WB cũng gợi ý: “Để ngành nông nghiệp Việt Nam phát triển theo hướng gia tăng giá trị, thì liên kết công tư phải trở thành một chương trình nghị sự cốt lõi xuyên suốt trong tất cả các chiến lược phát triển nông nghiệp của Việt Nam”./.
Theo vovnews.vn