Được sự quan tâm của Đảng và Nhà nước, cùng với sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, năng lực của hệ thống chăm sóc sức khoẻ nhân dân nói chung và chăm sóc sức khoẻ sinh sản (CSSKSS) nói riêng từ trung ương đến thôn, bản ngày càng được nâng lên, góp phần thu hẹp khoảng cách về tình trạng SKSS giữa các vùng miền.
Vẫn còn khoảng cách vùng miền về CSSKSS
Với quan điểm nhân văn của Đảng và Nhà nước ta là ưu tiên đầu tư cho cơ sở, vùng nghèo, vùng khó khăn, vùng sâu, vùng xa, đến nay 98,6% xã, phường trên toàn quốc có trạm y tế, 93,0% trạm y tế xã, phường có nữ hộ sinh hoặc y sĩ sản nhi, 84,4% thôn, bản có nhân viên y tế cộng đồng, 100% thôn, bản, tổ dân phố có cộng tác viên dân số. Ở nhiều vùng miền núi, vùng đông đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống được triển khai các loại hình đào tạo “cô đỡ thôn, bản” hoặc đào tạo cán bộ y tế thôn bản biết về quản lý thai nghén và đỡ đẻ sạch, đẻ an toàn… Nhờ vậy, các chỉ số về sức khoẻ sinh sản cho cả nước nói chung, cho đồng bào vùng sâu, vùng xa thuộc 3 khu vực Đông Bắc, Tây Bắc và Tây Nguyên ngày càng được cải thiện, góp phần thu hẹp khoảng cách về tình trạng sức khoẻ sinh sản giữa các vùng miền (Báo cáo của Trung tâm nghiên cứu dân số và sức khỏe nông thôn, Bộ Y tế).
Tuy nhiên, đến nay vẫn còn có khoảng cách khá lớn về tình trạng sức khoẻ sinh sản ở giữa các vùng, miền ở nước ta. Sức khoẻ của trẻ em ở nông thôn, miền núi, Tây Nguyên còn chậm được cải thiện. Năm 2009, tỷ lệ suy dinh dưỡng trẻ em dưới 5 tuổi (cân nặng/tuổi) toàn quốc là 18,9%, Thành phố Hồ Chí Minh – 5,3%, Đà Nẵng – 9,9%, Hà Nội – 12,6%, trong khi đó các tỉnh Hà Giang, Lào Cai, Bắc Cạn, Lai Châu, Đắk Lắc, Đắk Nông, Kon Tum còn trên 25%. Tỷ suất trẻ em tử vong dưới 1 tuổi ở toàn quốc là 16‰; thành thị là 9,4‰, nông thôn – 18,7‰, Tây Nguyên – 27,3‰, Trung du và miền núi phía Bắc – 24,5‰.
Khả năng tiếp cận các dịch vụ CSSKSS và tình trạng sức khoẻ sinh sản của phụ nữ ở nông thôn, miền núi, Tây Nguyên còn nhiều hạn chế. Tình trạng đẻ tại nhà, đẻ không có cán bộ được đào tạo giúp đỡ còn tồn tại ở một số nơi thuộc vùng đồng bào dân tộc, tỷ lệ thăm khám bà mẹ và trẻ sơ sinh sau đẻ còn thấp. Trung bình, tỉ lệ phụ nữ sinh đẻ do cán bộ được đào tạo hỗ trợ, chăm sóc trên cả nước đạt 94,8%; trong khi đó, 20% số bà mẹ ở các tỉnh miền núi Tây Bắc khi đẻ chưa được cán bộ y tế hỗ trợ, chăm sóc. Tỷ suất tử vong mẹ ở các tỉnh miền núi và Tây Nguyên năm 2009 còn cao gấp 3 lần so với các tỉnh đồng bằng (Toàn quốc tỷ số tử vong mẹ năm 2010 - 68,3/100.000 trẻ đẻ ra sống; Cao Bằng năm 2009 tới 411/100.000; Điện Biên năm 2010 - 249/100.000).
Nguyên nhân của sự chênh lệch này có nhiều, song có thể kể một số nguyên nhân chính như: Đời sống kinh tế của các vùng miền núi, vùng sâu, vùng xa nhìn chung còn thấp kém so với toàn quốc và các khu vực đồng bằng; Giao thông khó khăn, nên việc tiếp cận các dịch vụ y tế còn nhiều hạn chế; Nhận thức của hầu hết đồng bào dân tộc thiểu số ở vùng sâu, vùng xa còn thấp, nhiều phong tục tập quán lạc hậu (đẻ ở rừng, không cho người ngoài đỡ đẻ, chữa bệnh bằng thầy mo, thầy cúng…) còn thịnh hành; Cấp ủy, chính quyền ở một số địa phương, nhất là ở cơ sở còn chưa quan tâm đúng mức tới công tác chăm sóc sức khoẻ nhân dân nói chung và công tác chăm sóc sức khoẻ sinh sản nói riêng ở địa phương. Bên cạnh đó, chính sách của Nhà nước chưa thực sự hấp dẫn, chưa đủ mạnh, chưa đòi hỏi để cán bộ về công tác tại vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn, do vậy đội ngũ cán bộ y tế ở vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn còn thiếu về số lượng, yếu về chất lượng, ít được cải thiện về trình độ chuyên môn, còn thụ động, chủ yếu trông chờ vào sự hỗ trợ từ tuyến trên; đầu tư của Nhà nước còn hạn chế, do vậy điều kiện làm việc, cơ sở vật chất, trang thiết bị, thuốc men ở một số vùng sâu, vùng xa còn khó khăn và thiếu.
Cần những giải pháp khả thi
Nhằm góp phần thu hẹp khoảng cách hưởng thụ CSSKSS và tình trạng sức khoẻ sinh sản giữa các vùng, miền, trong thời gian tới đòi hỏi phải triển khai đồng bộ và quyết liệt nhiều giải pháp, huy động sự tham gia phối hợp triển khai thực hiện của tất cả các cấp, các ngành dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp uỷ, chính quyền các cấp. Hiện nay, ngành y tế đã và đang triển khai một số nhóm giải pháp sau:
Nhóm giải pháp quyết định : Tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo cấp uỷ Đảng và chính quyền các cấp. Kinh nghiệm cho thấy, cùng có điều kiện phát triển kinh tế - xã hội như nhau, nơi nào có sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của cấp uỷ, chính quyền đối với công tác chăm sóc sức khoẻ nhân dân nói chung và công tác CSSKSS nói riêng, thì nơi đó sức khoẻ của người dân được cải thiện tốt hơn; Củng cố và kiện toàn bộ máy làm công tác CSSKSS ở tuyến cơ sở, đặc biệt là những vùng khó khăn, vùng miền núi và vùng đông đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống; Bảo đảm có đủ cán bộ y tế có kiến thức và kỹ năng về CSSKSS, có đủ trang thiết bị y tế và thuốc thiết yếu. Nhà nước cần nghiên cứu có chính sách đủ mạnh để sinh viên ra trường, hoặc cán bộ y tế đến công tác ở những vùng này, đồng thời tăng cường đào tạo cán bộ y tế theo địa chỉ.
Nhóm giải pháp cơ bản : Đẩy mạnh, cải tiến và nâng cao hiệu quả công tác thông tin, giáo dục, truyền thông, vận động nhằm nâng cao nhận thức, chuyển đổi hành vi có lợi cho sức khoẻ sinh sản đối với cán bộ, đảng viên, những người có uy tín trong cộng đồng và mọi người dân; Mở rộng và phát triển các dịch vụ CSSKSS từ quản lý thai nghén, khi sinh, sau sinh, bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em đến cung cấp các dịch vụ sàng lọc trước sinh, sơ sinh và tư vấn tiền hôn nhân…; Đẩy mạnh xã hội hóa công tác CSSKSS. Những nơi dân sống thưa, chưa đủ cán bộ y tế, có thể sử dụng đội ngũ bà mụ ở cộng đồng sau khi đã được trang bị những kiến thức, kỹ năng cơ bản về CSSKSS. Tăng cường đầu tư và hướng dẫn người dân, đặc biệt là phụ nữ sử dụng tốt gói đẻ sạch.
Nhóm giải pháp điều kiện : Nhà nước nghiên cứu có chiến lược tổng thể, phù hợp và hiệu quả, xây dựng các đề án đặc thù nhằm tạo điều kiện cho các huyện, xã, thôn, bản ở các vùng trên thoát khỏi đói nghèo, xây dựng và nâng cấp hệ thống điện - đường – trường – trạm; Nghiên cứu thí điểm phương án “ly hương bất ly nương” ở những vùng người dân sống quá thưa, nhằm có điều kiện và triển khai có hiệu quả đầu tư của Nhà nước; Các bộ, ngành Trung ương cần ưu tiên những đề án, chương trình đặc thù cho miền núi, vùng nhiều khó khăn nhằm phát triển kinh tế - xã hội và cải thiện tình trạng sức khoẻ sinh sản cho nhân dân ở những vùng này.
Theo Lan Anh (CTV)Báo điện tử ĐCSVN