Cập nhật: 24/11/2011 15:27:26 Article Rating
Xem cỡ chữ

Mùa đông năm nay, ở đồng bằng và trung du Bắc Bộ sẽ xảy ra khoảng 4 – 5 đợt rét đậm, rét hại, các đợt rét này đến muộn hơn so với mọi năm và không kéo dài.

Trao đổi với báo chí bên lề Hội thảo Phối hợp đưa tin dự báo khí tượng thuỷ văn trên các phương tiện thông tin đại chúng tổ chức ngày 23/11, Phó giám đốc Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn  (KTTV) Trung ương Lê Thanh Hải cho biết, đợt rét đậm đầu tiên (nhiệt động trung bình ngày xuống dưới 15 độ C) của vụ Đông Xuân 2011 – 2012 tại các tỉnh Bắc Bộ có khả năng xuất hiện muộn hơn so với trung bình trung nhiều năm (thường là 26/12). Các đợt rét đậm, rét hại sẽ không kéo dài như một số năm trước và có khoảng 4-5 đợt xảy ra vào tháng 1 và 2 năm 2011.

 

Từ nay đến hết năm 2011, bão và áp thấp nhiệt đới vẫn còn khả năng xuất hiện và hoạt động trên khu vực Biển Đông và có khả năng ảnh hưởng trực tiếp tới Việt Nam còn khoảng 1-2 cơn, ảnh hưởng chủ yếu tới Trung Bộ.

Liên quan đến thông tin của Tổ chức Khí tượng thế giới cho rằng hiện tượng La Nina đã xuất hiện trở lại, năm 2011-2012 ở mức ôn hòa có thể liên quan đến nạn lụt và hạn hán dữ dội ở nhiều khu vực của thế giới, ông Lê Thanh Hải cho biết Việt Nam không bị ảnh hưởng bởi hiện tượng này.

 

Các kết quả quan trắc cho thấy, tại Việt Nam, từ nay tới hết mùa đông (tháng 2-3 năm 2012), khí hậu ở trạng thái  trung tính (không El Nino, không La Nina). Hơn thế, El Nino, La Nina là hiện tượng có tính chất toàn cầu, từ khi quan sát được đến lúc biểu hiện đều có độ trễ từ 3-6 tháng. Vì vậy, nếu lúc này có La Nina thì tác động của nó cũng phải mất vài tháng nữa mới rõ rệt.

 

Về tình hình thuỷ văn, Trung tâm Dự báo KTTV Trung ương dự báo, trong các tháng chính của vụ Đông Xuân 2011-2012 là mùa khô ở các tỉnh Bắc Bộ, Tây nguyên và Nam Bộ, do vậy cần chủ động đối phó với tình trạng thiếu nước và khô hạn trên diện rộng tại khu vực này.

 

Trên sông Hồng tại Hà Nội, lưu lượng trung bình mùa cạn (11/2011 – 4/2012) ở mức 850-1.050m3/s (trung bình nhiều năm là 1.180m3/s). Mực nước thấp nhất tại Trạm thuỷ văn Hà Nội có khả năng ở mức 0,2m và xuất hiện vào tháng 1-2/2011.

 

Trong thời gian tới, Trung tâm dự báo KTTV Trung ương sẽ thực hiện một số giải pháp đổi mới công tác dự báo. Cụ thể, tại các thành phố lớn như Hà Nội, Đà Nẵng, Thành phố Hồ Chí Minh sẽ có dự báo thời tiết dài hơn, từ dự báo trong 3 ngày lên 10 ngày và cụ thể cho từng ngày chứ không chung chung nữa.

 

Dự báo bão lũ sẽ tăng công nghệ dự  báo, xác suất đổ bộ của cơn bão, ví dụ  vào vùng này 80%, vùng kia 70% để  dân cư khu vực đó chủ động đối phó hơn. Hình ảnh các cơn bão cũng sẽ được cung cấp đầy đủ, rõ nét.

 

 

Theo Thu Cúc/Chinhphu.vn

Tệp đính kèm