Từ tháng 12/2011, nhiều chính sách mới như: giáo viên mầm non hợp đồng được hưởng lương từ ngân sách; áp dụng biểu giá mới một số dịch vụ hàng không; phạt đến 20 triệu đồng hành vi đưa, nhận hối lộ trong khám chữa bệnh; gửi phát tán tin nhắn rác phạt đến 50 triệu đồng;… có hiệu lực thi hành.
Theo Quyết định 60/2011/QĐ-TTg quy định một số chính sách phát triển giáo dục mầm non giai đoạn 2011 - 2015 có hiệu lực thi hành từ ngày 15/12/2011, giáo viên (bao gồm cả hiệu trưởng, phó hiệu trưởng) làm việc theo chế độ hợp đồng lao động trong các cơ sở giáo dục mầm non công lập, dân lập được Nhà nước hỗ trợ ngân sách để các cơ sở giáo dục mầm non thực hiện trả lương theo thang bảng lương giáo viên mầm non; nâng lương theo định kỳ, được tham gia đóng, hưởng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm y tế và các chế độ chính sách khác như giáo viên có cùng trình độ đào tạo đang hợp đồng làm việc tại các cơ sở giáo dục mầm non công lập.
Giáo viên mầm non công tác tại các cơ sở giáo dục mầm non tư thục được Nhà nước hỗ trợ chi phí bồi dưỡng nâng cao trình độ lý luận chính trị và trình độ chuyên môn, nghiệp vụ.
Từ 1/12/2011, áp dụng biểu giá mới cho một số dịch vụ hàng không
Theo Quyết định 2604/QĐ-BTC của Bộ Tài chính có hiệu lực từ 1/12/2011, đối với các dịch vụ cung cấp cho chuyến bay quốc tế có giá trị hóa đơn thanh toán trên 50.000 USD đến dưới 100.000 USD sẽ được giảm giá 1,5% thay cho mức hiện hành là 3%; giá trị hóa đơn thanh toán trên 500.000 USD sẽ được giảm 5% thay cho mức 10% hiện nay...
Về giá phục vụ hành khách tại cảng hàng không được quy định như sau: Giá phục vụ hành khách đi chuyến bay quốc tế tại Cảng hàng không quốc tế Nội Bài sẽ là 16 USD thay mức 14 USD hiện hành, tại Cảng hàng không quốc tế Liên Khương là 14 USD, tại Cảng hàng không quốc tế Cần Thơ là 16 USD...
Phạt đến 20 triệu đồng hành vi đưa, nhận hối lộ trong khám bệnh, chữa bệnh
Theo Nghị định 96/2011/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính về khám bệnh, chữa bệnh có hiệu lực từ 15/12/2011, hành vi đưa, nhận, môi giới hối lộ trong khám bệnh, chữa bệnh những chưa đến mức bị truy cứu trách nhiệm hình sự sẽ bị phạt từ 15 – 20 triệu đồng.
Nghị định 91/2011/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính về bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em có hiệu lực từ 2/12/2011. Theo đó, tổ chức, cá nhân có hành vi từ chối khám bệnh, chữa bệnh cho trẻ em theo quy định hoặc trong trường hợp cấp cứu; thu tiền khám bệnh, chữa bệnh cho trẻ em duới 6 tuổi trái quy định… sẽ bị phạt tiền từ 5 – 10 triệu đồng, ngoài ra sẽ bị tước quyền sử dụng giấy phép, chứng chỉ hành nghề từ 3 – 6 tháng.
Theo Nghị định 93/2011/NĐ-CP quy định về xử phạt vi phạm hành chính về thuốc, mỹ phẩm và trang thiết bị y tế có hiệu lực thi hành từ ngày 15/12/2011, hành vi bán buôn thuốc không đạt tiêu chuẩn chất lượng hoặc thuốc đã hết hạn sử dụng thì sẽ bị phạt tiền từ 10-15 triệu đồng. Ngoài ra, phạt tiền từ 5-10 triệu đồng đối với một trong các hành vi sau: Không niêm yết hoặc niêm yết không đầy đủ giá các mặt hàng thuốc đang bày bán hoặc niêm yết không đúng quy định; bán thuốc cao hơn giá niêm yết.
Gửi phát tán tin nhắn rác phạt đến 50 triệu đồng
Nghị định 83/2011/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực viễn thông quy định: Từ 1/12/2011, phạt tiền từ 10 - 20 triệu đồng đối với hành vi tiết lộ trái phép nội dung thông tin riêng của người sử dụng dịch vụ viễn thông; phạt tiền từ 20-30 triệu đồng đối với hành vi thu trộm, nghe trộm thông tin trên mạng viễn thông; đánh cắp và sử dụng trái phép mật khẩu, khóa mật mã, thông tin riêng của tổ chức, cá nhân; ngăn cản bất hợp pháp việc truy nhập thông tin của tổ chức, cá nhân.
Bên cạnh đó, đối với một trong các hành vi: Lợi dụng hoạt động viễn thông nhằm kích động bạo lực, dâm ô, đồi trụy, tội ác, tệ nạn xã hội, mê tín dị đoan; gửi phát tán tin nhắn rác; dịch vụ cung cấp có nội dung thông tin bói toán, mê tín dị đoan; thông tin có nội dung cờ bạc, lô đề hoặc để phục vụ chơi cờ bạc, lô đề thì sẽ bị phạt từ 30-50 triệu đồng.
Phải đặt cân đối chứng tại các chợ, trung tâm thương mại
Theo Nghị định 99/2011/NĐ-CP quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, từ 15/12/2011, Ban quản lý chợ, thương nhân kinh doanh chợ, trung tâm thương mại có trách nhiệm đặt và duy trì hoạt động của cấn đối chứng, thiết bị đo lường tại các chợ, trung tâm thương mại để người tiêu dùng tự kiểm tra về số lượng, khối lượng hàng hóa.
Bên cạnh đó, tổ chức, cá nhân kinh doanh vi phạm quyền lợi người tiêu dùng sẽ bị công bố công khai trên phương tiện thông tin đại chúng. Nội dung công bố công khai gồm: Tên, địa chỉ tổ chức, cá nhân vi phạm; hành vi, địa bàn vi phạm; cơ quan ban hành, số, ngày, tháng, năm quyết định xử lý vi phạm.
Không đóng bảo hiểm y tế cho người lao động bị phạt đến 30 triệu đồng
Theo Nghị định 92/2011/NĐ-CP quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo hiểm y tế (BHYT), từ 1/12/2011, hành vi không đóng BHYT cho toàn bộ số người lao động có trách nhiệm tham gia BHYT của người sử dụng lao động sẽ bị phạt tiền từ 0,5 – 30 triệu đồng.
Đồng thời, hành vi cho người khác mượn thẻ BHYT hoặc sử dụng thẻ BHYT của người khác trong khám bệnh, chữa bệnh cũng sẽ bị phạt từ 0,5 - 2 triệu đồng. Ngoài ra, còn bị tạm giữ thẻ BHYT trong thời hạn 30 ngày.
Theo Ngọc Lan/GD&TĐ Online