Bs Nguyễn Lập Quyết, Giám đốc Sở Y tế Hà Nam cho biết, nhờ có Đề án 1816, trình độ chuyên môn kỹ thuật của các y, bác sỹ và chất lượng công tác khám chữa bệnh tại tỉnh Hà Nam từng bước được nâng cao. Việc giải quyết nhiều ca bệnh khó đã góp phần giảm bớt tình trạng chuyển tuyến.
Một thành công điển hình là Bệnh viện đa khoa (BVĐK) tỉnh Hà Nam. Từ khi triển khai Đề án 1816 (cử cán bộ chuyên môn luân phiên từ bệnh viện tuyến trên về hỗ trợ các bệnh viện tuyến dưới nhằm nâng cao chất lượng khám chữa bệnh), BVĐK tỉnh Hà Nam đã thu hút được lượng người bệnh đến nhiều hơn đáng kể so với các năm trước đó. Công suất sử dụng giường bệnh tăng từ 110% năm 2008 lên 120% năm 2010, số bệnh nhân chuyển tuyến cũng đã giảm do bệnh viện thực hiện được nhiều kỹ thuật tiên tiến.
Được sự giúp đỡ của cán bộ y tế các bệnh viện Bạch Mai, Mắt TƯ, Tai mũi họng TƯ và Viện Răng Hàm Mặt TƯ, BVĐK Hà Nam đã có nhiều cải tiến về lề lối làm việc. Lãnh đạo Bệnh viện cho biết, trước tiên, Bệnh viện đã sắp xếp lại tổ chức, phân công cán bộ y tế có trình độ chuyên môn phù hợp với nhiệm vụ các khoa, phòng; đẩy mạnh công tác giáo dục chính trị tư tưởng, quán triệt tới tất cả cán bộ y tế trong bệnh viện về tinh thần thái độ phục vụ người bệnh, nhất là Khoa Khám bệnh, đảm bảo thuận tiện nhất cho người bệnh. Năm 2010, Bệnh viện đã tiếp nhận 5 đợt cán bộ luân phiên hỗ trợ chuyên môn tại 8 khoa lâm sàng và đã chuyển giao trên 11 lĩnh vực chuyên môn. Có gần 2.000 lượt bệnh nhân được cán bộ luân phiên trực tiếp khám và điều trị. Bên cạnh việc truyền đạt trực tiếp kiến thức trên người bệnh, cán bộ luân phiên còn tổ chức nhiều lớp tập huấn nghiệp vụ với nhiều chuyên khoa mà Bệnh viện đang cần tháo gỡ. Từ đây, đã hình thành đội ngũ cán bộ chuyên khoa nòng cốt, rút ngắn khoảng cách về trình độ chuyên môn.
Ngoài ra, để đáp ứng và tiếp nhận tốt việc chuyển giao kỹ thuật cao từ tuyến Trung ương, Bệnh viện đã nâng cấp một số khoa và thành lập mới Khoa Ung bướu với 25 giường bệnh và bước đầu đã đáp ứng chuyên sâu trong điều trị; đưa hệ thống máy thận nhân tạo, thực hiện lọc máu chu kỳ mỗi ngày cho 30 đến 40 bệnh nhân suy thận đạt kết quả tốt. Các chuyên khoa: tai mũi họng; răng hàm mặt; mắt… đã được cập nhật những kỹ thuật tiên tiến nhất nên nhiều bệnh lý phức tạp được điều trị ngay tại Khoa giúp bệnh nhân giảm chi phí điều trị và góp phần giảm tải cho các bệnh viện tuyến trên. Đồng thời với sự giúp đỡ, chuyển giao kỹ thuật của các bệnh viện tuyến trung ương, BVĐK Hà Nam và các bệnh viện tuyến tỉnh đã cử 18 lượt cán bộ đi luân phiên, chuyển giao 17 kỹ thuật cho các bệnh viện tuyến huyện/thành phố. Các bệnh viện tuyến huyện đã cử 93 lượt cán bộ luân phiên về các trạm y tế, ưu tiên các xã chưa có bác sỹ.
Năm 2011, BVĐK Hà Nam tiếp tục nhận được sự hỗ trợ từ các cán bộ y tế của các Bệnh viện Bạch Mai, Mắt TƯ và Viện Châm cứu TƯ. Cũng từ đây, nhiều kỹ thuật cao được chuyển giao, như: tiêm cồn điều trị u gan, ôn châm, điện não châm… vừa nâng cao trình độ cho cán bộ y tế, vừa góp phần tăng đáng kể lượng bệnh nhân được điều trị ngay tại tỉnh nhà. Theo Bs Nguyễn Văn Trung, Phó giám đốc BVĐK Hà Nam, Bệnh viện đã lên kế hoạch trình các Bệnh viện tuyến Trung ương tiếp tục chuyển giao một số kỹ thuật cao, như: xét nghiệm vi sinh, hỗ trợ dược lâm sàng và ung bướu… trong thời gian còn lại của năm 2011. Và để thực hiện tốt việc tiếp nhận các kỹ thuật cao khi được chuyển giao, Bệnh viện đã xây dựng kế hoạch đào tạo lực lượng cán bộ y tế có tay nghề cho cả giai đoạn 2011-2015. Hiện Bệnh viện có 1 bác sỹ đang hoàn thành chương trình Tiến sỹ, 23 bác sỹ theo học thạc sỹ và các chuyên khoa. Công tác nghiên cứu khoa học và đào tạo nguồn nhân lực cũng đã được Bệnh viện đặc biệt quan tâm và coi đây là chìa khóa trong việc nâng cao chất lượng khám chữa bệnh. Từ những biện pháp đồng bộ trên, thời gian qua Bệnh viện còn phát triển ứng dụng được 11 kỹ thuật lâm sàng và cận lâm sàng, như: tiêm nội khớp; phóng bế cạnh cột sống điều trị đau lưng do thoát vị đĩa đệm; phục hồi chức năng cho trẻ bại não; thử độ cồn trong máu ở bệnh nhân tai nạn giao thông; nội soi đại tràng… Đây là một thành công lớn của năm 2010, đánh dấu một bước phát triển đáng ghi nhận trong công tác điều trị.
Theo Nguyễn Chinh/ Báo điện tử ĐBND