Cập nhật: 12/01/2012 15:19:11 Article Rating
Xem cỡ chữ

Từng bước bảo đảm cho cán bộ, công chức có mức sống tối thiểu bằng lương và tiến tới tiền lương đạt mức trung bình khá trên thị trường lao động để giữ và thu hút lao động có chất lượng là mục tiêu và là nội dung chính của đề án Định hướng cải cách chính sách tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức (CBCCVC) giai đoạn 2013-2020 được Bộ Nội vụ công bố tuần qua.

Theo Bộ Nội vụ, lộ trình cải cách tiền lương từ năm 2013 đến 2020 chia làm 2 giai đoạn. Giai đoạn 2013-2015 sẽ tập trung nguồn lực ưu tiên điều chỉnh mức lương tối thiểu đối với CBCCVC phù hợp với sự phát triển kinh tế - xã hội. Đẩy mạnh triển khai thực hiện đổi mới phương thức hoạt động và cơ chế tài chính, tiền lương đối với đơn vị sự nghiệp công lập và khung giá dịch vụ theo cơ chế mới, đồng thời triển khai thực hiện Luật Viên chức. Giai đoạn 2016-2020 thực hiện mở rộng quan hệ mức lương tối thiểu - trung bình (tốt nghiệp đại học, hết tập sự) - tối đa (chuyên gia cao cấp bậc 3, tương đương bộ trưởng) từ 1,0 - 2,34 - 10,0 hiện nay sẽ lên 1,0 - 3,2 - 15,0. Từ đó ban hành hệ thống bảng lương, ngạch, bậc mới bảo đảm tính hợp lý, phù hợp với thứ bậc trong hệ thống chính trị và sắp xếp lại các chế độ phụ cấp lương trên cơ sở quan hệ tiền lương mới.

 

Đề án nêu rõ có ba phương án nhằm nâng mức lương tối thiểu của CBCCVC, từng bước bảo đảm mức sống tối thiểu và tương quan với mặt bằng tiền lương trên thị trường lao động... tiến tới tiền lương (gồm cả phụ cấp) sẽ đạt mức trung bình khá trên thị trường lao động, để giữ và thu hút lao động có chất lượng làm việc trong cơ quan đảng, nhà nước, tổ chức chính trị - xã hội. Phương án thứ nhất là bằng mức tối thiểu vùng 1, khu vực doanh nghiệp là 2 triệu đồng. Thứ hai, bằng mức bình quân của các mức lương tối thiểu vùng của khu vực doanh nghiệp là 1,680 triệu đồng. Thứ ba, bằng mức chi tiêu đầu người bình quân của cả nước cộng thêm nhu cầu nuôi dưỡng cha mẹ, con cái là 3,150 triệu đồng.

 

Ông Đặng Như Lợi, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Các vấn đề xã hội của Quốc hội cho rằng, quan điểm "CBCCVC sống được bằng tiền lương ở mức trung bình khá trong xã hội" được đề cập trong đề án còn mơ hồ, không khả thi vì mức sống trung bình khá trong xã hội là gì? Ai xác định? Cách xác định ra sao? Ai công bố và công bố định kỳ thế nào để điều chỉnh tiền lương của CBCCVC. Ngoài ra, đề án định hướng này vẫn còn để "trống" về phạm vi, đối tượng. Trong đó có bao gồm lái xe, nhân viên phục vụ, bảo vệ và các chức danh tương tự không?...

 

Là chuyên gia có kinh nghiệm về lĩnh vực tiền lương, nguyên Viện trưởng Viện Khoa học lao động và xã hội Nguyễn Hữu Dũng cho rằng, trong kinh tế thị trường, tiền lương và thu nhập của CBCC mặc dù do Nhà nước trả từ ngân sách, song cải cách chính sách tiền lương CBCCVC phải đặt trong mối tương quan với mặt bằng tiền lương, thu nhập khu vực thị trường. Nếu không thỏa mãn quan hệ này sẽ dẫn đến hiện tượng "tước đoạt để bù đắp tiền lương" trong thực thi nhiệm vụ, công vụ (tiêu cực, tham nhũng), can thiệp hành chính vào thị trường của các nhóm lợi ích để "đòi chia sẻ lợi ích", làm lũng đoạn, méo mó thị trường và tăng "chảy máu chất xám" từ khu vực Nhà nước ra khu vực thị trường, nơi có tiền lương và thu nhập cao hơn.

 

Theo ý kiến của TS Thang Văn Phúc, nguyên Thứ trưởng Bộ Nội vụ thì lộ trình thực hiện đề án nên lùi lại 2 năm, tức là năm 2015 và năm 2016 thì thực hiện và thiết kế lại trên cơ sở điều chỉnh cơ bản hệ thống tiền lương theo hai hệ: hệ chuyên môn, nghiệp vụ, chuyên viên có 10 bậc và chuyên viên cao cấp là 3 bậc. Ông Phúc cũng cho rằng, không nên áp dụng mức tiền lương không gắn với kết quả sản xuất - kinh doanh như hiện nay (doanh nghiệp lỗ nhưng vẫn hưởng lương cao). Đối với tiền lương khu vực sự nghiệp dịch vụ công cũng tách thành hai phần: tiền lương chung và tiền thu nhập do kết quả của các dịch vụ gia tăng.

 

 

Theo Hoàng Phong/HNM Online

Tệp đính kèm