Cập nhật: 11/02/2012 11:09:33 Article Rating
Xem cỡ chữ

Sau khi xảy ra hàng loạt vụ ô tô, xe máy bị bốc cháy, hôm qua 10.2, lần đầu tiên Sở Khoa học - Công nghệ (KH-CN) Hà Nội tổ chức hội thảo “Trao đổi về các nguyên nhân gây cháy nổ phương tiện, ô tô, xe máy và các biện pháp phòng tránh”.

Nguyên nhân cháy nổ được hầu hết các nhà khoa học đưa ra tại hội thảo là do xăng kém chất lượng.

 

Tham dự hội thảo với tư cách là nạn nhân của một vụ cháy xe, chị Trịnh Thanh Hằng, giáo viên Trường tiểu học Thành Công A (Hà Nội) thuật lại: “3 giờ sáng đêm 26.12, khi đang ngủ thì nghe có tiếng hô hoán cháy xe. Cả nhà choàng tỉnh thì chiếc xe Yamaha Cygnus để ngoài sân đang bốc cháy ngùn ngụt. Trước đó khoảng 1 tuần, do đang chạy thì hết xăng nên tôi có đổ xăng. Tôi rất phân vân, không thể nào do chập điện gây cháy nổ vì xe dựng ngoài sân đã hơn 30 tiếng”. Kể về nguyên nhân gây cháy, chị Giang Kim Vân, chủ nhân chiếc xe Air Blade bị cháy ngày 15.10 tại Hà Nội cũng cùng tâm trạng: “Xe tôi mua đã hơn 2 năm, gia đình thường xuyên bảo hành chu đáo. Nhà tôi mới xây, không có chuột, gián. Tôi cũng không lắp thêm các bộ phận còi, đèn vào xe. Thậm chí, trước khi xe cháy 2 ngày tôi còn đưa đi kiểm tra phanh, không phát hiện có vấn đề gì. Thế mà, bỗng dưng trong lúc chồng tôi trên đường đưa con đi học thì xe bốc cháy”.

 

Methanol, aceton… là thủ phạm?

 

TS Hoàng Mạnh Hùng, nguyên Phó viện trưởng Viện Khoa học hình sự, Giám đốc Trung tâm tư vấn giám định dân sự phân tích: “Nhiều khả năng xăng dầu bị pha chất aceton, methanol. Đây là những phụ gia phản ứng rất mạnh, hòa tan tốt trong xăng, rất dễ cháy. Khi pha các phụ gia này gây ra các tác dụng: làm cho dây dẫn và những kim loại giãn ra, hở ra ăn mòn nên hở nhiên liệu. Thứ 2, nhiên liệu pha những phụ gia chứa methanol sẽ tác động với ô xít nhôm của phần động cơ, giải phóng ra nhôm methoxit. Nhôm tự do ở trong động cơ tiếp tục tác động với methanol để giải phóng ra hydro, trong khi dây dẫn đã bị hở do tác động của methanol làm phát tán các chất hữu cơ bay hơi ra ngoài nhiều hơn. Như vậy nhiên liệu đã có chỗ để phát tán. Việc rò rỉ do ống nhiên liệu, các gioăng cao su, các ống kim loại bị ăn mòn khi nồng độ methanol đạt 15%. Kết hợp các yếu tố trên, nhiệt độ đến một ngưỡng đủ nó sẽ phát nổ. 12 hãng ô tô lớn trên thế giới đã khuyến cáo không nên pha methanol vào nhiên liệu xăng”. TS Hùng còn lập luận: Trung Quốc, một trong những nước sản xuất methanol nhiều nhất thế giới, sát Việt Nam nên giá methanol rất rẻ chỉ có 9.000-10.000 đồng/lít. Pha phụ gia rẻ tiền, tiết kiệm, bán lãi hơn, đó là lý do những người bán hàng đã pha phụ gia vào xăng.

 

PGS-TS Vũ Thị Thu Hà, Phòng Thí nghiệm trọng điểm lọc hóa dầu (Viện Hóa học công nghiệp) cũng cho rằng, pha thêm methanol vượt quá tiêu chuẩn làm ảnh hưởng đến bộ phận động cơ là nguyên nhân gián tiếp gây cháy nổ.

 

Đồng tình với ý kiến trên, ông Đỗ Huy Thanh, giảng viên Học viện Kỹ thuật quân sự nhấn mạnh nên tập trung vào nguyên nhân từ aceton và methanol. Để có kết quả chính xác nhất, ông Thanh đề xuất, nên có thử nghiệm sử dụng xăng pha tạp chất trên xe đời cũ. Bên cạnh đó, lấy mẫu cấp liệu, dây dẫn, gioăng, phớt trên mẫu xe cũ, thử nghiệm đánh giá xem độ trương nở, giãn gây cháy xe.

 

Nhanh chóng tìm ra nguyên nhân

 

Đã có nhiều vụ xe tự cháy xảy ra nhưng đến nay mới có một hội thảo được tổ chức, TS Hoàng Mạnh Hùng cho rằng, các nhà khoa học vào cuộc quá chậm và đề nghị: “Bộ KH-CN, Sở KH-CN chỉ đạo các phòng nghiên cứu trọng điểm cấp nhà nước, các viện tại Hà Nội phục vụ nghiên cứu vô điều kiện để nhanh chóng tìm ra nguyên nhân”.

 

PGS-TS Vũ Thị Thu Hà cho biết vừa được Bộ KH-CN chỉ đạo nghiên cứu thu thập những mẫu xăng trên thị trường, sau khi có phân tích hệ thống theo tiêu chuẩn Việt Nam, sẽ có cái nhìn hiện trạng về chất lượng xăng, xem trong xăng có pha thêm những gì, cụ thể là tập trung vào nghi ngờ pha methanol và đưa ra thực nghiệm mô phỏng. Bộ KH-CN còn giao cho Viện Hóa học công nghiệp nghiên cứu đề tài ảnh hưởng của chất phụ gia bán trôi nổi trên thị trường. “Những nghi vấn về sự ảnh hưởng của phụ gia đến chỉ tiêu chất lượng trong xăng, xăng được pha thêm những chất gì. Sau một năm nghiên cứu sẽ có cái nhìn khoa học và chính xác hơn”, PGS-TS Hà nói.

 

Ghi nhận những ý kiến của các nhà khoa học, TS Lê Xuân Rao, Giám đốc Sở KH-CN Hà Nội cho biết, sẽ phối hợp với các nhà khoa học tìm ra nguyên nhân ảnh hưởng việc pha methanol, phụ gia khác vào xăng.

 

Tăng cường kiểm tra chất lượng xăng dầu

 

UBND TP.HCM vừa chỉ đạo Sở Khoa học - Công nghệ triển khai đến UBND các quận, huyện, các đơn vị chức năng tăng cường công tác thanh, kiểm tra các điểm kinh doanh xăng dầu; xử lý nghiêm các hành vi gian lận, vi phạm, đặc biệt trong quá trình lưu thông xăng dầu trên thị trường. Các cơ quan, đơn vị chức năng cần lấy mẫu xăng dầu tại các địa điểm kiểm tra, của xe bị cháy dở và mẫu xăng dầu nơi chủ xe đã mua để kiểm tra; thống kê các vụ cháy ô tô, xe máy trên địa bàn, phối hợp các bên liên quan tìm nguyên nhân gây cháy.

 

 

Theo Thu Hằng/Thanhnien Online

Tệp đính kèm