Cập nhật: 18/02/2012 10:50:51 Article Rating
Xem cỡ chữ

Trong 10 năm qua, Việt Nam đã đạt được nhiều thành tựu trong phát triển kinh tế và giải quyết việc làm. Nhưng vấn đề tạo việc làm đầy đủ, năng suất cao và bền vững vẫn là yêu cầu bức xúc của Việt Nam trong thời gian tới.

 

Lao động tăng nhanh về số lượng nhưng chất lượng thấp

 

Hiện nay, Việt Nam đang ở thời kỳ “dân số vàng” với số người trong độ tuổi lao động lớn. Tuy nhiên “dân số vàng” đang là một trong những thách thức lớn đối với Việt Nam trong việc giải quyết vấn đề việc làm, bởi số lao động tăng nhanh về số lượng nhưng chất lượng thấp

 

Theo dự báo, dân số Việt Nam đến 2020 sẽ đạt trên 96,2 triệu người. Số người tham gia lực lượng lao động vào năm đó dự báo sẽ trên 63 triệu, tức là sẽ có thêm khoảng 9,5 triệu người tham gia lực lượng lao động. Theo ông Nguyễn Đại Đồng, Cục trưởng Cục Việc làm (Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội) cùng với 1,3 triệu lao động đang thất nghiệp và trên 4,5 triệu lao động đang thiếu việc làm hoặc có việc làm nhưng vẫn nghèo hiện nay, thì sẽ có tới 15,3 triệu người cần phải giải quyết việc làm trong 10 năm tới.

Phân tích về chất lượng lao động, ông Nguyễn Đại Đồng cho biết, hiện sự gia tăng dân số của Việt Nam chủ yếu ở khu vực nông thôn, điều kiện kinh tế - xã hội còn gặp nhiều khó khăn, dẫn đến tình trạng nguồn cung lao động lớn nhưng trình độ dân trí, chất lượng, kỹ năng lao động lại không cao, không đáp ứng được nhu cầu của thị trường lao động.

 

Bên cạnh đó, một thách thức khác trong giải quyết việc làm là tại Việt Nam cũng như những nước khác trên thế giới, khu vực kinh tế phi chính thức thu hút nhiều lao động, đa phần việc làm không bền vững và là người nghèo. Theo thống kê từ cuộc Điều tra Lực lượng Lao động năm 2009, ở Việt Nam, cứ 5 lao động thì có 4 lao động thuộc ngành kinh tế phi chính thức. Trong khi phần đa việc làm ở khu vực này là không bền vững, làm việc ở hộ cá thể, sản xuất nhỏ lẻ, phân tán với trình độ công nghệ, phương thức sản xuất lạc hậu, năng suất lao động và thu nhập thấp.

 

Nhấn mạnh hơn những thách thức của Việt Nam trong giải quyết việc làm, bà Phan Ngọc Mai Phương – Phó Viện trưởng Viện Chiến lược Phát triển chỉ rõ, chất lượng việc làm còn thấp. Cụ thể, việc làm giản đơn, không cần kỹ năng chiếm 39,4% tổng việc làm của cả nước, trong đó khu vực nông thôn là 47,6% và khu vực đô thị là 18,1%. Bên cạnh đó, việc làm năng suất thấp còn lớn và chiếm tỷ trọng cao trong nền kinh tế: Năm 2010, việc làm khu vực nông - lâm - ngư, khu vực có năng suất lao động thấp vẫn còn đến 23,9 triệu, chiếm gần 49% tổng việc làm trong nền kinh tế (năng suất lao động bình quân của khu vực nông-lâm-ngư chỉ bằng 42,5% mức bình quân của nền kinh tế và 23% của khu vực công nghiệp-dịch vụ).

 

 

Theo bà Phan Ngọc Mai Phương, vì phần lớn là việc làm giản đơn, việc làm năng suất thấp, nên thu nhập của người lao động, nhất là của nông dân và khu vực nông thôn thấp. Do đó, mức sống thấp và chậm được cải thiện một phần ảnh hưởng tiêu cực đến an sinh xã hội. 

 

Nỗ lực tạo việc làm bền vững

 

Bộ trưởng Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội Phạm Thị Hải Chuyền cho biết: bên cạnh những kết quả đáng ghi nhận đạt được về lao động việc làm giai đoạn 2001-2010, vẫn còn một số thách thức gây trở ngại đến việc tăng cường việc làm đầy đủ, năng suất cao và bền vững. Vì vậy, Chiến lược việc làm giai đoạn 2011-2020 sẽ phải đưa ra các biện pháp, chính sách để đạt được những chỉ tiêu việc làm dài hạn, tăng thu nhập của lao động đi đôi với tăng năng suất cũng như giải quyết những thách thức việc làm trong ngắn hạn và trung hạn.

 

Được sự hỗ trợ của Tổ chức lao động quốc tế, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đã phối hợp với các Bộ, ngành, các cơ quan đã nghiên cứu, xây dựng và dần hoàn thiện dự thảo Chiến lược việc làm Việt Nam giai đoạn 2011-2020.

 

Dự thảo chiến lược đã đặt ra mục tiêu là tăng tỉ lệ lao động qua đào tạo lên 70% vào năm 2020, trong đó lao động qua đào tạo nghề đạt trên 55%. Tỉ lệ thanh niên dưới 24 tuổi không tham gia việc làm, giáo dục, đào tạo giảm xuống ít nhất 5%. Tạo việc làm cho khoảng 1,6 triệu lao động mỗi năm. Tỉ lệ tăng trưởng việc làm bình quân 2%/năm. Tốc độ tăng số lượng việc làm trong khu vực phi nông nghiệp từ 4-5%/năm. Giảm tỉ lệ lao động phi chính thức trong khu vực phi nông nghiệp xuống còn 50% vào năm 2020. Năng suất lao động hằng năm tăng 4%. Tốc độ tăng tiền lương thực tế bình quân 5%/năm. Tỉ trọng việc làm trong nông nghiệp giảm còn 40% trên tổng số việc làm năm 2015 và 30% năm 2020...

 

Để thực hiện các mục tiêu về mở rộng và phát triển việc làm cho mọi lao động, dự thảo Chiến lược xác định Nhà nước sẽ tập trung xây dựng và triển khai thực hiện một số Chương trình, Đề án cụ thể.

 

Trong đó, phê duyệt và triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia về việc làm và dạy nghề giai đoạn 2011-2015 và giai đoạn 2016-2020 với nhiều dự án. Thông qua Chương trình, dự kiến sẽ đào tạo nghề gắn với tạo việc làm cho khoảng 4,7 triệu lao động nông thôn, hỗ trợ tạo việc làm cho 0,8-1 triệu lao động thông qua Quỹ Quốc gia về việc làm, đưa 80-120 ngàn lao động thuộc hộ nghèo, lao động là người dân tộc thiểu số, ...đi làm việc ở nước ngoài, đồng thời, hỗ trợ phát triển thị trường lao động, kết nối cung cầu lao động hiệu quả hơn.

 

Bên cạnh đó, nhằm đưa Việt Nam đến năm 2020 cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại, Chiến lược phát triển kinh tế xã hội giai đoạn 2011-2020 đã xác định “Phát triển nhanh nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao” là một trong ba khâu đột phá. Để thực hiện đột phá này, Việt Nam sẽ tập trung xây dựng và thực hiện Đề án nâng cao thể lực và tầm vóc người Việt Nam giai đoạn 2011-2020, quy hoạch phát triển nhân lực Việt Nam giai đoạn 2011-2020, Chiến lược phát triển giáo dục, dạy nghề giai đoạn 2011-2020 nhằm phát triển nhân lực Việt Nam cả về số lượng và chất lượng, đảm bảo nguồn cung chất lượng, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế, đồng thời, tạo tiền đề nâng cao chất lượng việc làm.

 

Ngoài ra, các chương trình mục tiêu Quốc gia về giáo dục đào tạo, về giảm nghèo, về ứng phó với biến đổi khí hậu ... các Chương trình quốc gia về an toàn vệ sinh lao động, .. được triển khai thực hiện theo hướng đồng bộ, lồng ghép, góp phần nâng cao chất lượng nguồn lao động, cải thiện các điều kiện lao động, nâng cao chất lượng việc làm.

 

Các chương trình, đề án về dạy nghề và tạo việc làm cho thanh niên, phụ nữ, lao động là người dân tộc thiểu số, lao động là người khuyết tật, lao động nông thôn cũng được thực hiện trên cơ sở các định hướng, giải pháp của Chiến lược việc làm, tạo cơ hội việc làm và cải thiện việc làm cho các đối tượng yếu thế, các nhóm đối tượng dễ bị tổn thương trong quá trình phát triển kinh tế.

 

 

Theo Kim Thanh/ Đảng cộng sản

 

 

Tệp đính kèm