Mới đây, Thủ tướng Chính phủ đã đồng ý việc điều chỉnh giá một số dịch vụ y tế. Theo đó, có hơn 400 dịch vụ y tế sẽ tăng giá, trong đó có những dịch vụ tăng 5-7 lần, thậm chí hàng chục lần… Xung quanh chủ trương này còn có không ít ý kiến băn khoăn… Tại Hội nghị tổng kết công tác BHXH, BHYT năm 2011 và phương hướng nhiệm vụ 2012 của BHXH Việt Nam mới đây những băn khoăn bước đầu được cởi bỏ...
Theo dự thảo Thông tư Điều chỉnh giá một số dịch vụ y tế thì sẽ tăng giá hơn 400 dịch vụ y tế, trong đó có những dịch vụ tăng lên 5-7 lần, thậm chí hàng chục lần. Đơn cử như: giá một lần khám bệnh sẽ nâng từ 3.000 đồng lên tối đa 20.000 đồng; chi phí một ca đỡ đẻ thường sẽ tăng từ 50.000 đến 150.000 đồng hiện nay lên mức 480.000-525.000 đồng. Chi phí chạy thận nhân tạo cũng sẽ tăng lên mức 430.000-460.000 đồng thay cho giá cũ là 150.000-300.000 đồng...
Lý giải cho việc tăng giá, Phó vụ trưởng Vụ Kế hoạch Tài chính - Bộ Y tế Nguyễn Nam Liên cho biết: trong số 3.000 dịch vụ y tế đang thực hiện tại các cơ sở y tế, có khoảng 350 dịch vụ được ban hành khung giá từ năm 1995, phần lớn trong số này chỉ thu từ 30% - 50% chi phí trực tiếp tính theo thời giá đến nay đã 17 năm chưa được điều chỉnh. Ngoài ra, có khoảng 2.650 dịch vụ được ban hành khung giá từ tháng 1 - 2006, đến nay đã gần 7 năm. Do vậy, các mức thu này không còn phù hợp và cần thiết phải có điều chỉnh giá…
Tuy nhiên, một trong những băn khoăn lớn nhất mà dư luận đặc biệt quan tâm, đó là việc điều chỉnh giá dịch vụ y tế sẽ ảnh hưởng đến người bệnh, đặc biệt bệnh nhân nghèo. Cụ thể là với một dịch vụ trước đây chỉ vài chục ngàn đồng nay tăng tới vài trăm ngàn đồng, thì rõ ràng mức đồng chi trả của người dân cũng phải tăng theo tùy vào việc người bệnh phải trả 5% hay 20%. Nếu dịch vụ tăng 5-7 lần hay cả trăm lần thì mức đồng chi trả của người dân cũng nhân lên từng đó. Như vậy, sẽ tác động rất lớn đến người dân, đặc biệt là những bệnh nhân nghèo.
Về băn khoăn này, Trưởng ban Thực hiện chính sách BHYT - BHXH Việt Nam Phạm Lương Sơn cho biết: trường hợp mức đồng chi trả lớn là một vấn đề cần nghiên cứu để có biện pháp hỗ trợ giúp các nhóm này giảm bớt khó khăn. Theo đó, để giảm thiểu thấp nhất những tác động đến người bệnh, Bộ Y tế đã trình Thủ tướng Chính phủ sửa đổi, bổ sung Quyết định 139/2003 để hỗ trợ một số đối tượng khó khăn trong chi phí, các đối tượng mắc bệnh hiểm nghèo có chi phí điều trị lớn như ung thư, chạy thận nhân tạo, phẫu thuật tim… Đồng thời lập Quỹ hỗ trợ một số trường hợp khó khăn, Bộ Y tế và Bộ Tài chính đã đề xuất nâng mức hỗ trợ cho các đối tượng cận nghèo từ 50% lên 70% và đã được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận. Từ nay, các đối tượng cận nghèo chỉ phải đóng 30% mệnh giá BHYT. Bộ Y tế cũng đang xây dựng trình Thủ tướng Chính phủ Đề án về lộ trình thực hiện BHYT toàn dân, trong đó đề xuất nâng mức hỗ trợ mua thẻ BHYT cho người làm nông nghiệp, ngư nghiệp, diêm nghiệp, lâm nghiệp có mức sống trung bình từ 30% lên 50% hoặc 60% từ năm 2013 để giảm bớt khó khăn và huy động các đối tượng này tham gia BHYT.
Bên cạnh đó, nhiều người đặt câu hỏi liệu tăng giá viện phí có đi kèm với tăng chất lượng khám, chữa bệnh không? có chấm dứt được tình trạng phải nằm ghép hoặc giảm giá không? Đại diện Bộ Y tế cho biết, theo dự thảo trong trường hợp quá tải, bệnh nhân phải nằm ghép đôi thì giá tiền sẽ giảm xuống còn 50% và 30% nếu nằm ba.
Cùng với băn khoăn về việc tăng giá dịch vụ y tế, một số ý kiến bày tỏ lo lắng việc quản lý và sử dụng Quỹ BHYT sẽ được thực hiện như thế nào để tránh bị thất thoát, lãng phí. Về vấn đề này, ông Phạm Lương Sơn cho biết: theo tính toán sơ bộ của BHXH Việt Nam, trong năm 2012, Quỹ BHYT sẽ đủ chi trả cho việc tăng mức viện phí mới… Cũng theo ông Sơn, dự thảo lần này có những điểm mới và đã khắc phục được những hạn chế của dự thảo lần trước. Ngoài một số kỹ thuật mới chưa từng có trong danh mục được Quỹ BHYT chi trả, danh mục này cũng tách bạch rạch ròi những dịch vụ trước đây chỉ nói chung chung và không chỉ tăng giá mà có những dịch vụ giá sẽ giảm xuống, ví dụ chụp CT, siêu âm… Bên cạnh đó, giá viện phí mới còn thu hẹp khoảng cách tối thiểu, tối đa của giá một dịch vụ, thậm chí còn áp dụng quy định chung 1 giá đối với các dịch vụ ở tất cả các tuyến nhằm tránh lãng phí và xóa bất công cũng như góp phần giảm tải ở các tuyến trên.
Về biện pháp quản lý, giám sát để tránh lạm dụng, thất thoát Quỹ BHYT của các cơ sở chữa bệnh, Bộ Y tế đang thử nghiệm các phương thức thanh toán BHYT mới, trong đó phương thức thanh toán trọn gói được đánh giá là hiệu quả hơn cả. Cơ quan BHXH cũng tăng cường giám định hồ sơ theo tỷ lệ xác suất để kiểm soát việc lạm dụng thuốc, dịch vụ y tế tại 15 tỉnh, thành phố sau khi thí điểm thực hiện tại TP Hồ Chí Minh. Theo đó, giám định viên sẽ chọn ngẫu nhiên 10% - 20% số hồ sơ của cơ sở khám chữa bệnh để giám định. “Nếu chỉ một hồ sơ bệnh án có dấu hiệu lạm dụng hoặc cơ sở thu thêm tiền của người bệnh sẽ bị xử phạt, thậm chí cơ quan BHXH sẽ không trả khoản viện phí đó cho phía cơ sở y tế. Điều này vừa giúp quỹ không bị thất thoát, lãng phí, vừa khiến lãnh đạo các cơ sở y tế phải có trách nhiệm mạnh mẽ hơn trong việc kiểm soát dịch vụ y tế. Tới đây, cơ quan bảo hiểm sẽ thiết lập các đường dây nóng để tiếp nhận những phản hồi từ người dân khi thực hiện chính sách viện phí mới” - ông Sơn nhấn mạnh.
Theo Chí Tuấn/Báo điện tử ĐBND