Cập nhật: 17/03/2012 10:10:48 Article Rating
Xem cỡ chữ

Mới đây, tại Hà Nội, Ban Chỉ đạo quốc gia vận động hiến máu tình nguyện tổ chức Hội nghị toàn quốc Tổng kết công tác vận động hiến máu tình nguyện giai đoạn 2008-2011 và phương hướng, nhiệm vụ giai đoạn 2012-2015.

Trong giai đoan 2008-2011, công tác hiến máu tình nguyện nước ta đã có những chuyển biến tích cực và rõ rệt, góp phần tích cực vào việc nâng cao chất lượng công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân. Theo báo cáo của Ban Chỉ đạo quốc gia vận động hiến máu tình nguyện, trong giai đoạn 2008-2011, Ban Chỉ đạo các cấp tiếp tục kiện toàn, củng cố, đặc biệt là việc thành lập Ban Chỉ đạo cấp huyện, cấp xã và Ban Chỉ đạo vận động hiến máu tình nguyện các cơ quan, trường học, doanh nghiệp ở một số địa phương, đã có tác dụng tích cực đối với phong trào vận động hiến máu tình nguyện ở nước ta. Trong 23 tỉnh, thành phố có 100% Ban Chỉ đạo cấp huyện và cấp xã thì có 18 tỉnh, thành (78,2%) đã đạt thành tích cao về công tác vận động hiến máu tình nguyện. Trong 4 năm qua, 18 tỉnh, thành này (chiếm 28,6% số địa phương) đã vận động và tiếp nhận một lượng máu bằng 50,3% tổng lượng máu thu được của cả nước, riêng thành phố Hồ Chí Minh chiếm tới 20,8%.

 

Báo cáo của 63 Ban Chỉ đạo cấp tỉnh và 4 cơ quan thành viên Ban Chỉ đạo quốc gia là Bộ Quốc phòng, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam và Viện Huyết học – Truyền máu Trung ương cho biết: Giai đoạn 2008-2011, toàn quốc đã vận động và tiếp nhận được 2.571.685 đơn vị máu toàn phần (tương đương 692.412 lít máu). Trong đó, số đơn vị máu vận động và tiếp nhận được tăng liên tục, năm sau cao hơn năm trước với mức tăng trung bình hàng năm là 13,5% do tăng nhanh số người hiến máu tình nguyện. Đồng thời, số đơn vị máu thu được hàng năm luôn đạt và vượt chỉ tiêu kế hoạch đề ra: năm 2008 được 518.325 đơn vị (đạt 107% kế hoạch), năm 2011 là 776.427 đơn vị (đạt 103% kế hoạch).

 

Số đơn vị máu của người hiến máu tình nguyện ngày càng chiếm ưu thế, từ 71,6% (năm 2008) lên 84,2% (năm 2010) và 88,5% (năm 2011). Điều này có ý nghĩa quan trọng do trong cùng giai đoạn này, lượng người bán máu lấy tiền và người nhà hiến máu đang giảm dần.

 

Trong 2 năm 2010 và 2011, Thường trực Ban Chỉ đạo quốc gia đã xét tặng các danh hiệu, tôn vinh cho 2.031 cá nhân, gia đình và tập thể có thành tích hiến máu tình nguyện. Đặc biệt, trong số 202 tấm gương tiêu biểu được tôn vinh, có 46 người hiến máu từ 21-50 lần, 4 người hiến máu trên 50 lần, có 6 người vừa hiến máu vừa vận động được hơn 100 người khác cùng tham gia hiến máu tình nguyện.

 

Tuy nhiên, Ban Chỉ đạo quốc gia cũng cho biết, lượng máu tiếp nhận hàng năm (theo khuyến cáo của WHO) mới đáp ứng từ 30-45% nhu cầu cho cấp cứu và điều trị.

 

Theo Ban Chỉ đạo hiến máu quốc gia, mục tiêu chung giai đoạn 2012-2015 là nâng cao nhận thức của người dân về lợi ích của hiến máu tình nguyện cứu người và an toàn truyền máu; tăng dần số lượng người có đủ sức khỏe tham gia hiến máu tại cơ sở và cộng đồng, từng bước đảm bảo cung cấp máu phục vụ cho cấp cứu và điều trị bệnh nhân; đến năm 2015 đạt tỷ lệ 100% người hiến máu tình nguyện và tối thiểu 1% dân số hiến máu, xóa bỏ tình trạng cho máu lấy tiền tại các bệnh viện; đến năm 2020 đạt 2% dân số hiến máu tình nguyện.

 

Phó Viện trưởng Viện Huyết học – Truyền máu Trung ương Phạm Tuấn Dương cho biết: Theo dự tính từ các bệnh viện có sử dụng máu trên toàn quốc tỷ lệ tăng tự nhiên trong nhu cầu khám chữa bệnh và sử dụng các dịch vụ y tế hàng năm (khoảng 15%), cộng với nhu cầu tăng thêm do phát triển của y học thì những năm tới cần tăng hàng năm lượng máu khoảng trên 20%. Như vậy, ước tính số đơn vị máu tối thiểu cần cho các năm như sau: năm 2012 là 931.712 đơn vị; năm 2013 là 1.118.054 đơn vị; năm 2014 là 1.341.665 đơn vị và năm 2015 là 1.610.000 đơn vị. “Với thành quả vận động hiến máu những năm qua, có thể lạc quan tin tưởng rằng nhu cầu máu cho điều trị sẽ được đáp ứng trong giai đoạn tới” – ông Phạm Tuấn Dương nói.

 

Song để đạt được các mục tiêu trên, ông Phạm Tuấn Dương đề xuất tiếp tục đầu tư để đẩy mạnh công tác tuyên truyền vận động, theo hướng rộng và đều khắp trên cả nước. Đặc biệt, trong giai đoạn này cần tăng tốc để nâng cao nhận thức người dân về hiến máu tình nguyện và xóa bỏ tình trạng khan hiếm máu. Đồng thời, cần có giải pháp phù hợp cho việc đảm bảo nguồn cung cấp máu cho các khu vực vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo nhằm đảm bảo nhu cầu cho người dân khu vực này khi cần được truyền máu.../.

 

 

Theo Kim Thanh/Báo Điện Tử ĐCSVN

Tệp đính kèm