Cập nhật: 28/03/2012 15:59:45 Article Rating
Xem cỡ chữ

Tiếp tục Phiên họp thứ 6, chiều 27/3, dưới sự chủ trì của Phó Chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về dự thảo Bộ luật Lao động (sửa đổi).

 

Theo Chủ nhiệm Ủy ban về các vấn đề xã hội Trương Thị Mai, tại Kỳ họp thứ hai của Quốc hội khóa XIII, các đại biểu Quốc hội đã thảo luận, cho ý kiến về dự án Bộ luật Lao động (sửa đổi). Hầu hết các ý kiến tán thành với Báo cáo thẩm tra của Ủy ban về các vấn đề xã hội và nhiều nội dung của dự thảo Bộ luật Lao động (sửa đổi). Trên cơ sở ý kiến của các vị đại biểu Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chỉ đạo, định hướng cơ quan chủ trì thẩm tra tổng hợp, nghiên cứu tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Bộ luật này (tháng 12/2012).

 

Tháng 2/2012, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã hoàn chỉnh một bước dự thảo Bộ luật, gửi xin ý kiến đại biểu Quốc hội, các Đoàn đại biểu Quốc hội và các Bộ, ngành có liên quan. Đến nay đã có 49 Đoàn đại biểu Quốc hội, 10 đại biểu Quốc hội và 2 Bộ gửi văn bản góp ý kiến dự thảo Bộ luật.

 

Về tiền lương và mức lương tối thiểu, nhiều ý kiến đại biểu Quốc hội cho rằng cần nghiên cứu để bổ sung các quy định cụ thể về tiền lương như cơ cấu của tiền lương, căn cứ trả lương, chống phân biệt đối xử trong trả lương, hình thức trả lương, hệ thống thang, bảng lương.

 

“Thường trực Ủy ban về các vấn đề xã hội tiếp thu ý kiến này và chỉnh lý dự thảo theo hướng quy định rõ khái niệm về tiền lương để thống nhất cách hiểu về tiền lượng, cơ cấu tiền lương, nguyên tắc cơ bản để trả lương và bắt buộc mức lương trả cho người lao động không thấp hơn mức lương tối thiểu do Chính phủ quy định.” – bà Trương Thị Mai cho biết.

 

Cũng theo Chủ nhiệm Trương Thị Mai, hiện nay, mức tiền lương tối thiểu đang được xác định theo 4 vùng kinh tế - địa lý và đã có sự thống nhất chung giữa các loại hình doanh nghiệp nhà nước, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài và doanh nghiệp tư nhân từ năm 2012.  Tuy nhiên, vẫn còn tồn tại sự khác biệt về tiền lương tối thiểu của cán bộ, công chức với tiền lương tối thiểu được quy định trong Bộ luật Lao động đối với nhóm lao động trong khu vực doanh nghiệp. “Đây là vấn đề cần phải làm rõ trong quá trình cải cách tiền lương khu vực nhà nước, hướng tới xây dựng một mức lương tối thiểu chung cho toàn xã hội căn cứ vào nhu cầu sống tối thiểu của người lao động và Chính phủ phải điều chỉnh mức lương tối thiểu khi chỉ số giá sinh hoạt thay đổi nhằm bảo vệ người lao động, hài hòa được lợi ích giữa các bên trong quan hệ lao động.” – bà Trương Thị Mai nhấn mạnh.

 

Cho ý kiến tại phiên họp, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng cho rằng, nhược điểm của quy định hiện hành là Nhà nước chỉ quy định lương tối thiểu, nên nhiều doanh nghiệp chỉ trả lương cho công nhân cao hơn mức tối thiểu một chút. Chủ tịch Nguyễn Sinh Hùng đề nghị khi sửa luật phải đảm bảo không chấp nhận việc này, để khi Thanh tra Nhà nước vào kiểm tra thì xác định được doanh nghiệp vi phạm luật.

 

Về mức trần thời gian của hợp đồng lao động xác định thời hạn, dự thảo Bộ luật thiết kế hai phương án. Phương án 1 quy định thời điểm chấm dứt hiệu lực của hợp đồng lao động xác định thời hạn trong khoảng thời gian từ đủ 12 tháng đến 36 tháng. Sau đó, trường hợp hai bên ký kết hợp đồng lao động mới là hợp đồng xác định thời hạn thì cũng chỉ được ký thêm một lần, sau đó nếu người lao động vẫn tiếp tục làm việc thì phải ký kết hợp đồng lao động không xác định thời hạn...

 

Theo phương án 2, thời điểm chấm dứt hiệu lực của hợp đồng xác định thời hạn trong khoảng thời gian từ đủ 12 tháng đến tối đa 72 tháng. Sau đó, trường hợp hai bên ký kết hợp đồng lao động mới là hợp đồng xác định thời hạn thì cũng chỉ được ký thêm một thời hạn nhưng tổng thời hạn của cả hai lần ký không quá 72 tháng, sau đó nếu người lao động vẫn tiếp tục làm việc thì phải ký kết hợp đồng lao động không xác định thời hạn.

 

Thường trực Ủy ban về các vấn đề xã hội thấy rằng cả hai phương án đều có khung tối đa là 72 tháng, tuy nhiên, phương án thứ hai sẽ mềm dẻo hơn phương án thứ nhất vì cho phép người sử dụng lao động và người lao động ký kết hợp đồng xác định thời hạn với thời gian linh hoạt hơn, phù hợp với thời gian thực hiện khác nhau của các công trình, dự án trên thực tế. Đồng thời, quy định này cũng không cản trở quyền quyết định của hai bên trong việc xác định thời gian cụ thể khi giao kết hợp đồng lao động xác định thời hạn.

 

Chủ tịch Tổng liên đoàn lao động Việt Nam Đặng Ngọc Tùng nhất trí cho rằng về lí thuyết, hai phương án này nhìn không có gì khác, cũng quy định khung tối đa là 72 tháng. Tuy nhiên, Chủ tịch Đặng Ngọc Tùng bày tỏ sự băn khoăn cho lực lượng lao động  thủ công (dệt may, da giày). Bởi theo ông, qua giám sát tại các cơ quan da giày, thì họ chỉ sử dụng lao động trong 6 năm khi còn trẻ khỏe, còn sau đó họ lại tìm lao động khác.

 

“Theo phương án 1, thì doanh nghiệp kí với người lao động 1 năm rồi lại kí tiếp 3 năm, sau đó sẽ kí hợp đồng không thời hạn như vậy sau khoảng 4 năm người lao động có được hợp đồng không thời hạn. Còn nếu theo phương án 2 thì phải mất 6 năm người lao động mới có hợp đồng không thời hạn. Vì vậy, tổ chức công đoàn kiến nghị thực hiện phương án 1.” – ông Đặng Ngọc Tùng nói.

 

Xung quanh vấn đề giải quyết tranh chấp lao động và đình công, Thường trực Ủy ban về các vấn đề xã hội cho rằng, sau khi Bộ luật được Quốc hội thông qua thì Chính phủ và các cơ quan có liên quan, Tổng liên đoàn lao động Việt Nam phải tập trung đầu tư nguồn lực nhằm đẩy mạnh và đổi mới công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật, đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ thanh tra lao động, hòa giải viên, trọng tài viên, cán bộ công đoàn các cấp nhất là cán bộ công đoàn cơ sở; đẩy mạnh cơ chế đối thoại tại doanh nghiệp, hỗ trợ để cơ chế này vận hành thường xuyên tại cấp doanh nghiệp mới đáp ứng được yêu cầu đặt ra, khắc phục được những hạn chế của việc thực thi Bộ luật Lao động hiện hành. Đồng thời, phải chú trọng xây dựng và thúc đẩy hoạt động của các thiết chế khác trong quan hệ lao động như Ủy ban Quốc gia về quan hệ lao động, Hội đồng quốc gia về tiền lương, bố trí cán bộ, tổ chức bộ máy để thực hiện chức năng của Nhà nước trong hỗ trợ quan hệ lao động./. 

 

 

Theo Kim Thanh/ Báo điện tử ĐCSVN

Tệp đính kèm