Phí hạn chế phương tiện cá nhân, phí vào nội đô giờ cao điểm mới chỉ là đề xuất báo cáo Chính phủ trình Quốc hội bổ sung vào danh mục Phí, Pháp lệnh phí chứ chưa đề xuất lộ trình thực hiện.
Chiều 3/4, Bộ trưởng Giao thông Vận tải (GTVT) Đinh La Thăng đã chủ trì buổi họp báo thường kì tháng 4/2012. Các vấn đề đang được dư luận quan tâm như phí bảo trì đường bộ sắp được thực hiện, vấn đề phí hạn chế phương tiện giao thông cá nhân, phí lưu hành phương tiện vào thành phố trong giờ cao điểm đã được tập trung giải đáp.
Bộ trưởng Đinh La Thăng thừa nhận việc Bộ GTVT chưa cung cấp thông tin đầy đủ, kịp thời và rõ ràng về phí hạn chế phương tiện giao thông cá nhân, phí lưu hành phương tiện vào thành phố trong giờ cao điểm, dẫn đến một số báo chí đưa thông tin chưa đầy đủ như nội dung tờ trình của Bộ tới Chính phủ.
Liên quan đến vấn đề thu phí bảo trì đường bộ, theo Bộ trưởng Đinh La Thăng, loại phí này được thực hiện theo lộ trình cụ thể, hoàn toàn không phải là đề xuất mới của Bộ GTVT. Phí bảo trì đường bộ được căn cứ theo Luật Đường bộ năm 2008 về giải pháp thực hiện Quỹ bảo trì đường bộ. Tuy nhiên, vì nhiều lý do khác nhau, mới đây các bộ ngành liên quan mới hoàn thiện và Chính phủ ra Nghị định sẽ có hiệu lực từ tháng 6 tới. Mặc dù vậy, trước tình hình kinh tế trong nước và thế giới khó khăn, việc thu phí sẽ không gặp thuận lợi.
Đối với phí hạn chế phương tiện giao thông cá nhân và phí lưu hành phương tiện vào thành phố trong giờ cao điểm, căn cứ vào việc Chính phủ ra nhiều Nghị quyết về giảm thiểu tai nạn giao thông, chống ùn tắc, đặc biệt Nghị quyết số 88 năm 2011, có nêu việc thu phí hạn chế phương tiện giao thông cá nhân và phí lưu hành phương tiện vào thành phố trong giờ cao điểm. Quốc hội đã thông qua các giải pháp giảm thiểu tai nạn, chống ùn tắc của Chính phủ (trong đó có hai loại phí này) với tỷ lệ đồng thuận cao (92,4%).
Bộ trưởng Đinh La Thăng cũng cho biết, hiện tại, Bộ GTVT mới chỉ đề xuất việc thu phí hạn chế phương tiện giao thông cá nhân, phí lưu hành phương tiện vào thành phố trong giờ cao điểm, báo cáo Chính phủ trình Quốc hội bổ sung vào danh mục Phí, Pháp lệnh phí chứ chưa đề xuất lộ trình thực hiện. Việc thu hai loại phí này mang tính chất gián tiếp, hiện phần lớn đường Nhà nước đầu tư chưa được thu phí. Phí đường bộ thu qua các trạm thu phí mới đạt khoảng 25.000 km (chiếm chưa đầy 1%).
Quan điểm của Bộ GTVT là báo cáo Chính phủ và được thống nhất, Chính phủ sẽ trình Quốc hội thông qua, ai sử dụng nhiều phải nộp nhiều, người đi ô tô nộp nhiều hơn xe máy. Đây là dịch vụ gián tiếp mà người đi ô tô được hưởng. Mặc dù nước ta có thu nhập thấp, nhưng phải bảo đảm hạ tầng tương đối đồng bộ, hiện đại. Việc thu phí nhằm mục đích hạn chế sự gia tăng của phương tiện cá nhân và có nguồn vốn để đầu tư hạ tầng.
Hiện nay, Nhà nước vẫn phải sử dụng ngân sách, huy động từ nguồn trái phiếu, các nguồn vốn xã hội, vay ODA… để đầu tư hạ tầng. Tiếp thu ý kiến đóng góp của các Bộ, ngành và nhân dân, Bộ GTVT đề xuất chia nhỏ mức thu các loại xe dung tích 2.000 cm3 trở xuống. Riêng đối với xe máy, việc thu phí sẽ tiến hành sau ô tô (ít nhất là 6 tháng). Bộ cũng đề xuất chỉ thu thí điểm tại 5 thành phố lớn trong khu vực nội đô và không thu phí với người nghèo.
Theo Bộ trưởng GTVT, việc thu phí sẽ tác động đến khoảng 600.000 ô tô, nhưng lợi ích của việc thu phí là sẽ làm cho 100% người dân được hưởng lợi, kể cả người phải đóng phí. Thu phí để có tiền đầu tư hạ tầng, tăng chất lượng dịch vụ xe buýt, phương tiện vận tải công cộng.../.
Theo Nguyễn Quỳnh/VOV online