Cập nhật: 17/04/2012 15:05:12 Article Rating
Xem cỡ chữ

Ngày 1-6 tới đây, Nghị định 29/2012/NĐ-CP về tuyển dụng, sử dụng và quản lý viên chức sẽ chính thức có hiệu lực. Mục đích của việc ban hành ra các quy định này là nhằm giúp khâu tuyển dụng cán bộ được chặt chẽ, bài bản hơn. Tuy nhiên, để mục đích này được bảo đảm thực thi yếu tố con người thực sự quan trọng.

 

Tuyển dụng theo nhu cầu, không theo chỉ tiêu

 

Theo các điều khoản của Nghị định 29, quy trình thi tuyển viên chức không có quá nhiều điểm mới. Theo đó, người dự tuyển phải qua một trong hai hình thức: thi tuyển hoặc xét tuyển.

 

Đối với hình thức thi tuyển, người dự thi tuyển viên chức phải thực hiện các bài thi kiến thức chung và thi chuyên môn, nghiệp vụ chuyên ngành. Việc thi tin học văn phòng và ngoại ngữ đối với người dự thi tuyển viên chức thực hiện theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp và yêu cầu vị trí việc làm. Người đứng đầu cơ quan có thẩm quyền tuyển dụng viên chức quyết định hình thức và nội dung thi phù hợp với yêu cầu của vị trí việc làm.

 

Đối với hình thức xét tuyển viên chức dựa trên hai nội dung, xét kết quả học tập bao gồm điểm học tập và điểm tốt nghiệp của người dự tuyển; kiểm tra, sát hạch thông qua phỏng vấn hoặc thực hành về năng lực, trình độ chuyên môn, nghiệp vụ của người dự tuyển.

 

Người trúng tuyển trong kỳ xét tuyển viên chức phải có đủ các điều kiện: có điểm học tập, điểm tốt nghiệp và điểm phỏng vấn hoặc thực hành, mỗi loại đạt từ 50 điểm trở lên; có kết quả xét tuyển cao hơn lấy theo thứ tự từ cao xuống thấp đến hết chỉ tiêu được tuyển dụng của từng vị trí việc làm. Không thực hiện việc bảo lưu kết quả thi tuyển cho các kỳ thi tuyển lần sau. Đối với một số vị trí cụ thể, đối tượng tham dự thi tuyển có thể được miễn thi ngoại ngữ, tin học khi có đủ điều kiện quy định.

 

Những viên chức đã có thời hạn làm việc tại đơn vị sự nghiệp công lập đủ 60 tháng trở lên (không kể thời gian tập sự), có trình độ đào tạo, kinh nghiệm công tác và đáp ứng được ngay yêu cầu của vị trí việc làm cần tuyển dụng, khi cơ quan quản lý, sử dụng công chức có nhu cầu tuyển dụng thì được xét chuyển vào công chức không qua thi tuyển theo quy định của pháp luật về công chức.

 

Sẽ không để “lọt” người có năng lực?

 

Thực tế thời gian qua nhiều địa phương, đơn vị thực hiện công khai, cụ thể hoá chế độ, cách thức tuyển dụng, chọn đội ngũ cán bộ có đủ trình độ, kiến thức để đáp ứng yêu cầu công việc, song công tác tuyển dụng cán bộ ở không ít địa phương, cơ quan, đơn vị còn nhiều bất cập. Tình trạng nhận người theo kiểu “con cháu các cụ cả”, “phao” thi trắng xóa phòng thi trong kỳ thi tuyển cán bộ, công chức, viên chức, gian lận để lo lót, chạy chọt trong việc xét điểm thi tuyển, để rồi đến ‘thi cho có”, điều kiện, đối tượng thi tuyển không rõ ràng, thiếu công khai … là những lý do khiến những người có năng lực, phẩm chất thật sự bị “rớt” còn người không đáp ứng được công việc thì lại “trúng”.

 

Một đại biểu nhiệm kỳ quốc hội khóa 12 đã nhận định, khoảng 30% cán bộ làm được việc, 30% cán bộ công chức phải cầm tay chỉ việc, và hơn 30% còn lại cầm tay chỉ việc cũng không biết việc mà làm. Vậy, có phải khâu tuyển dụng của ta có vấn đề.? Nhưng tại phiên chất vấn mới đây, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Thái Bình trả lời rằng việc phát hiện, chỉ rõ tiêu cực, chạy việc ….là rất khó.

 

Chính phủ đã có nhiều văn bản nhằm đổi mới, cải tiến chính sách tuyển dụng cán bộ để thu hút nhân tài, bồi dưỡng nhân lực, hạn chế đến mức thấp nhất tình trạng “ngồi chơi, xơi nước” là chủ yếu của một bộ phận viên chức, công chức ngay từ khâu tuyển dụng. Nhưng khâu tuyển dụng vẫn bị“lọt”. Văn bản quy định công chức không làm được việc trong thời hạn hai năm sẽ bị sa thải nhưng thực tế có mấy người đã phải bị sa thải theo điều khoản này?

 

Nhiều quy chế tuyển dụng cán bộ được đưa ra để cải cách, đổi mới chất lượng đội ngũ cán bộ công chức, viên chức nhưng đây vẫn là điểm “trũng” nhất trong Chương trình tổng thể cải cách hành chính. Vấn đề không phải là chúng ta thiếu văn bản, thậm chí là có nhiều văn bản nhưng việc thực hiện một cách nghiêm túc các văn bản đó hay không mới là chuyện đáng bàn.

 

Nếu chúng ta cương quyết thanh lọc, thực hiện nghiêm túc văn bản, chỉ đạo thì mới hy vọng chất lượng của đội ngũ cán bộ. Cải cách, văn bản chỉ là nền tảng, yếu tố tiên quyết chính là những người thực hiện.

 

 

 

Theo Nhandan Online

Tệp đính kèm