Cập nhật: 08/06/2012 14:53:19 Article Rating
Xem cỡ chữ

Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng - Thủy văn T.Ư, các tỉnh miền bắc chịu ảnh hưởng của rãnh áp thấp nên đêm và sáng sớm nhiều mây, có mưa rào và dông rải rác.

Miền trung tiếp tục nắng nóng. Tại các tỉnh từ Thanh Hóa đến Thừa Thiên - Huế nhiệt độ cao nhất từ 33 đến 360C, tại một số vùng núi có nắng nóng với nhiệt độ 36 - 370C. Do ảnh hưởng

 

của gió mùa tây nam nên khu vực giữa và nam Biển Ðông (bao gồm cả vùng biển quần đảo Trường Sa), vùng biển từ Bình Thuận đến Cà Mau, Cà Mau đến Kiên Giang và vịnh Thái-lan có mưa rào và dông mạnh, trong cơn dông cần đề phòng có lốc xoáy và gió giật mạnh. Ở khu vực nam Biển Ðông và vùng biển từ Bình Thuận đến Cà Mau có gió tây nam mạnh cấp 5, có lúc cấp 6, giật trên cấp 6.

 

Tuyên Quang đang khẩn trương khắc phục hậu quả do mưa lớn, lũ quét xảy ra ngày 5-6 vừa qua. Trong đó huyện miền núi Lâm Bình bị thiệt hại nặng nhất. Ðến chiều 7-6, tuyến đường từ xã Thổ Bình đến trung tâm huyện đã được thông xe trở lại. Tỉnh trợ giúp hai hộ gia đình có nhà cửa, tài sản bị lũ cuốn trôi hoàn toàn ở xã Bình An, huyện Lâm Bình tám triệu đồng/hộ; các hộ bị ảnh hưởng được trợ giúp hai triệu đồng/hộ.

 

Ðể bảo đảm an toàn trong mùa bão lũ năm nay, TP Hà Nội đã yêu cầu Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chỉ đạo lập và phê duyệt phương án phòng, chống lụt bão ở các trọng điểm xung yếu trên các tuyến đê Hữu Hồng thuộc địa bàn quận Hoàng Mai, và huyện Từ Liêm; đê, kè Thanh Am, Tình Quang (K3+700 đến K5+840) trên tuyến đê hữu Ðuống thuộc địa bàn quận Long Biên...

 

Bên cạnh việc thực hiện phương châm "bốn tại chỗ" như trước đây (gồm chỉ huy tại chỗ, lực lượng tại chỗ, vật tư tại chỗ, hậu cần tại chỗ), Ban Chỉ huy phòng chống lụt bão tỉnh Quảng Nam còn triển khai thêm "quản lý tại chỗ". Tỉnh đã chuẩn bị 10 bãi đỗ máy bay lên thẳng cứu hộ - cứu nạn tại một số địa phương như Hội An, Nông Sơn, Ðiện Bàn, Tây Giang, Nam Trà My... Trang bị 19 ca-nô, xuồng máy; 132 nhà bạt các loại; hơn 3.400 áo phao, phao tròn, phao bè cùng nhiều vật dụng khác phục vụ công tác phòng, chống lụt bão và tìm kiếm cứu nạn.

 

Tỉnh Trà Vinh quyết định dành 52 tỷ đồng để triển khai thực hiện công tác phòng, chống lụt bão và giảm nhẹ thiên tai trên địa bàn. Trong đó dành 41 tỷ đồng cho Sở Công thương mua dự trữ 4.000 tấn lương thực, hàng nhu yếu phẩm và 550 nghìn lít xăng, dầu. Sở Lao động, Thương binh và Xã hội tỉnh được phân bổ hơn 10 tỷ đồng để cứu trợ khi có thiên tai xảy ra. Số còn lại gần một tỷ đồng được giao cho ngành y tế dự trữ thuốc men để điều trị và phòng, chống dịch bệnh khắc phục hậu quả lụt bão.

 

Phòng, chống lụt, bão và tìm kiếm cứu nạn năm nay, tỉnh Tây Ninh kiểm tra kỹ và có phương án kế hoạch toàn diện đến các vùng trọng điểm, công trình trọng điểm như: hồ Dầu Tiếng, đập Tha La, hồ Nước Trong, hệ thống tưới tiêu, vùng ven sông Vàm Cỏ, ven sông Sài Gòn, ven rạch Tây Ninh. Riêng công trình hồ Dầu Tiếng, Công ty TNHH MTV Khai thác Thủy lợi Dầu Tiếng - Phước Hòa khẩn trương xây dựng quy trình vận hành liên hồ. Tăng cường kiểm tra phương án xử lý khi công trình xảy ra sự cố, cảnh báo kịp thời cho chính quyền và nhân dân trong vùng hạ lưu bị ảnh hưởng trực tiếp, trước khi xả lũ.

 

Ngày 7-6, tại Hà Nội, Cục Thú y phối hợp Cục Chăn nuôi và  Hiệp hội Chăn nuôi gia cầm Việt Nam tổ chức hội thảo "Thực trạng và các đề xuất kinh doanh, giết mổ và chế biến gia cầm, sản phẩm gia cầm an toàn thực phẩm". Tại hội thảo, các đại biểu chia sẻ kinh nghiệm, đề xuất giải pháp nhằm nâng cao điều kiện vệ sinh thú y, an toàn thực phẩm và xây dựng đề án về Quản lý giết mổ gia súc, gia cầm trong thời gian tới.

 

Theo Trung tâm bảo vệ thực vật phía nam, toàn vùng ÐBSCL hiện có hơn 70 nghìn ha lúa hè thu bị nhiễm bệnh đạo ôn lá. Bên cạnh đó, còn có hơn 60 nghìn ha lúa bị nhiễm rầy nâu, 3.000 ha lúa bị nhiễm bệnh vàng lùn và lùn xoắn lá, tập trung nhiều ở các tỉnh Ðồng Tháp, Vĩnh Long, Cần Thơ, Bến Tre và Long An. Ngành bảo vệ thực vật yêu cầu các địa phương khuyến cáo nông dân thường xuyên thăm đồng để kịp thời phát hiện sâu bệnh; thực hiện tốt công tác dự báo và phun xịt thuốc trị sâu bệnh đúng kỹ thuật.

 

Tại An Giang, bệnh đạo ôn lá có xu hướng bùng phát mạnh, với diện tích và mức độ gây hại đều tăng cao, trong đó có 49 ha phải tiêu hủy do mức độ nhiễm bệnh từ 78% trở lên. Ngành bảo vệ thực vật tỉnh đã cử cán bộ kỹ thuật nắm thông tin các diện tích lúa bị bệnh đạo ôn, khoanh vùng và tổ chức hướng dẫn cho nông dân các biện pháp chăm sóc, phòng trị.

 

Do tác động của dòng chảy, bãi bồi đoạn đê tả sông Mã từ K3 + 318 đến K3 + 354, thuộc xã Vĩnh Yên, huyện Vĩnh Lộc (Thanh Hóa) đang bị sạt lở, đe dọa sự an toàn của nhân dân. Cùng với việc gia cố, chống sạt lở tạm thời, xã Vĩnh Yên đã huy động lao động chở hàng nghìn m3 đất, hàng trăm m3 đá hộc và các vật tư phòng, chống lụt bão tập kết trên đê, đối phó tình huống nguy cấp có thể xảy ra. Mặt khác, xã phân công trung đội dân quân mạnh thường xuyên tuần tra, canh gác đê, bảo đảm phát hiện, xử lý, chống sạt lở điểm xung yếu này.

 

 

Theo Nhandan Online

Tệp đính kèm