Cập nhật: 12/06/2012 16:42:05 Article Rating
Xem cỡ chữ

Theo Trung tâm dự báo Khí tượng - Thủy văn T.Ư, do ảnh hưởng của rìa nam rãnh áp thấp bị nén kết hợp hiệu ứng phơn mạnh, cho nên ngày 11-6 ở các tỉnh từ Thanh Hóa đến Phú Yên tiếp tục có nắng nóng với nền nhiệt độ phổ biến ở mức  35 đến 36oC, một số nơi có nhiệt độ cao như Sầm Sơn (Thanh Hóa) 36,4oC, Nam Ðông (Thừa Thiên - Huế) 37oC, Ðà Nẵng 37,3oC, Tam Kỳ (Quảng Nam) 36,4oC, Tuy Hòa (Phú Yên) 36,5oC…

Hôm nay (12-6), nắng nóng tiếp tục xảy ra ở các tỉnh từ Thanh Hóa  đến Phú Yên, với nền nhiệt độ phổ biến ở mức 35 đến 37oC, có nơi hơn 37oC. Dự báo, đợt nắng nóng còn kéo dài hai đến ba ngày tới.

 

Theo Ban chỉ đạo PCLB T.Ư, trong những ngày qua, một số địa phương đã xảy ra mưa lớn cục bộ, như huyện Bắc Quang (Hà Giang) lượng mưa đo được 391 mm, Tam Ðường (Lai Châu) 106 mm; Mộc Châu (Sơn La) 60 mm... Mưa lớn đã gây sạt lở năm điểm trên tuyến đường từ Bắc Quang đi Xín Mần, làm ách tắc giao thông. Các cơ quan chức năng đã tiến hành khắc phục sự cố và đã thông xe.

 

Khoảng 1 giờ ngày 10-6, trời mưa to cho nên tại Km 138+800, quốc lộ 6 thuộc khu vực xóm Phiêng Sa, xã Ðồng Bảng, huyện Mai Châu (Hòa Bình) đã xảy ra sạt lở khoảng 3.000 m3 đất, đá ta-luy dương, gây ách tắc giao thông. Ngay sau khi xảy ra sạt lở, Công ty cổ phần Ðầu tư và xây dựng công trình 222 và chính quyền địa phương đã huy động lực lượng, phương tiện san ủi. Ðến nay, sự cố sạt lở đã được khắc phục, tình trạng ách tắc giao thông trên quốc lộ 6 đã được giải tỏa.

 

Tỉnh Quảng Ngãi đã phê duyệt 13 tỷ 864 triệu đồng xây dựng cơ sở hạ tầng sáu khu tái định cư tại các huyện Lý Sơn, Nghĩa Hành, Sơn Tịnh, Tây Trà và Ba Tơ, nhằm di dời khẩn cấp 357 hộ dân ra khỏi vùng sạt lở. Ðây là sáu dự án khẩn thiết, cần được đầu tư sớm để đưa các hộ dân trong vùng có nguy cơ sạt lở, vùng nguy hiểm ven sông, ven suối, ven biển, nứt núi... đe dọa tính mạng của hàng trăm người dân, nhất là vào mùa mưa lũ.

 

Do ảnh hưởng mưa và áp lực dòng chảy trên sông Tiền, tuyến đường ấp Hạ và ấp Tân Phú A, xã Tân Bình, huyện Thanh Bình (Ðồng Tháp) đã xảy ra ba vụ sạt lở bờ sông nghiêm trọng, với tổng chiều dài hơn 70m, ăn sâu vào mặt đường từ hai đến bảy mét và còn đang tiếp tục ăn sâu vào đất liền. Sau khi xảy ra sạt lở, địa phương đã làm tạm một số đoạn đường mới cho xe lưu thông và di dời gần 10 hộ dân có nhà nằm trên các đoạn đường mới đến ở nơi khác.

 

Theo Trung tâm Quan trắc và Kỹ thuật Môi trường tỉnh Ðồng Nai, lượng nước tại nhiều sông, suối trên địa bàn bị ô nhiễm nặng nề. Riêng sông Giêng, mức độ nhiễm khuẩn E.coli vượt từ 18,6 đến 92 lần so với tiêu chuẩn. Ðặc biệt, chất lượng nước của suối Thẻ, suối Gia Măng còn không đạt yêu cầu tưới tiêu thủy lợi theo quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về chất lượng nước mặt QCVN 08:2008. Nguyên nhân là do đa số các hộ dân sống gần sông, suối đổ trực tiếp rác thải ra sông. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp nằm gần khu vực sông, suối đã thải ra một lượng lớn chất thải, đầu độc nguồn nước.

 

UBND tỉnh Trà Vinh vừa quyết định chi hơn 12 tỷ đồng hỗ trợ các nhà vườn phòng, chống bệnh "chổi rồng" gây hại cây nhãn. Các nhà vườn có diện tích nhãn bị nhiễm bệnh từ 30 đến 70% sẽ được hỗ trợ 1,2 triệu đồng/ha; đối với diện tích nhãn bị thiệt hại hơn 70%, được hỗ trợ 3,1 triệu đồng/ha. Ngoài ra, các nhà vườn có diện tích nhãn bị thiệt hại từ 30% trở lên còn được hỗ trợ 100% chi phí mua thuốc BVTV để phòng trị. Ngành nông nghiệp tỉnh còn phối hợp các ngành, các cấp có liên quan tiến hành điều tra, khảo sát mức độ thiệt hại, tỷ lệ nhãn bị nhiễm bệnh theo từng giai đoạn ra đọt non, ra bông... Tổ chức tập huấn hướng dẫn kỹ thuật cho các nhà vườn, xây dựng các mô hình trình diễn trong việc quản lý, chăm sóc, phòng trị bệnh "chổi rồng" gây hại...

 

Từ đầu năm đến nay, tỉnh Cà Mau có  gần 700 ha diện tích tôm nuôi công nghiệp và 6.644 ha  diện tích tôm nuôi quảng canh bị chết trắng, gây thiệt hại hàng chục tỷ đồng. Riêng trong tháng 5, diện tích tôm chết có dấu hiệu lây lan nhanh tại các vùng nuôi tôm tập trung của tỉnh với diện tích thiệt hại nặng hơn 110 ha tôm nuôi công nghiệp và 1.136 ha tôm nuôi quảng canh. Theo ngành nông nghiệp, ngoài yếu tố thời tiết, môi trường chung quanh tiềm ẩn, phát sinh dịch bệnh; tôm giống không bảo đảm chất lượng cũng là nguyên nhân làm cho tôm nuôi chết. Trước mắt, ngành nông nghiệp đã xuất và hỗ trợ cho các huyện 42 tấn Chlorine để xử lý ao đầm nuôi tôm; chỉ đạo các địa phương rà soát, thống kê đối với số hộ bị thiệt hại nặng để có biện pháp hỗ trợ sản xuất theo quy định chung.

.

 

 

Theo Nhandan Online

 

Tệp đính kèm