Do địa hình tự nhiên chia cắt mạnh, độ dốc lớn và lượng mưa cao, vào mùa mưa bão ở Lào Cai thường xảy ra lũ quét, sạt lở đất. Trước mùa mưa bão năm nay, tỉnh chủ động thực hiện sớm bốn giải pháp để phòng chống, giảm thiệt hại tính mạng và tài sản của người dân do lũ quét, sạt lở đất
gây ra.
Phó Giám đốc Trung tâm dự báo Khí tượng - Thủy văn Lào Cai Lưu Minh Hải cho biết: Do sự biến đổi khí hậu, cho nên khí tượng - thủy văn ở Lào Cai ngày càng diễn biến phức tạp, khó lường; nhất là những trận mưa lớn, diễn ra trong thời gian ngắn, kèm theo lốc xoáy và sét. Năm nay, mưa lớn đến sớm hơn, kèm theo lốc xoáy và mưa đá. Tính từ đầu mùa mưa bão đến nay, ở Lào Cai đã xảy ra bốn đợt mưa lớn, ba đợt lốc xoáy. Ðiển hình như trận mưa lớn (xảy ra ngày 20-4-2012) kèm theo lốc xoáy mạnh và mưa đá dữ dội, hạt đá to bằng nắm tay người lớn, đã xuyên thủng mái lợp ngói đất nung và tấm lợp xi-măng, phá hỏng hơn 2.000 ngôi nhà dân, trường học, trạm y tế... ở 18 xã của các huyện Bảo Thắng, Mường Khương, Bảo Yên. Ðêm 5-5-2012, trận mưa lớn kèm theo lốc xoáy mạnh cấp 7 diễn ra chớp nhoáng trong khoảng 20 phút, đã vặn đổ phần lớn cây xanh cổ thụ (đa, phượng vĩ, si...), nhiều cột điện và mái nhà cao tầng ở TP Lào Cai. Tuy nhiên, hiểm họa lớn nhất là lũ quét, sạt lở đất. Ðây là dạng thiên tai điển hình, khó lường, gây hậu quả nghiêm trọng nhất, thường xảy ra ở nhiều tỉnh miền núi phía bắc như Lào Cai, Bắc Cạn, Hà Giang, Lai Châu...
Lào Cai có hệ thống sông Hồng, sông Chảy, sông Nậm Thi và hàng trăm suối lớn nhỏ thuộc vùng thượng nguồn, có độ dốc cao, gấp khúc. Do điều kiện địa hình và tập tục lâu đời, đồng bào dân tộc thiểu số thường cư trú, sản xuất tại các thung lũng, dưới chân núi cao hoặc bên cạnh các con suối Mường Hum, Mường Hoa, Ngòi Chăn, Ngòi Ðum, Suối Nhù... Tại các huyện vùng cao như Sa Pa, Bát Xát, Mường Khương, Bắc Hà... hiện vẫn còn hàng nghìn hộ gia đình đồng bào dân tộc Mông, Dao, Tày, Giáy... sinh sống và sản xuất ở dưới chân núi cao, vùng đất xuất hiện vết nứt đứt gãy địa chất như Bản Xèo (Bát Xát), Thanh Kim (Sa Pa) rất dễ trượt sụt khi có mưa lớn kéo dài; hoặc ở ven Ngòi Chăn, Suối Nhù (Văn Bàn) có nguy cơ bị cuốn trôi khi xảy ra lũ quét, lũ ống...
Toàn tỉnh hiện có 17 hồ, đập thủy điện được tích đủ nước theo thiết kế, chứa từ vài chục đến hàng trăm triệu mét khối nước (lớn nhất là hồ thủy điện Cốc Ly, với sức chứa hơn 170 triệu mét khối nước). Các đập, hồ thủy điện này đều "treo" trên núi cao, từ 500 đến 700 mét so với mặt thông thủy tại địa phương. Nguy hiểm nhất là các đập thủy điện Séo Choong Hô, Ngòi San, Nậm Khóa 3, Mường Hum..., tại các huyện vùng cao Sa Pa, Bát Xát, Văn Bàn. Các đập này khá lớn (nhà máy phát điện có công suất từ 10 đến 30MW), ở trên độ cao vài trăm mét; khi mưa lớn kéo dài, nước từ núi cao đổ về đập, nếu có sự cố xảy ra sẽ gây thiệt hại khó lường cho dân cư phía dưới hạ lưu.
Chủ động phòng, chống để giảm thiệt hại do lũ quét, sạt lở đất, tỉnh Lào Cai tập trung thực hiện đồng bộ bốn giải pháp, đó là: Ðẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức của người dân về phòng, chống lũ quét, sạt lở đất; tổ chức di dời dân ra khỏi vùng nguy hiểm; xây dựng các công trình phòng, chống thiên tai (kè, nắn suối) và cảnh báo sớm (cột tiêu, biển báo nguy hiểm) và nâng cao năng lực tổ chức ứng cứu, khắc phục thiên tai theo phương châm "bốn tại chỗ" (lực lượng tại chỗ, chỉ huy tại chỗ, cơ sở vật chất tại chỗ và hậu cần tại chỗ). Theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng ban PCLB và TKCN tỉnh Lào Cai Doãn Văn Hưởng, trước mùa mưa bão, tỉnh đã di chuyển 561 hộ dân ra khỏi vùng nguy hiểm, vùng có nguy cơ thiên tai cao; nhất là hộ dân sinh sống ở các vùng có nguy cơ lũ quét, sụt lở đất cao ở các huyện Sa Pa, Bát Xát, Văn Bàn, Bảo Yên... Chỉ đạo các nhà thầu tập trung nhân lực đẩy nhanh tiến độ thi công kè bờ sông Hồng, sông Chảy, suối Nậm Thi... tại những đoạn có dân cư sinh sống hoặc có nguy cơ sụt lở cao. Ngành chức năng và chính quyền địa phương đã tiến hành kiểm tra an toàn 30 hồ thủy lợi, đập thủy điện trên địa bàn. Bên cạnh đó, lắp đặt một số trạm đo mưa, thiết bị cảnh báo không dây tại các vùng trọng điểm để cảnh báo sớm lũ quét, lũ ống trên sông, suối. Tỉnh Lào Cai đặc biệt chú trọng phát huy khả năng phòng, chống lũ quét, sạt lở đất trong cộng đồng dân cư thông qua việc phát huy tối đa "bốn tại chỗ", bởi vì người dân hiểu rõ nhất trong thôn, bản mình thường xảy ra những loại thiên tai gì, vào thời điểm nào, do vậy phòng tránh đơn giản và hiệu quả hơn.
Bên cạnh việc di chuyển dân ra khỏi vùng nguy hiểm, UBND tỉnh Lào Cai chỉ đạo các ngành giao thông vận tải, xây dựng, viễn thông, công an, quân đội... chuẩn bị phương án phòng, chống bão lũ; bảo đảm giao thông, thông tin liên lạc thông suốt và lực lượng cơ động ứng cứu khi cần thiết. Ðể phòng ngừa sạt lở ta-luy và ngập úng trên hàng trăm chiếc ngầm thuộc hệ thống hơn 3.500 km đường giao thông cấp huyện, xã, ngành giao thông vận tải đã tiến hành kiểm tra, củng cố các mái ta-luy, các ngầm suối có nguy cơ trượt sụt hoặc ngập úng; cắm biển cảnh báo tại các vị trí có nguy cơ đá lăn, đất lở; sơn mới các cột thủy chí tại các ngầm suối; chuẩn bị 500 rọ đá dự phòng tại các vị trí có nguy cơ sạt lở nền đường. Trước mùa mưa bão năm nay, tỉnh Lào Cai đã chuẩn bị lực lượng sẵn sàng ứng phó thiên tai với khoảng 10 nghìn người.
Tuy nhiên, công tác PCLB ở Lào Cai còn một số hạn chế cần khắc phục. Ðó là: Phương châm "bốn tại chỗ" đã được triển khai tại cơ sở nhưng chưa đồng đều, vững chắc. Lực lượng cứu hộ tại các xã, thôn, bản còn thiếu và yếu. Một bộ phận người dân còn chủ quan, vẫn đang sinh sống tại chân núi cao, vách ta-luy cạnh đường giao thông hoặc ven sông suối, rất dễ gặp nguy hiểm khi có mưa lớn. Ðiều này cần được khắc phục ngay trước mùa mưa bão đang đến gần để ngăn ngừa, giảm đến mức thấp nhất thiệt hại có thể xảy ra.
Theo Nhandan Online