Điều kiện thời tiết hiện nay đang là thời điểm thuận lợi cho vi rút phát triển, cộng thêm mức độ bảo hộ vaccine thấp và sự buông lỏng kiểm soát vận chuyển tại các tỉnh biên giới khiến dịch cúm gia cầm có thể bùng phát bất cứ lúc nào. Đó là khẳng định của Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Diệp Kỉnh Tần tại cuộc họp Ban chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch cúm gia cầm diễn ra chiều 7/8 tại Hà Nội.
Theo báo cáo của Cục Thú y, dịch lở mồm long móng trên gia súc đã được khống chế, hiện cả nước còn 2 địa phương là Đắc Lắc và Nghệ An xuất hiện dịch lợn tai xanh. Đáng lo ngại là chỉ sau một thời gian ngắn tạm ngừng dịch cúm gia cầm đã tái phát tại một số tỉnh, thành ở đồng bằng sông Hồng và Bắc Trung Bộ gồm: Quảng Bình, Hải Dương, Hải Phòng và Hà Tĩnh. Các ổ dịch xuất hiện nhỏ lẻ, rải rác chủ yếu trên đàn thủy cầm nuôi trong hộ gia đình, vịt chạy đồng… Ngoài hai địa phương mới ghi nhận dịch cúm gia cầm là Hải Phòng và Hà Tĩnh, tại tỉnh Quảng Bình, dịch tiếp tục phát sinh thêm gần 10 xã trên địa bàn. Đến thời điểm hiện hay, số lượng gia cầm chết và tiêu hủy của các địa phương đã lên đến gần 100.000 con. Cục Thú y đã cấp gần 3 triệu liều vaccine cúm gia cầm cho các địa phương phòng chống dịch.
Tại cuộc họp Ban chỉ đạo, Thứ trưởng Diệp Kỉnh Tần nêu rõ: Cúm gia cầm đã và đang xuất hiện tại các tỉnh Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ nguy cơ dịch lây lan là rất lớn do đối với miền Bắc hiện nay hiệu lực của vaccine cúm gia cầm còn thấp chỉ khoảng 60% mức độ bảo hộ. Đặc biệt, đây là vi rút cúm gia cầm có thể gây tử vong trên người vì vậy các địa phương cần thực hiện nghiêm Công điện của Thủ tướng Chính phủ về phòng chống dịch cúm AH5N1, Chỉ thị phòng chống dịch bệnh gia súc, gia cầm của Bộ NN&PTNT. Thứ trưởng cũng đề nghị Bộ Công an, Bộ Công Thương phối hợp với Bộ NN&PTNT thực hiện nghiêm chỉ đạo theo Công điện của Thủ tướng Chính phủ về phòng chống dịch cúm A H5N1, triển khai sớm và quyết liệt triệt phá một số đầu nậu nhập lậu gia cầm qua biên giới ở các tỉnh giáp biên.
Thứ trưởng Diệp Kỉnh Tần đã yêu cầu các thành viên Ban chỉ đạo tổng kết đánh giá việc sử dụng vaccine chống tai xanh và đề ra kế hoạch trong thời gian tới, trong đó chú trọng đến phát huy tính chủ động của địa phương trong phòng chống dịch./.
Theo TTXVN