Mới đây, theo tin từ Cục Y tế dự phòng, trong 6 tháng đầu năm, cả nước có hơn 26.200 ca sốt xuất huyết, tăng 40% so với năm 2011, trong đó có 30 ca tử vong.
Riêng tháng Sáu đã có 8.000 ca mắc mới và số người mắc bệnh này vẫn đang tiếp tục gia tăng.
Thống kê cho thấy, hiện nay, phần lớn số mắc sốt xuất huyết vẫn tập trung ở các tỉnh phía Nam (chiếm gần 90%).
Địa phương có số mắc sốt xuất huyết tăng cao nhất là Kiên Giang, tiếp đến là Bà Rịa Vũng Tàu, Đắk Nông.
So với cùng kỳ năm ngoái Thành phố Hồ Chí Minh, Cà Mau… là những địa phương có số mắc sốt xuất huyết giảm từ 20- 50%, tuy nhiên số ca mắc ghi nhận vẫn ở mức cao.
Ngược lại với tình trạng bệnh sốt xuất huyết đang hoành hành dữ dội tại các tỉnh miền Trung và miền Nam thi tại các tỉnh miền Bắc dịch bệnh này lại giảm hơn 40%.
Các chuyên gia dịch tễ học cho biết, theo quy luật đỉnh dịch thường rơi vào từ tháng 7- 9 hàng năm. Vì vậy, các địa phương cần tiến hành các biện pháp để phòng chống dịch.
Nguyên nhân khiến nhiều người mắc bệnh sốt xuất huyết là do bệnh chưa có vắcxin và thuốc điều trị đặc hiệu. Bên cạnh đó, thời tiết diễn biến phức tạp khiến cho mật độ muỗi phát sinh nhiều làm bệnh lây lan nhanh hơn.
Theo khuyến cáo của Cục Y tế dự phòng, để phòng tránh bệnh sốt xuất huyết hiệu quả thì người dân cần thực hiện các biện pháp dự phòng, đặc biệt là diệt muỗi, diệt loăng quăng, bọ gậy để giảm tác nhân truyền bệnh là rất quan trọng.
Để tránh bị muỗi đốt, truyền bệnh sốt xuất huyết, từng cá nhân, hộ gia đình cần ngủ màn (kể cả ban ngày), mặc quần áo dài tay./.
Theo Thùy Giang/Vietnam+