Vi phạm pháp luật trên mạng Internet khiến các cơ quan, tổ chức, cá nhân lúng túng, nhiều vụ gây hậu quả nghiêm trọng nhưng chế tài xử phạt chỉ mang tính "nhắc nhở". Các nhà làm luật cho rằng đã đến lúc phải có quan điểm nghiêm khắc hơn với tội phạm mạng.
Hậu quả nghiêm trọng xuất phát từ lỗi… thích đùa!
Trên mạng Internet, có vụ vi phạm nghiêm trọng, gây hậu quả xấu, mức độ ảnh hưởng lan rộng nhưng lỗi gây ra có thể rất đơn giản: chỉ mang tính đùa nghịch, vô ý thức. Vụ Nguyễn Minh Trí, một học sinh phổ thông thay ảnh trên trang web Bộ Giáo dục và Đào tạo là ví dụ.
Vụ việc khép lại bằng việc Trí nhận hình thức kỷ luật và lời khuyên bảo của người đứng đầu Bộ Giáo dục và Đào tạo: "Em Trí đã thấy trách nhiệm, trường đã thấy trách nhiệm, Bộ Giáo dục thấy trách nhiệm, vậy là điều cần nhất phải giúp em Trí có lối ra để trở thành một công dân có ích, người con có ích cho gia đình".
Tuy nhiên, nhiều vụ vi phạm pháp luật trên mạng, lỗi được xác định cố ý, thủ phạm nhằm mục đích bôi nhọ, xâm phạm danh dự, nhân phẩm của công dân, tổ chức hoặc với mục đích, động cơ không tích cực.
Điển hình của hành vi này là tán phát các ảnh, băng, đĩa hình thuộc về bí mật đời tư của công dân lên mạng Internet, nhiều vụ gây hậu quả nghiêm trọng (như vụ clip sex Nhật ký Vàng Anh).
Một số vụ vi phạm nguy hiểm như đánh tráo, thay đổi nội dung trên website, xuyên tạc, bôi nhọ sự thật cá nhân, tổ chức và cộng đồng… cũng gây hậu quả nghiêm trọng.
Tóm lại, dù cố ý hay vô ý, mức độ đơn giản hay nghiêm trọng thì các vi phạm trên mạng Internet đang ngày càng phức tạp, khó kiểm soát và thủ đoạn cũng nguy hiểm hơn rất nhiều.
Trung tâm An ninh mạng (BKIS) cho rằng, nếu những năm 80 của thế kỷ trước, các virus trên DOS do các sinh viên trường kỹ thuật viết ra với mục đích chủ yếu là nghịch ngợm thì đến cuối những năm 90, virus hoành hành trên Windows với mục đích ăn cắp tài khoản, mật khẩu truy cập Internet của các cá nhân, tổ chức. Tình trạng trên diễn ra mạnh vào những năm đầu thế kỷ XXI và ngày càng trở nên nghiêm trọng hơn.
Các dạng vi phạm thường gặp như: Tạo mạng botnet (quảng cáo thuê, bảo kê, tống tiền); ăn cắp thông tin và phá hủy dữ liệu. Bên cạnh nạn virus, sự hoành hành của thư rác cũng ngày một nhiều. Tuy nhiên, các vi phạm chủ yếu vẫn lọt lưới pháp luật, thỉnh thoảng có xử lý một vài vụ nhưng mang tính "nhắc nhở" là chính.
Hai dạng tội phạm mạng
Phòng Đấu tranh tội phạm công nghệ cao, Cục C15 tạm chia ra hai dạng tội phạm máy tính. Một là tội phạm công nghệ thông tin, truyền thông với các hành vi chủ yếu như tấn công cơ sở dữ liệu, phát tán chương trình virus, đột nhập trái phép cơ sở, dữ liệu máy tính, đưa thông tin trái phép lên mạng... Hai là tội phạm có tính truyền thống, trong đó máy tính được sử dụng như một công cụ để gây án, các đối tượng lưu giữ thông tin tội phạm trên máy tính như lừa đảo chiếm đoạt tài sản, buôn bán ma tuý, tham nhũng, rửa tiền...
Một trong những hành vi vi phạm này được kể đến là tình trạng lấy cắp thông tin tài khoản thẻ tín dụng để mua, bán, thanh toán trực tuyến. Hành vi này gây thiệt hại lớn về kinh tế, tài chính cho hàng loạt doanh nghiệp cũng như gây ảnh hưởng tiêu cực đến uy tín trong giao dịch điện tử và thanh toán quốc tế.
Vi phạm dưới dạng này không thể định lượng thiệt hại số tiền bao nhiêu qua việc rút thẻ, không chỉ ảnh hưởng đến một cá nhân, tổ chức cụ thể mà hậu quả rất nguy hiểm về mặt uy tín, thương hiệu.
Một ngân hàng có tội phạm mạng đột nhập kiểu như vậy nếu công bố trước đại chúng thì ảnh hưởng xã hội, kinh tế vô cùng lớn. Đã từng xảy ra vụ đối tượng trực tiếp thực hiện 118 giao dịch với 43 thẻ Mastercard, sử dụng 43 hộ chiếu giả, tổng số tiền đã được chấp nhận thanh toán lên tới 486 nghìn USD.
Hiện, những hành vi như tấn công bằng virus, thay đổi nội dung website... ở ta chỉ bị xử phạt hành chính thì ở các nước bị khép vào loại tội phạm hình sự, bị truy tố trước pháp luật. Một số vụ tung ảnh, clip sex lên mạng gây xôn xao dư luận nhưng rốt cuộc, thủ phạm chỉ bị xử lý hành chính hoặc nếu xử hình sự cũng ở khung hình phạt rất nhẹ.
Trong thời đại công nghệ số, mọi bí mật cá nhân kiểu như quay video clip cảnh quan hệ, chụp ảnh khỏa thân với mục đích làm kỷ niệm thầm kín, rất có nguy cơ bị tung lên mạng. Thủ phạm tung các ảnh, clip sex lên mạng có thể là người thứ ba, vô tình hay cố ý, song cũng có thể do chính người tình của nạn nhân gây ra khi tình cảm giữa họ đã chuyển thái cực.
Không giống như thời của ảnh và băng, đĩa hình, việc tán phát chỉ có thể bằng cách chuyền tay nhau. Công nghệ số khiến những clip nóng này có ngay trong điện thoại di động, máy tính cá nhân, mức ảnh hưởng không thể lường hết. Khi xem xét chế tài xử lý, các nhà làm luật cũng chưa lường hết mức độ nguy hiểm của nó.
Tự ý công khai thông tin riêng của người khác trên mạng có thể bị truy tố
BLHS sửa đổi đưa vấn đề tội phạm mạng thành một trong những nội dung cấp thiết phải điều chỉnh. Theo đó, hành vi tán phát virus, chương trình tin học có tính năng gây hại cho hoạt động của mạng máy tính, viễn thông, Internet, thiết bị số, nếu gây hậu quả nghiêm trọng sẽ bị xử lý hình sự, khung cơ bản phạt tiền đến hai trăm triệu đồng hoặc phạt tù đến năm năm.
Cùng chế tài xử phạt tương tự là hành vi cản trở hoặc gây rối loạn hoạt động của mạng máy tính, mạng viễn thông, Internet, thiết bị số gây hậu quả nghiêm trọng, chẳng hạn như: Tự ý xóa, làm tổn hại hoặc thay đổi phần mềm, dữ liệu thiết bị số; ngăn chặn trái phép việc truyền tải dữ liệu mạng máy tính, viễn thông, Internet, thiết bị số.
Hành vi đưa trái pháp luật thông tin lên mạng máy tính như việc đưa lên mạng những thông tin trái quy định pháp luật; mua bán, trao đổi, tặng cho, sửa chữa, thay đổi hoặc công khai hóa những thông tin riêng của tổ chức, cá nhân khác trên mạng máy tính, viễn thông, Internet mà không được phép của chủ sở hữu thông tin đó… cũng có thể bị truy tố.
Điều 226a, xác định mặt khách quan của tội phạm ở mức rộng hơn so với hiện hành: "Cố ý vượt qua cảnh báo, mã truy cập, tường lửa, sử dụng quyền quản trị của người khác hoặc bằng các phương thức khác truy cập bất hợp pháp vào mạng máy tính, mạng viễn thông, mạng Internet hoặc thiết bị số của người khác chiếm quyền điều khiển; can thiệp vào chức năng hoạt động của thiết bị số; lấy cắp, thay đổi, hủy hoại, làm giả dữ liệu hoặc sử dụng trái phép các dịch vụ". Chế tài khung cơ bản của hành vi này bị phạt tiền từ hai mươi triệu đồng đến hai trăm triệu đồng hoặc bị phạt tù từ một năm đến năm năm.
Điều 226b xác định mặt khách quan: Sử dụng thông tin về tài khoản, về thẻ ngân hàng của cá nhân, tổ chức để chiếm đoạt hoặc làm giả thẻ ngân hàng nhằm chiếm đoạt tài sản; truy cập bất hợp pháp vào tài khoản của tổ chức, cá nhân để lấy tiền; lừa đảo trong thương mại điện tử, trong kinh doanh tiền tệ, huy động vốn tín dụng, mua bán và thanh toán cổ phiếu qua mạng hoặc thực hiện các hình thức lừa đảo khác nhằm chiếm đoạt tài sản
Theo CAND